Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 08 tháng 09 năm 2024,
Bộ Công thương tìm giải pháp kích cầu mua sắm cuối năm
Hoài Sương - 14/08/2024 08:02
 
Theo Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương), từ nay đến cuối năm, cần khẩn trương đánh giá tình hình, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và triển khai ngay những giải pháp để kích thích tiêu dùng xã hội.

Sức mua giảm 

Ngày13/8, Vụ thị trường trong nước, Bộ Công thương đã tổ chức buổi làm việc với một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp khu vực phía Nam nhằm trao đổi, phân tích xu hướng, nắm bắt thực trạng các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa.

Thông tin từ Vụ thị trường trong nước, giai đoạn từ năm 2021 đến năm nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm tại nhiều thời điểm do nhiều nguyên nhân, tác động tiêu cực đến mục tiêu chung về tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Trong đó, 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ và dịch vụ đạt chỉ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mục tiêu của ngành trong năm 2024 và thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu tại Chiến lược thương mại trong nước.

Từ năm 2021 đến nay, sức mua trên thị trường trong nước có chiều hướng tăng chậm.

Nếu tính chung trong cả giai đoạn 2021-2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng bình quân khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (13-13,5%/năm).

Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc đối ngoại Aeon Việt Nam thông tin, sau dịch Covid-19, làn sóng “mua sắm trả thù” đã gia tăng hoạt động mua sắm của người tiêu dùng, đến năm 2023, tác động sau dịch đã ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, doanh nghiệp, người tiêu dùng… nên sức mua có chững lại và có giảm xuống. Đến nay sức mua có gia tăng trở lại nhưng vẫn chưa đạt như kỳ vọng.

Đồng tình với ý kiến, ông Hà Ngọc Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) cho biết, theo các dữ liệu mà Satra đang có, sức mua của người dân trên địa bàn TP.HCM vẫn còn thấp. Giá trị giỏ hàng tương đương với cùng kỳ năm trước, trong khi vẫn có trượt giá, chứng tỏ sức mua giảm. Xu hướng mua sắm co cụm lại, chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu; nhóm hàng thời trang, hoá mỹ phẩm, đồ gia dụng có dấu hiệu giảm nhiều.

Áp dụng nhiều giải pháp kích cầu cuối năm

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ tại chương trình.


Theo ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, từ nay đến cuối năm 2024 và các năm tới, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp cấp bách để kích thích tiêu dùng xã hội.

Hiện tại, các nhà phân phối đang nỗ lực tung ra các chương trình ưu đãi, tăng cường quảng bá sản phẩm để kích cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm.

Về phía Aeon, hệ thống này tăng cường kết hợp với các nhà sản xuất địa phương để cho ra các sản phẩm nhãn hàng riêng, giúp nhà sản xuất nội địa bán hàng, nâng cao chuỗi sản phẩm và đưa sản phẩm giá tốt tiếp cận khách hàng. Như vậy, cả 3 bên là Aeon, nhà sản xuất và người tiêu dùng đều hưởng lợi khi sản phẩm có giá tốt nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Với nhu cầu về hàng thời trang, hoá mỹ phẩm đang sụt giảm, Aeon chuyển sang các mặt hàng thời trang giá tốt nhưng có công năng phù hợp. Như vậy, người tiêu dùng vẫn có thể tìm mua sản phẩm thời trang nhưng giá thành sẽ phù hợp với kinh tế gia đình.

“Tất cả các sản xuất, nhà phân phối cần nắm bắt kịp sự thay đổi của khách hàng, đây sẽ là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp kích thích nhu cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới. Đây là kinh nghiệm, bài học mà Aeon đã rút ra trong quá trình gia tăng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong nửa đầu năm nay”, bà Huệ chia sẻ.

Với hệ thống siêu thị Satra, để kích cầu, tăng sức mua trong thời gian tới, chuỗi siêu thị này sẽ thực hiện khoảng 14 chương trình khuyến mại ở giai đoạn cuối năm. Trong đó, mỗi tháng thực hiện 2 lần, riêng dịp cao điểm là tháng 9 và Tết Dương lịch sẽ tăng gấp đôi chương trình khuyến mại, trong đó tập trung vào nhóm hàng thiết yếu.

Ông Hà Ngọc Sơn chia sẻ: “Hiện Satra đã làm việc và sẽ đồng hành cùng nhà cung cấp để hàng hoá đến tay người tiêu dùng có chất lượng, giá cả tốt nhất. Cùng với đó, chúng tôi sẽ áp dụng thêm chương trình voucher khuyến mãi cho những mặt hàng có sức mua yếu hơn như thời trang, hoá mỹ phẩm, gia dụng.

Cũng theo Vụ thị trường trong nước, trong bối cảnh chung của nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại, để tiếp tục duy trì và thúc đẩy thị trường trong nước và hỗ trợ xuất khẩu, trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, cần khẩn trương đánh giá tình hình, thực trạng, triển vọng thị trường, dự báo xu hướng và kịp thời đề xuất triển khai ngay những giải pháp để kích thích tiêu dùng xã hội.

Đồng thời gia tăng hoạt động lưu thông hàng hóa trong nước, phục hồi và nâng cao tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội; kiềm chế lạm phát, từng bước thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD
Với đơn hàng xuất khẩu dồi dào, sản xuất lúa gạo ổn định, giá gạo xuất khẩu duy trì đà tăng, doanh thu xuất khẩu gạo cả năm 2024 dự báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư