Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Biwase lọt tốp 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam
Vinh Sơn - 02/08/2019 16:47
 
Sau hơn 2 năm được cổ phần hóa, Công ty cổ phần nước và môi trường Bình Dương (Biwase, mã chứng khoán BWE) đã lọt vào tốp 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam, do tạp chí Forbes bình chọn, công bố tháng 6/2019.
TIN LIÊN QUAN

“Trái ngọt” sau cổ phần hóa

Lần đầu tiên, Biwase lọt vào top 50 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán tốt nhất. Đây là một bước tiến ngoạn mục của Biwase, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp cùng ngành nghề còn gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch HĐQT của Biwase nhớ lại, mặc dù việc thực cổ phần hóa (CPH) của Biwase có chậm hơn một số doanh nghiệp cùng ngành nghề nhưng đã nhanh chóng đạt được kết quả như mong đợi.

Khánh thành Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (ảnh tư liệu).
Khánh thành Khu liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (ảnh tư liệu).

Cụ thể, đến ngày 3/6/2016, Công ty mới xác định được giá trị doanh nghiệp. Trong đợt IPO lần đầu, cổ phiếu Biwase đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư khi số lượng cổ phần đăng ký mua gấp 3,5 lần số lượng cổ phần chào bán với tổng số 283 nhà đầu tư đăng ký mua. Giá đấu thành công bình quân là 14.227 đ/1 cổ phần, tổng giá trị thu về cho nhà nước trên 846 tỷ đồng...

Đến nay, nhà nước đã thoái vốn thêm 2 lần, lần lượt là 10% và 16%, vốn nhà nước còn tại công ty là 25%. Cổ phiếu BWE đang niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (Hose).

Với sự nỗ lực và ý chí quyết tâm, làm việc quyết liệt trong thời gian hơn 2 năm qua, công ty vừa tạo ra thương hiệu mạnh, có uy tín trên thị trường nhờ kết quả sản xuất kinh doanh hàng năm được giữ mức tăng trưởng ổn định, bộ máy điều hành làm việc có trách nhiệm, có chuyên môn, cổ tức chi trả cho nhà đầu tư tăng đều hàng năm (năm 2017 là 7%; năm 2018 là 9%...).

“Trên sàn giao dịch chứng khoán, công ty được nhà đầu tư rất quan tâm, trung bình mỗi ngày giao dịch từ 100.000 ÷ 300.000 cổ phiếu. Các sản phầm của công ty cũng tăng đều, doanh số tăng trung bình mỗi năm là 24 %, trong đó sản lượng nước sạch tăng 26.4% /năm; sản lượng thu gom xử lý rác tăng 27% /năm; nước thải tăng 51.11%/năm…”, ông Thiền thông tin.

Mới đây, Biwase đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019, với doanh thu tăng 2,3% so với cùng kỳ, đạt 641,7 tỷ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.113 tỷ đồng, tăng 8% so với nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 242,2 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp đôi cùng kỳ, đạt 207,4 tỷ đồng. EPS đạt 1.106 đồng…

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thăm Dự án của Biwase (ảnh tư liệu).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thăm dự án của Biwase (ảnh tư liệu).

Hướng đến phát triển bền vững

Ông Thiền cho biết, để không phụ lòng nhà đầu tư, sự kỳ vọng của người lao động và của xã hội, bộ máy điều hành công ty đã nỗ lực không ngừng để làm tốt việc phục vụ khách hàng, đồng thời luôn tìm phương án tiếp tục đầu tư, tăng trưởng theo nhu cầu sử dụng nước sạch ngày càng tăng hơn, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao hơn.

Chẳng hạn, trong 2 năm qua, Biwase đầu tư cho cấp nước 505 tỷ đồng để nâng công suất nhà máy lên 450.000m3/ngày đêm, trong đó, vốn đầu tư ra các xã vùng nông thôn là 120,12 tỷ đồng, góp phần xây dựng nông thôn mới. Khu liên hợp xử lý chất thải được đầu tư thêm 290 tỷ đồng để tăng công suất xử lý rác từ 900 ÷1.000 tấn/ngày lên đến 1.700 tấn/ngày (rác sinh hoạt) và 700 tấn/ngày (rác công nghiệp)…

Các dự án ODA của Biwase luôn được hoàn thành trước thời hạn từ 1-2 năm, đưa vào sử dụng, vận hành sớm, có cơ hội tích lũy vốn trả nợ, hiệu quả dự án tốt. Nhờ đó, không chỉ bên tài trợ vốn ODA hài lòng mà các ngân hàng thương mại trong nước cũng rất tin tưởng khi cho vay. Vì thế, nguồn lực tài chính của Biwase đến nay luôn ổn định.

Dự án xử lý chất thải của Biwase.
Dự án xử lý chất thải của Biwase.

Điển hình là “Dự án xử lý rác thải sinh hoạt thành phân Compost” do Phần Lan tài trợ cộng với vốn đối ứng của công ty. Nhờ lựa chọn nhà thầu có năng lực thực hiện nhanh, đảm bảo tiến độ, chỉ sau một thời gian rất ngắn, đã xử lý thành công rác sinh hoạt ra phân compost. Hiện nay, Công ty đã cho ra thị trường sản phẩm phân bón nhãn hiệu “Con Voi”, được nông dân tin tưởng sử dụng bón cây ăn trái, cây cà phê, vườn cây cao su… 

“Từ đây, chúng tôi đã được chuyển giao công nghệ thành công, lắp ráp và vận hành nhà máy xử lý rác thứ 2 có công suất 420 tấn/ngày. Chính phủ Phần Lan, ngân hàng ADB đã đánh giá rất cao việc sử dụng vốn hiệu quả của Biwase”, ông Thiền cho biết.

Biwase không quên trách nhiệm với môi trường
“Dù đã CPH song Biwase không quên nhiệm vụ trọng yếu của mình là phải đảm bảo nước sạch cho mọi đối tượng sử dụng nước ở Bình Dương, đảm bảo môi trường bền vững. Ngoài việc liên tục đầu tư nhà máy nước, thu gom xử lý nước thải sinh hoạt, công ty còn phải tiếp nhận, xử lý gần 3.000 tấn rác thải mỗi ngày…Bình Dương là tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa rất nhanh nên nhiệm vụ của Biwase ngày càng nhiều. Tuy nhiên, dù có áp lực thế nào thì Biwase vẫn sẽ cố gắng làm tốt và không quên trách nhiệm với môi trường”, ông Nguyễn Văn Thiền khẳng định.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư