Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân đạt 61% kế hoạch vốn đầu tư công
Anh Minh - 29/09/2021 15:59
 
Bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, tình trạng thiếu vật liệu trên diện rộng nhưng đến hết tháng 9/2021, các chủ đầu tư thuộc Bộ GTVT vẫn giải ngân được 26.722 tỷ đồng, đạt 61 % kế hoạch.
Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: Vinaconex.
Thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Dầu Giây - Phan Thiết. Ảnh: Vinaconex.

Để đạt mục tiêu giải ngân ít nhất 95% kế hoạch vốn đầu tư công vào cuối tháng 12/2021, trong 3 tháng cuối năm, Bộ GTVT sẽ phải giải ngân khoảng 5.500 tỷ đồng/tháng, cao gần gấp đôi so với bình quân 9 tháng trước đó.

Lực đẩy từ các dự án trọng điểm

“Giám đốc các Ban quản lý dự án trực thuộc phải nỗ lực cao độ, bám công trường, đặc biệt là tại các dự án trọng điểm để giải quyết sớm các khó khăn để thông nhanh dòng vốn trong giai đoạn nước rút này”, ông Nguyễn Ngọc Đông – Thứ trưởng Bộ GTVT đưa ra chỉ đạo nói trên tại cuộc họp giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2021 của Bộ GTVT.

Cần phải nói thêm rằng, giải ngân vốn đầu tư công là một trong những điểm sáng và cũng là nội dung chiếm nhiều thời lượng nhất tại cuộc họp giao ban Bộ GTVT được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng nay.

Được biết, tổng kế hoạch vốn năm 2021 của Bộ GTVT khoảng 43.397 tỷ đồng, gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm và 401 tỷ đồng kế hoạch kéo dài.

Tính đến ngày 29/9/2021, dự kiến trong tháng 9/2021, Bộ GTVT giải ngân được 3.727 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng giải ngân được 26.464 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch, gồm: vốn trong nước 24.074/38.513 tỷ đồng, đạt 62,5%6; vốn nước ngoài đạt 2.390/4.837 tỷ đồng, đạt 49,4%.

“Kết quả giải ngân chung của cả Bộ GTVT cao hơn mức giải ngân bình quân chung của cả nước và đáp ứng tiến độ giải ngân theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ là đến hết tháng 9 giải ngân tối thiểu phải đạt 60%”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) thông tin.

Theo ước tính của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân 9 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (56,33%); trong đó vốn trong nước đạt 51,74% (cùng kỳ năm 2020 là 60,88%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 24,65%). Bộ GTVT nằm trong số 4 bộ, ngành và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất nước.

Lãnh đạo Vụ Kế hoạch và đầu tư cho biết, các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc Bắc – Nam phía Đông; 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài… tiếp tục là những đầu tàu chủ lực, tạo ra phần lớn khối lượng giải ngân của Bộ GTVT trong 9 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Vũ Quý, Giám đốc Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2021, Dự án cao tốc Bắc – Nam, đoạn Cam Lộ - La Sơn do đơn vị này quản lý đã giải ngân được 3.329/4.471 tỷ đồng, đạt 72,4% kế hoạch năm.

“Nếu thời tiết từ nay đến cuối nay thuận lợi, chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công mà Bộ GTVT giao cho Dự án”, ông Quý thông tin.

Không để công trường dừng tiếng máy

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù tỷ lệ giải ngân trong 9 tháng đầu năm 2021 thấp hơn cùng kỳ năm 2020 (64%) nhưng đây vẫn là nỗ lực rất lớn của các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT.

Được biết, một trong những khó khăn rất lớn mà các chủ đầu tư dự án giao thông phải đối diện trong 9 tháng đầu năm 2021 là dịch covid-19 bùng phát mạnh tại hầu hết địa phương làm cho việc cung cấp vật tư, vật liệu gặp khó khăn, nhất là các hàng hóa, vật liệu cần nhập khẩu. Các chủ đầu tư không huy động được nhân lực cho các công trình do giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố, thậm chí có dự án đã xuất hiện các ca F0 trên công trường.

“Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án, trong đó có các dự án sử dụng vốn đầu tư công, như: tư vấn khó khăn tiếp cận hiện trường để thực hiện khảo sát, thu thập số liệu; việc trình duyệt hồ sơ, trao đổi công việc bị hạn chế (khó khăn trong việc gửi văn bản, tài liệu đi/đến vùng đang có dịch); công nhân, cán bộ khó tiếp cận hiện trường thi công, không an tâm làm việc tại vùng có dịch”, ông Nguyễn Danh Huy thông tin.

Bên cạnh đó, tại các dự án cao tốc Bắc – Nam, tình trạng khan hiếm các vật liệu thông thường như đất đắp, cát sỏi vẫn chưa có nhiều biến chuyển dù được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tháo gỡ.

“Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến nhiều địa bàn triển khai các dự án trọng điểm phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 nhưng chưa có bất kỳ dự án nào của Bộ GTVT phải tạm dừng thi công là nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn ngành. Các dự án của Bộ GTVT vẫn đều đặn có khối lượng hoàn thành và được nghiệm thu thanh toán thực chất”, ông Nguyễn Ngọc Đông đánh giá.

Được biết, trong tháng 9/2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1619/QĐ-BGTVT thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tổ công tác đã hoạt động ngay sau khi thành lập (đang rà soát thủ tục, kiểm tra hiện trường 9 dự án được giao vốn lớn, tiềm ẩn nguy cơ chậm tiến độ). Trên cơ sở đề xuất của Tổ công tác, đến nay, Bộ GTVT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch 6 đợt, với giá trị vốn điều chỉnh 3.965 tỷ đồng.

“Bộ GTVT sẽ tiếp tục rà soát để điều tiếp tục thực hiện điều chỉnh kế hoạch từ các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ thực hiện, giải ngân tốt, đồng thời sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin.

9 tháng, giải ngân đầu tư công đạt 47,38% kế hoạch, 38 đơn vị xin trả lại hơn 21.770 tỷ đồng
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết tháng 9/2021, có tới 46/50 bộ, cơ quan trung ương và 52/63 địa phương giải ngân dưới 60% kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư