Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 22 tháng 12 năm 2024,
Bloomberg: Nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi "chậm và gập ghềnh" trong năm 2024
Đông Phong - 14/01/2024 17:08
 
Trung Quốc gần như chắc chắn đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023. Vấn đề hiện nay là liệu rủi ro giảm phát, khủng hoảng nhà ở có làm chệch hướng tăng trưởng năm 2024 không.
Sự phục hồi nhu cầu nội địa của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm và gập ghềnh. Ảnh: AFP
Sự phục hồi nhu cầu nội địa của Trung Quốc được dự báo sẽ chậm và gập ghềnh. Ảnh: AFP

Theo Bloomberg, số liệu sắp công bố có thể sẽ chỉ ra tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc tăng 5,2% trong năm 2023, bất luận nền kinh tế này có thể mất đà trong quý IV.

Dù tháng 12/2023 chứng kiến doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước nhưng trên nền so sánh thấp, bởi vào cuối năm 2022, Trung Quốc đang phải đối mặt với đợt bùng phát lớn của dịch Covid-19.

Đang xuất hiện những luồng ý kiến, dự báo trái chiều xoay quanh sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Theo số liệu mới công bố, giá tiêu dùng của Trung Quốc trong tháng 12/2023 đã ghi nhận tháng sụt giảm thứ ba, đánh dấu chuỗi giảm phát dài nhất kể từ năm 2009. Tuy nhiên, xuất khẩu đang có dấu hiệu ổn định mặc dù đã giảm trong suốt năm 2023.

"Sự phục hồi nhu cầu trong nước sẽ chậm và gập ghềnh khi các biện pháp kích thích có mục tiêu được áp dụng nhỏ giọt cho các lĩnh vực đầu tư và quá trình phục hồi của bất động diễn ra với tốc độ rất chậm", ông Duncan Wrigley, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Pantheon Macro Economics, nhận định.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đứng trước cơ hội vào ngày 15/1 để hành động chống lại áp lực giảm phát và tăng cường cho vay.

Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát nhìn chung kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ hạ 10 điểm cơ bản của lãi suất đối với các khoản vay chính sách kỳ hạn một năm, xuống còn 2,4%. Họ cũng dự đoán các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Điều đó có thể sẽ không đủ để khắc phục mọi vấn đề của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mặc dù các nhà kinh tế vẫn đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng, chẳng hạn như cắt giảm lượng tiền mặt mà các ngân hàng thương mại phải dự trữ. Các hỗ trợ tài chính cũng đang được cân nhắc khi Bộ trưởng tài chính Trung Quốc đã phát tín hiệu rằng chi tiêu của chính phủ sẽ tăng lên.

Các nhà kinh tế tại tập đoàn dịch vụ tài chính Societe Generale ước tính kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, dựa trên giả định tăng cường kích thích tài chính, nới lỏng chính sách tiền tệ hơn một chút, tăng trưởng xuất khẩu ổn định và hỗ trợ cho lĩnh vực nhà ở.

"Nếu chính phủ Trung Quốc sẵn sàng đẩy mạnh chính sách tài khóa nhiều hơn mức chúng tôi dự báo hiện tại, thì khả năng tăng trưởng sẽ là 5%", bà Yao Wei, trưởng bộ phận nghiên cứu khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Societe Generale, lưu ý.

Khủng hoảng “ngân hàng ngầm” Trung Quốc: Bom đã nổ, 38 tỷ USD có thể “bốc hơi”
Ngày 5/1, Zhongzhi Enterprise, doanh nghiệp lớn nhất trong hệ thống ngân hàng ngầm với quy mô lên tới 2.900 tỷ USD của Trung Quốc nộp đơn xin phá sản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư