Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 12 năm 2024,
Bộ GD&ĐT: Không dùng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa để kiểm tra môn Ngữ văn
Hưng Anh - 04/08/2024 07:57
 
Trước những ý kiến lộ, lọt đề thi môn Ngữ văn, đặc biệt là Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Bộ GD&ĐT ra công văn chỉ đạo tránh dùng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa để kiểm tra và ra đề thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã hoàn thành với kết luận không có chuyện lộ, lọt đề thi. Tuy nhiên, vì những sự trùng hợp mà vẫn có những thông tin đề thi môn Ngữ văn bị lộ. Những luồng ý kiến trái chiều này ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý của các bậc phụ huynh và các em học sinh.

Trước tình trạng đã xảy ra, Bộ GD&ĐT vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, lưu ý đặc biệt một số vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn.

Bộ GD&ĐT vừa ra công văn chỉ đạo tránh dùng văn bản, đoạn trích trong sách giáo khoa để kiểm tra và ra đề thi từ năm học này.

Công văn nêu rõ: “Đối với môn Ngữ văn, tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kì nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn”.

Ngoài ra, việc đánh giá cần phải thực hiện theo đúng quy định, không vượt quá yêu cầu cần đạt của chương trình, tăng cường việc kiểm tra, đánh giá định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập...

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh các trường cũng cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Về việc sử dụng xuất bản phẩm tham khảo, Bộ đặc biệt lưu ý các trường chỉ đạo tổ chuyên môn, giáo viên kiểm soát chặt chẽ nội dung, không để xuất bản phẩm tham khảo có nội dung vi phạm chủ quyền biển đảo, truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của Việt Nam đưa vào sử dụng trong dạy học.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh các trường cũng cần tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.

Ngoài những nội dung trên, công văn hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng lưu ý một số vấn đề khác như thực hiện hiệu quả các phương pháp và hình thức dạy học; nâng cao chất lượng giáo dục hướng nghiệp, định hướng phân luồng; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục trung học, gồm: phát triển mạng lưới trường, lớp; phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; bảo đảm sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, học liệu...

Đối với công tác thi đua, khen thưởng, Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học thực hiện tốt việc khen thưởng, kỷ luật vì sự tiến bộ của học sinh; bảo đảm thực hiện đúng quy định, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời, tạo cảm hứng và động lực phấn đấu cho học sinh; tăng cường các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực để rèn luyện ý thức kỷ luật, trách nhiệm của học sinh đối với bản thân, thầy, cô, bạn bè, gia đình và cộng đồng.

Nghi ngờ lộ đề thi môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT lên tiếng
Nghi ngờ đề thi môn Ngữ Văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 trùng với một số suy đoán trên mạng xã hội trước khi Kỳ thi diễn ra, Bộ GD&ĐT đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư