Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 24 tháng 01 năm 2025,
Bình Thuận: 20 năm “ngành công nghiệp không khói”
Gia Minh - 19/04/2015 08:19
 
20 năm, từ sau sự kiện “Nhật thực toàn phần” ngày 24/10/1995 được nhìn rõ nhất tại Mũi Né (TP. Phan Thiết), Bình Thuận đã vươn tầm, trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Ngô Minh Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Bình Thuận có những tiềm năng, lợi thế gì để phát triển du lịch?

Sự kiện “Nhật thực toàn phần” đã mở ra cho Bình Thuận một chương mới trong việc nhìn nhận và định hình cách làm du lịch. Sau sự kiện này, nhiều du khách đã quay trở lại Bình Thuận, trong đó có nhiều nhà đầu tư đổ vốn vào phát triển du lịch.

Là một tỉnh ven biển cực Nam Trung Bộ, Bình Thuận có vị trí thuận lợi là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với các tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đồng thời là giao điểm nối liền với các trung tâm du lịch lớn của khu vực phía Nam, như Nha Trang, Đà Lạt, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu. Bình Thuận có 192 km bờ biển với nhiều bãi biển đẹp, cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành, có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc…

Sau 20 năm phát triển, du lịch Bình Thuận đã đạt được kết quả nổi bật nào?

Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ở Bình Thuận đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư phát triển du lịch.

Hiệu quả đầu tư cùng với môi trường đầu tư thông thoáng đã thu hút mạnh các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh du lịch ở Bình Thuận. Đến cuối năm 2014, toàn tỉnh có 398 dự án du lịch được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích đất gần 7.800 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư thực hiện trên 60.000 tỷ đồng. Cơ sở vật chất, dịch vụ phục vụ du lịch phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng với 271 khách sạn, resort đang hoạt động kinh doanh với tổng số 10.401 phòng, trong đó đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên có 40 cơ sở. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch phát triển nhanh, chất lượng phục vụ ngày càng cao, đáp ứng được yêu cầu khách du lịch quốc tế và trong nước.

Các chỉ tiêu du lịch trong những năm qua đều đạt và vượt kế hoạch, duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Lượng khách du lịch tăng ổn định, bình quân giai đoạn 2006-2009 tăng 12,36%/năm; 2010-2015 ước tăng 12,47%/năm. Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế dài hơn, khách quay trở lại cũng nhiều lần hơn. Doanh thu du lịch tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2006-2009 tăng 32,97%/năm; 2010-2015 tăng 23,59%/năm. Các khoản nộp ngân sách từ du lịch tăng 30%/năm.

Diện mạo du lịch Bình Thuận đến nay đã có dáng dấp của một khu du lịch tầm cỡ quốc gia với các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tham quan; du lịch MICE; du lịch thể thao; du lịch tín ngưỡng, nghiên cứu văn hóa, lễ hội, các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề... Sản phẩm du lịch đã có sự phong phú đa dạng với hệ thống các resort nghỉ dưỡng cao cấp. Chất lượng dịch vụ ngày càng cao, phong cách phục vụ ngày càng chuyên nghiệp.

Đánh giá một cách khách quan, du lịch Bình Thuận còn có những điểm yếu nào cần khắc phục, thưa ông?

So với mục tiêu đề ra, kết quả đạt được là đáng ghi nhận, tuy nhiên, các chỉ tiêu du lịch cả về lượng khách và doanh thu chưa được như mong muốn. Du lịch của tỉnh phát triển chưa mạnh về chiều rộng, chưa khai thác hết tài nguyên, lợi thế; loại hình, sản phẩm du lịch chưa thật sự đa dạng; du lịch cộng đồng còn nghèo nàn.

Công tác quy hoạch du lịch, quản lý quy hoạch bộc lộ một số mặt hạn chế; chưa giải quyết tốt mâu thuẫn giữa các thế mạnh của tỉnh; một số hoạt động như khai thác titan, chế biến hải sản… đã tác động tiêu cực, làm ảnh hưởng đến hoạt động du lịch. Số lượng dự án chưa triển khai, triển khai cầm chừng còn nhiều, chiếm tỷ lệ còn cao so với tổng số dự án được chấp thuận đầu tư…

Ông có thể cho biết mục tiêu của ngành du lịch Bình Thuận thời gian tới?

Trong thời gian tới, mục tiêu chung của du lịch Bình Thuận là tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch Bình Thuận mang đặc trưng riêng; đưa Bình Thuận sớm trở thành trung tâm du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia. Giữ gìn và khai thác tốt tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn; sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch đa dạng, có chất lượng; kết nối các vùng du lịch trọng điểm quốc gia. Duy trì tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu du lịch…

Ngoài những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và ngành du lịch, Bình Thuận  mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ một số vấn đề, như tập trung nguồn lực về vốn đầu tư phát triển, sớm triển khai các dự án về giao thông đối ngoại tại Bình Thuận; cân đối ngân sách hỗ trợ địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Chương trình Hành động quốc gia về Du lịch giai đoạn 2013-2020 đã được Chính phủ phê duyệt; sớm sửa đổi, bổ sung Luật Du lịch phù hợp với điều kiện, thực tiễn công tác quản lý và tình hình phát triển du lịch ở Việt Nam; quan tâm hỗ trợ Bình Thuận thực hiện các dự án phát triển văn hóa, thể thao, hạ tầng phục vụ du lịch…

Phan Thiết kỳ vọng sức hút Khu đô thị du lịch biển
Được khởi công xây dựng vào ngày mai (18/4), Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết khi hoàn thành sẽ thành một khu đô thị du lịch biển hiện...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư