Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Bình Phước: Doanh nhân vướng lao lý vì … “vay nặng lãi”
Việt Dũng - 11/10/2020 10:59
 
Để đáo hạn ngân hàng, bà Ngô Minh Chiến (Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tâm Đức) buộc phải vay tiền bên ngoài với lãi suất cao để rồi vướng vào lao lý suốt nhiều năm nay.

Vướng lao lý vì … “vay nặng lãi”

Vừa qua, Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đối với bà Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tâm Đức (gọi tắt là Công ty Tâm Đức), có địa chỉ tại TP.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.

Đáng chú ý, vụ án này được khởi tố từ năm 2014, và mới đây được phục hồi, đưa ra xét xử vào các ngày 6, 7, 8/10/2020, tức sau 6 năm kể từ khi khởi tố vụ án với 5 lần Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung, 11 lần Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước trả hồ sơ điều tra bổ sung, 5 lần ra gia hạn thời hạn truy tố, khiến cho vụ án kéo dài suốt nhiều năm, nhưng không thể xét xử, đang được dư luận đặc biệt quan tâm

Bà Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tâm Đức tại tòa
Bà Ngô Minh Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Phòng khám đa khoa Tâm Đức tại tòa.

Theo đó, tại phiên xét xử vụ án sơ thẩm vào các ngày 6, 7, 8/10/2020, cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước nêu: tháng 12/2009, Công ty Tâm Đức ký hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng Công thương chi nhánh Bình Phước số tiền 8 tỷ đồng. Do có nhu cầu đáo hạn, ngày 13/7/2010, bà Chiến cùng chồng là Tạ Văn Biết và ông Nguyễn Văn Tuệ (trú tại TP.HCM) đến Phòng công chứng số 1 tỉnh Bình Phước để soạn thảo hợp đồng vay tiền với nội dung: “Ông Tuệ cho Công ty Tâm Đức vay số tiền 9 tỷ đồng, thời hạn vay 1 tháng kể từ ngày 14/7/2010 đến ngày 14/8/2010; lãi suất 2%/tháng”.

Cả ông Tuệ và bà Chiến đều xác định trong số tiền này có cả gốc và lãi, nhưng có sự mâu thuẫn về số tiền gốc và mức lãi suất. Bởi trên hợp đồng thì lãi suất là 2%/tháng, nhưng thực tế thì ông Tuệ cho vay với lãi suất 5%/tháng. Sau đó ngày 29/9/2010, bà Chiến nhờ chồng đến viết giấy vay ông Tuệ thêm 400 triệu đồng.

Đến ngày 25/12/2012, Chiến và ông Tuệ cùng lập bản xác nhận lại công nợ, trong đó thể hiện bà Chiến đã trả cho ông Tuệ 3 lần với tổng số tiền 6,5 tỷ đồng. Đồng thời hai bên chốt nợ cụ thể tổng số tiền đến ngày 19/4/2012 bà Chiến chưa trả cho ông Tuệ gồm hơn 979 triệu đồng tiền lãi và hơn 3,8 tỷ đồng tiền gốc. Sau đó ông Tuệ và bà Chiến xảy ra mâu thuẫn. Ông Tuệ gửi đơn tố cáo bà Chiến tới cơ quan công an.

Tại phiên xét xử ngày 7/10 vừa qua, trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Chiến đã dùng thủ đoạn gian dối là cung cấp tờ giấy trả nợ có nội dung không phù hợp để làm chứng cứ chứng minh đã trả hết nợ cho ông Tuệ tại buổi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước vào ngày 10/1/2014.

Theo Viện kiểm sát, tại thời điểm xuất trình giấy trả nợ này và chối bỏ việc còn nợ khoản tiền gốc là hơn 2,2 tỷ đồng của ông Tuệ thì Chiến đã hoàn thành hành vi thủ đoạn gian dối chiếm đoạt của ông Tuệ trị giá 2,2 tỷ đồng. Hành vi này của Chiến là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đồng thời đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Chiến từ 12-13 năm tù.

Tại toà, bị cáo Chiến không đồng tình với cáo trạng của Viện kiểm sát tỉnh Bình Phước truy tố bản thân và cho rằng cơ quan CSĐT đã hình sự hóa quan hệ dân sự. Bị cáo Chiến thừa nhận có vay tiền ông Tuệ, không chối bỏ nghĩa vụ trả nợ và bị cáo cũng không bỏ trốn khỏi nơi cư trú nên không phạm tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội), người bảo việc quyền và nghĩa vụ hợp pháp cho bị cáo Chiến cũng trình bày rằng, trong các tài liệu đều thể hiện khoản vay này là của Công ty Tâm Đức do bà Chiến làm đại diện chứ không phải cá nhân bà Chiến vay.

Đồng thời không có văn bản nào thể hiện việc bà Chiến khẳng định bà Chiến đã trả hết số tiền vay của ông Tuệ. Thực tế tại toà, bà Chiến cũng đã nhiều lần khẳng định vẫn còn nợ ông Tuệ khoảng 4,8 tỷ đồng và không từ chối nghĩa vụ trả nợ. Hơn nữa số tiền bà Chiến nhận nợ lớn hơn số tiền bà này bị quy kết chiếm đoạt của ông Tuệ.

Theo đó, luật sư Thiệp cho rằng bị cáo Chiến không thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của ông Tuệ. Đồng thời, cũng là biểu hiện rõ của việc hình sự hoá quan hệ dân sự. Chưa kể, trong vụ án này có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.

Bởi theo hồ sơ vụ án và tại toà ông Tuệ nhiều lần thừa nhận cho cho Công ty Tâm Đức vay theo thoả thuận miệng là 5% tháng tương đương 60%/năm, chưa kể việc có sự thoả thuận khác theo lời khai của bị cáo Chiến thực tế là 0,4%/ngày (số tiền này khớp với số tiền Chiến còn nợ với ông Tuệ). Từ đó luật sư đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu cho vay nặng lãi của ông Tuệ.

Viện kiểm sát khẳng định “có vi phạm tố tụng”?

Đáng chú ý, ở phần tranh tụng, các luật sư khác bào chữa cho bị cáo đã chỉ ra những điểm “mờ”, xuất phát từ quá trình điều tra vụ việc dẫn đến vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng.

HDXX tạm dừng phiên tòa để nghị án đến ngày 15/10 sẽ tuyên án
HDXX tạm dừng phiên tòa để nghị án đến ngày 15/10 sẽ tuyên án

Cụ thể, vụ án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước khởi tố, điều tra từ năm 2014, nhưng phải tới 6 năm mới đưa ra xét xử. Bên cạnh đó, Cơ quan Cơ quan Cảnh sát điều tra có một kết luận điều tra và 11 kết luận điều tra bổ sung. Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước 5 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Đặc biệt, Viện kiểm sát tỉnh Bình Phước có 11 lần trả hồ sơ và 5 lần gia hạn thời hạn quyết định truy tố.

Về vấn đề này, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, thời điểm vay nợ là vào năm 2010 nên phải áp dụng các quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999…và mức lãi suất 60%/năm vào thời điểm đó không có dấu hiệu cho vay nặng lãi.

Còn đối với việc vi phạm tố tụng thì đúng là có vi phạm, bởi một vụ án để như thế này là quá dài. Tuy nhiên, lý do dẫn tới việc vi phạm tố tụng là do bị cáo cung cấp nhiều chứng cứ mới, phải trả hồ sơ để đi điều tra bổ sung nhiều lần.

Trong các phiên xét xử vừa qua, bị hại là ông Nguyễn Văn Tuệ cũng trình bày tại tòa rằng, mong muốn lớn nhất của ông hiện tại là được nhận lại số tiền đã cho bị cáo Chiến vay (cả gốc và lãi).

Tuy nhiên, khi HDXX hỏi số tiền cụ thể ông Tuệ muốn bà Chiến trả là bao nhiêu thì bị hại lại không đưa ra được. Nguyên do bởi nếu tính cả tiền lãi thì số tiền phải trả hiện nay là rất lớn. Hai bên phải ngồi lại với nhau để thống nhất công nợ thì mới đưa ra con số cụ thể được.

Sáng 8/10/2020, sau khi nghe các bên tranh luận và phần tự trình bày của bị cáo, bị hại, HĐXX quyết định tạm dừng phiên tòa để nghị án.

Theo HĐXX, đây là một vụ án nghiêm trọng và rất phức tạp, toàn bộ lời khai tại phiên xử những ngày qua đều được ghi âm. HĐXX sẽ nghe lại để đánh giá toàn diện các vấn đề về án trước khi có phán quyết cuối cùng.

Theo đó, phiên tòa được tạm dừng và đến ngày 15/10 sẽ tuyên án.

Đại dự án "thua lỗ" Nhiên liệu sinh học Bình Phước chưa hẹn ngày khởi động lại
Dự án Nhiên liệu sinh học Bình Phước, một trong 12 dự án thua lỗ, yếu kém của ngành Công Thương đã hoàn thành công tác bảo dưỡng sửa chữa,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư