Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ Giao thông cứng rắn với TCT Đường sắt vụ nhượng vốn Khách sạn Thương mại Sài Gòn
Anh Minh - 17/06/2015 08:40
 
Bộ Giao thông - Vận tải tỏ thái độ cứng rắn đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) liên quan tới việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn.

Bộ chủ quản cứng rắn

Theo thông tin của Báo Đầu tư, vào cuối tuần trước, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông đã ký Văn bản số 7330/BGTVT - QLDN gửi Hội đồng Thành viên VNR về việc chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn.

Tại văn bản này, với quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu được Chính phủ quy định, Bộ GTVT nghiêm khắc phê bình Hội đồng Thành viên VNR do không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật trong quá trình thành lập Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn, đặc biệt là trong việc sử dụng kết quả thẩm định giá để thương thảo, đàm phán giá trị vốn góp.

Quan điểm của Bộ Giao thông - Vận tải và VNR về các chi tiết liên quan đến việc chuyển nhượng vốn tại Khách sạn Thương mại Hà Nội còn khá xa nhau
Quan điểm của Bộ Giao thông - Vận tải và VNR về các chi tiết liên quan đến việc chuyển nhượng vốn tại Khách sạn Thương mại Hà Nội còn khá xa nhau

 

“Nhằm bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư tại VNR, Bộ GTVT không chấp thuận giá trị góp vốn của VNR (47 tỷ đồng) tại Nghị quyết số 16-13/NĐ – HĐTV ngày 11/11/2013 của Hội đồng Thành viên Tổng công ty”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng Thành viên VNR rà soát, tổng hợp, báo cáo toàn bộ việc giải thể Công ty TNHH hai thành viên Khách sạn thương mại Sài Gòn (liên doanh với Saigon Tourist) và quá trình thành lập TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn (liên doanh với Công ty Hà Thành).

VNR cũng được yêu cầu phải báo cáo chi tiết về thẩm quyền, cơ sở pháp lý việc Hội đồng Thành viên VNR thoả thuận với Công ty TNHH Hà Thành về giá trị vốn góp 47 tỷ đồng, thấp hơn 20,449 tỷ đồng so với giá trị tại Chứng thư thẩm định giá số 406 13/BC - ĐG/ĐG - VAE ngày 25/6/2013 của Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam - VAE (67,44 tỷ đồng). Đây là đơn vị được cả VNR lẫn đối tác thành lập liên doanh (Công ty Hà Thành) thống nhất chọn để định giá tài sản cùng giá trị thương mại 2 lô đất rộng hơn 1.000 m2 tại số 80 - Lý Thường Kiệt và 22 - Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Cũng tại văn bản dài 2 trang A4 này, Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu VNR chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn báo cáo chi tiết tình hình hoạt động, kết quả sản xuất - kinh doanh của liên doanh này kể từ thời điểm thành lập (tháng 7/2013) cho đến nay.

“Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên VNR và các tổ chức, cá nhân có liên quan (nếu có) trong việc để Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn thua lỗ, không bảo toàn, phát triển vốn nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thoái vốn của VNR đầu tư tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn, Bộ GTVT cho biết là đã có văn bản xin ý kiến Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính. Việc thoái vốn sẽ được Bộ GTVT xem xét sau khi có kết luận, ý kiến bằng văn bản của Thanh tra Chính phủ và Bộ Tài chính.

Trong thời gian chưa thoái vốn, Hội đồng Thành viên Tổng công ty có trách nhiệm chỉ đạo người đại diện phần vốn tại Khách sạn kiểm soát chặt chẽ mọi hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty; đảm bảo bảo toàn vốn và phát triển vốn đầu tư, kịp thời có giải pháp giám sát không để thua lỗ, thất thoát vốn.

Cần phải nói thêm rằng, đây đã là lần thứ hai trong vòng 1 tháng qua, Bộ GTVT phải có văn bản “phanh đột ngột” việc thoái vốn sau khi Hội đồng Thành viên VNR có nghị quyết và văn bản đề nghị cơ quan chủ quản chấp thuận thoái 50% vốn điều lệ tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn.

VNR tự tin vì làm đúng

Trước đó, vào đầu tháng 6/2015, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường - người được phân công phụ trách công tác cổ phần hóa của Bộ này đã ký các văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính xin ý kiến về việc chuyển nhượng vốn của VNR tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn. Cụ thể, trong văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ GTVT cho biết là việc chuyển nhượng vốn của VNR tại Khách sạn Thương mại Sài Gòn thuộc phạm vi thanh tra theo Quyết định số 2239/QĐ - TTg ngày 19/9/2014 của Thanh tra Chính phủ. Mặc dù, đến nay vẫn chưa kết luận chính thức, song để có cơ sở triển khai thực hiện công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành sản xuất - kinh doanh chính của VNR theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ GTVT đề nghị Thanh tra Chính phủ cho ý kiến về việc chuyển nhượng (thoái vốn) tại Khách sạn Sài Gòn.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ GTVT đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về tài sản công cho ý kiến 2 vấn đề lớn. Một là, việc Hội đồng thành viên VNR thương thảo với Công ty TNHH Hà Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất, với giá trị 47 tỷ đồng, thấp hơn giá trị tại Chứng thư số 406-13/BC - ĐG của VAE hơn 20,44 tỷ đồng.

Hai là, việc chuyển nhượng vốn góp của VNR tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn (50% vốn điều lệ) với giá trị là 30 tỷ đồng.

Được biết, hai văn bản này được phát đi, sau khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường có buổi làm việc với VNR liên quan tới công tác góp vốn và thoái vốn tại Khách sạn Sài Gòn.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về những chỉ đạo mới nhất của Bộ GTVT, ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên VNR từ chối bình luận vì chưa nhận được Văn bản số7330/BGTVT – QLDN, nhưng tiếp tục khẳng định VNR đã làm tròn trách nhiệm và quyền hạn được giao trong quá trình góp vốn thành lập Công ty TNHH Khách sạn Sài Gòn.

Lãnh đạo VNR cũng một lần nữa khẳng định việc kinh doanh thua lỗ tại Khách sạn trong 2 năm qua (lỗ lũy kế 3,3 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2014) là do một loạt nguyên nhân mang tính bất khả kháng, như chi phí thuê đất tăng gấp 4 lần so với năm 2010, công ty chưa thể thực hiện phương án đầu tư để kinh doanh như được phê duyệt đã dẫn tới cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, không thu hút được khách đến lưu trú. Thực tế này đã khiến nguy cơ kinh doanh thua lỗ, Nhà nước mất vốn, nếu tiếp tục duy trì sự hiện diện tại Khách sạn Sài Gòn là rất lớn.

“Chúng tôi sẽ chờ những đánh giá cuối cùng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và tin rằng, mình đã làm đúng trong vụ việc này”, ông Thành nói.

Khánh thành ga đường sắt đẹp và hiện đại nhất trên tuyến đường sắt Bắc Nam
Gói thầu CP1A có trị giá 6,568 tỷ Yên, tương đương 1.518 tỷ đồng thuộc Dự án nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp.HCM vừa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư