Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Biwase muốn thâu tóm tối đa 100% vốn tại CTCP cấp thoát nước Long An
Duy Bắc - 15/03/2023 07:52
 
Sau chủ trương thâu tóm các công ty cấp nước ở các tỉnh thành đầu năm, CTCP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, mã BWE) đã bắt đầu công bố kế hoạch thâu tóm tại Long An.

Cụ thể, ngày 13/3, Biwase thông qua chủ trương đầu tư mua cổ phần CTCP cấp thoát nước Long An (mã LAW – sàn UPCoM) để nâng sở hữu từ 20% đến 100% vốn điều lệ.

Như vậy, nếu giao dịch thực hiện thành công, CTCP cấp thoát nước Long An sẽ trở thành công ty liên kết hoặc Công ty con của Biwase.

Theo tìm hiểu, tính tới cuối năm 2022, CTCP cấp thoát nước Long An có hai cổ đông lớn là UBND tỉnh Long An sở hữu 60% vốn điều lệ; CTCP Đầu tư ngành nước DNP sở hữu 37,15% vốn điều lệ và còn lại 2,85% vốn điều lệ thuộc về nhóm cổ đông khác.

Như vậy, để muốn chi phối CTCP Cấp thoát nước Long An, Biwase sẽ phải mua cổ phần từ hai cổ đông lớn là UBND tỉnh Long An hoặc CTCP Đầu tư ngành nước DNP.

Biwase tiếp tục muốn mở rộng hệ sinh thái cấp nước sang các tỉnh thành

Trước đó, đầu tháng 2/2023, Biwase vừa thông qua chủ trương đầu mua cổ phần 5 Công ty gồm CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An; CTCP Công trình Đô thị Châu Thành; CTCP Công trình Đô thị Cần Giuộc; CTCP Nước và Môi trường Bằng Tâm và CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Quảng Bình. Tỷ lệ sở hữu dự kiến từ 50% đến 100%. Như vậy, nếu giao dịch thành công, Biwase sẽ ghi nhận đầu tư vào 5 công ty con.

Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Hạ tầng nước DNP Long An có địa chỉ tại ấp 7, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, đại diện pháp luật là ông Trần Tấn Lợi và hoạt động trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước.

Thêm nữa, theo giới thiệu trên website, DNP Long An hoạt động trong lĩnh vực cấp nước với vốn điều lệ trên 786 tỷ đồng. Công ty sở hữu Nhà máy nước Nhị Thành có công suất thiết kế 60.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho các khu vực huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước… thuộc tỉnh Long An.

DNP Long An nằm trong hệ sinh thái của DNP Holding (Mã DNP, tên trước đây là Nhựa Đồng Nai) với tỷ lệ lợi ích tính tại ngày 31/12/2022 là 44,06%. DNP Holding sở hữu 15 nhà máy tại các tỉnh thành khác nhau trên cả nước, tổng công suất các sản phẩm nhựa là 8.500 tấn/tháng và 700.000 m3 nước sạch/ngày đêm.

Ở một diễn biến khác, trước đó, tháng 4/2022, Biwase công bố đã mua lại cổ phần của Cấp thoát nước Cần Thơ (mã CTW) và Cấp nước Cần Thơ 2 với giá trị đầu tư tại ngày cuối tháng 12/2022 là 303 tỷ đồng. Đồng thời, nhân sự cấp cao của Biwase cũng đã tham gia vào việc điều hành tại hai công ty nói trên.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty nước địa phương tại Đồng Nai, Cần Thơ, Biwase cũng đang có kế hoạch mở rộng đầu tư sang các tỉnh lân cận như Bình Phước, Bến Tre...

Năm 2023, Biwase đặt kế hoạch lợi nhuận tăng 5,6% lên 720 tỷ đồng

Biwase công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, đại hội dự kiến diễn ra ngày 31/3 tại Bình Dương.

Trong năm 2023, Biwase đặt kế hoạch tổng doanh thu 3.970 tỷ đồng, tăng 1,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến tối thiểu 720 tỷ đồng, tăng 5,6% so với thực hiện trong năm 2022. Trong đó, tỷ lệ thất thoát nước dự kiến dưới 5%, nước thương phẩm tối thiểu 186 triệu m3 và cổ tức dự kiến tối thiểu 13%/năm.

Trong lĩnh vực cấp nước, Công ty tiếp tục đầu tư mạng lưới ống truyền tải và phân phối đến các vùng sâu, vùng xa, phát triển công tác đấu nối khách hàng nhằm cung cấp nước sạch cho người tiêu dùng, sản xuất ngày càng nhiều hơn và để phát huy tối đa công suất tại các Nhà máy nước Tân Hiệp, Dĩ An, Uyên Hưng, Nam Tân Uyên, Đất Cuốc, Chơn Thành.

Công ty sẽ tập trung đẩy nhanh mở rộng mạng lưới cấp nước Bàu Bàng, Chơn Thành – Bình Phước. Đồng thời, mở rộng phạm vi tỉnh Bình Dương, Bình Phước và một số tỉnh lân cận khác như khu vực Cần Thơ, Long An và Quảng Bình.

Đối với lĩnh vực xử lý chất thải, tăng cường thu gom và xử lý hết lượng rác tiếp nhận ngày càng tăng cao của nhà máy xử lý chất thải như thi công hoàn thành phát huy công suất dây chuyền xử lý rác thành phân hữu cơ, công suất 840 tấn/ngày giai đoạn 4 và lò đốt rác, công suất 200 tấn/ngày.

Biwase sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện đền bù, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng khoảng 400 ha phục vụ công trình xây dựng Khu liên hợp xử lý chất thải rắn xã Tân Long, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.

Ngoài ra, trong năm 2023, Biwase còn đẩy nhanh hoàn tất hồ sơ và tăng cường công tác thu hồi vốn đầu tư của Công ty đã đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội 12 tầng – An Phú.

Quay trở lại với các tờ trình Đại hội, Biwase dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức năm 2022 là 13%, tương ứng 250,8 tỷ đồng.

Về ban lãnh đạo, Công ty dự kiến miễn nhiệm thành viên Ban kiểm soát đối với ông Tăng Tố Vân (sinh năm 1972) với lý do cá nhân, trong thời gian này và sắp tới, ông Tăng Tố Vân không có đủ thời gian và điều kiện để tập trung thực hiện nhiệm vụ.

Công ty dự kiến sẽ bầu bổ sung 1 thành viên Ban kiểm soát mới. Tuy nhiên, Công ty vẫn chưa công bố ứng viên cụ thể.

Đồng thời, Biwase cũng muốn đổi tên từ CTCP Nước – Môi trường Bình Dương thành CTCP Tổng Công ty nước – Môi trường Bình Dương.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/3, cổ phiếu BWE giảm 300 đồng về 44.100 đồng/cổ phiếu.

Biwase liên tục thâu tóm, hiện thực tham vọng thống lĩnh của Nước Thủ Dầu Một
Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) trở thành cánh tay đắc lực của Công ty cổ phần Nước Thủ Dầu Một thực hiện các thương...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư