Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tìm “sếu đầu đàn” cho du lịch Bình Định
Hoàng Thủy - 31/03/2015 10:07
 
Nhà đầu tư nào sẽ đóng vai trò là “sếu đầu đàn” cho sự phát triển du lịch Bình Định? Làm thế nào để con sếu đó dừng chân ở vùng đất võ huyền thoại này? Nếu lựa chọn Bình Định thì nó sẽ được gì? Có đủ sức lôi kéo để tạo nên một bầy sếu hay không?... Đây chính là những vấn đề được đem ra mổ xẻ tại "Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2015" diễn ra chiều 30/3 tại TP. Quy Nhơn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Hơn 100 tỷ làm Khu du lịch Thủy liệu pháp Kỳ Co - Nhơn Hội
Bình Định cần dự án du lịch mang tính động lực
Bình Định tăng tốc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông

Dư địa, tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch Bình Định ai cũng biết, vấn đề đặt ra là những “của hiếm” đó vẫn ở dạng tiềm năng chưa được khai phá, đúng như nhận định của phần lớn các đại biểu tham dự hội nghị rằng, du lịch Bình Định chưa phát triển xứng tầm.

Nhà đầu tư nào sẽ đóng vai trò “sếu đầu đàn” phát triển du lịch Bình Định là vấn đề được đem ra mổ xẻ tại Hội nghị

Đưa ra so sánh giữa Bình Định và Đà Nẵng, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, xét về tiềm năng, lợi thế, tài nguyên du lịch thì Đà Nẵng không là gì với Bình Định.

“Nhưng tại sao, thời điểm này, Đà Nẵng như một 'hoa hậu' tỏa sáng, trong khi Bình Định vẫn là 'cô gái nghèo'?”, ông Hà đặt vấn đề.

Theo ông Hà, sở dĩ du lịch Bình Định vẫn khốn khó, chậm phát triển đầu tiên là do không được quy hoạch bài bản, thiếu định hướng. Du lịch Bình Định vẫn manh mún, tự phát và rất lãng phí.

Quan trọng nhất, ngành du lịch Bình Định không có tầm nhìn chiến lược, và người dân lẫn chính quyền chưa quan tâm đến du lịch, chưa xem du lịch là ngành mũi nhọn.

Ông Hà cũng thẳng thắn nêu rằng, cơ sở hạ tầng Bình Định dù được chính quyền tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp, nhưng hạ tầng phục vụ cho du lịch thì con yếu và thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu cần thiết để du lịch phát triển.

Chỉ ra sự lãng phí, ông Hà cho rằng, những vị trí đắc địa để thu hút những nhà đầu tư tầm cỡ thì lại thuộc về những nhà đầu tư nhỏ, địa phương. Chính điều này, du lịch Bình Định không thể có được thương hiệu lớn, để chèo lái ngành du lịch phát triển.

Chủ tịch BIDV cũng chỉ rõ cái “thiếu” cơ bản của du lịch Bình Định chính là dịch vụ hỗ trợ. Du khách đến không có gì để chơi, để tiêu tiền thì làm sao du lịch phát triển được. Việc thiếu dịch vụ hỗ trợ sẽ khó sinh lợi nhuận cho nhà đầu tư, bởi lẽ không nhà đầu tư nào đến với tỉnh mà không được gì, ông Hà khẳng định.

Chủ tịch Trần Bắc Hà lấy ví dụ Tập đoàn Vingroup, có dự án du lịch hàng ngàn tỷ đồng, sao đến nay triển khai lại chậm, vậy vấn đề đang nằm ở đâu?

Hoặc, Tập đoàn Sun Group sẵn sàng bỏ hàng nghìn tỷ đồng để đầu tư Khu đô thị du lịch ở Ghềnh Ráng, sẵn sàng bỏ tiền để tỉnh di dời Làng phong – Ghềnh Ráng để đầu tư Khu đô thị... Liệu tỉnh có thể tạo cơ hội cho họ không? Có kiên quyết hỗ trợ nhà đầu tư để di dời làng phong không? ...

Chốt lại vấn đề, ông Hà cho rằng cần phải xây dựng thương hiệu du lịch Bình Định lại từ đầu. Phải xác định rõ vai trò của từng đối tượng tạo nên thương hiệu đó gồm nhà nước đối với cơ chế, nhà đầu tư thì có cam kết, nhà lữ hành thì có khách và trường đại học thì phát triển nhân sự.

Dưới góc nhìn chuyên sâu về du lịch, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam gợi ý nhóm giải pháp để thúc đẩy du lịch Bình Định phát triển.

Theo ông Thọ, đã nói đến du lịch thì vấn đề đầu tiên đặt ra là phải đảm bảo an toàn, vấn đề này liên quan đến môi trường, đến thực phẩm và cả cung cách ứng xử giữa người dân và du khách. Kế tiếp, Bình Định cần xây dựng một sản phẩm du lịch đặc thù, và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ngoài ra, ông Thọ cũng khẳng định rằng, du lịch là lĩnh vực đại chúng, cần phải có chiến lược xúc tiến, quảng bá và xây dựng cách quảng bá sao cho hiệu quả. Để làm đươc những vấn đề đó, ngành du lịch Bình Định phải đào tạo nhân sự cho nghành, và xây dựng thị trường khách bền vững.

Đặc biệt, chính quyền tỉnh Bình Định cần vận dụng Nghị quyết 92 của Chính phủ để giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo điều kiện thu hút các dòng vốn đầu tư hạ tầng, phát triển du lịch, xây dựng những cơ chế, chính sách để khuyến khích nhà đầu tư đến với Bình Định,...

Tiến sỹ Trần Du Lịch thì có cách nhìn bao quát hơn. Theo ông thì ngành du lịch là ngành mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng đổi lại thị trường du lịch lại là thị trường khó tính nhất so với các loại thì trường khác.

Tiến sỹ Trần Du Lịch cho rằng, để thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch không chỉ là việc của chính quyền giới thiệu có bao nhiêu dự án, chính sách ưu đãi thế nào, mà quan trọng là chính quyền phải cam kết những việc mình phải làm để đồng hành cùng các nhà đầu tư.

“Bình Định cần tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ những dự án đang triển khai thực hiện nhanh và hiệu quả, xử lý dứt điểm những dự án đã giao đất mà không triển khai để có quỹ đất sạch mời gọi những nhà đầu tư khác thật sự có năng lực”, Tiến sỹ Trần Du Lịch góp ý.

Mở lối đưa du lịch Bình Định cất cánh

Bình Định đã chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để điều này trở thành hiện thực, tỉnh cùng nhiều doanh nghiệp lớn huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nâng cấp các địa điểm du lịch nổi tiếng... nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư