Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải đề nghị các địa phương đẩy mạnh vận tải hàng hóa đường thủy nội địa
Anh Minh - 19/08/2021 08:13
 
Với ưu điểm là ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư nên¸toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa có thể coi là “luồng xanh” cho các phương tiện thủy tham gia vận tải hàng hóa.
Nhiều doanh nghiệp thu mua lúa gạo cần xây dựng “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy nội địa, chủ yếu là ghe vận chuyển lúa; phổ biến phương pháp mua lúa không tiếp xúc.
Nhiều doanh nghiệp thu mua lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kiến nghị các cơ quan chức năng cần xây dựng “luồng xanh” cho vận chuyển đường thủy nội địa, chủ yếu là ghe vận chuyển lúa; phổ biến phương pháp mua lúa không tiếp xúc.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các bộ: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Công an, Quốc phòng; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị đẩy mạnh hoạt động vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa trong điều kiện phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa trên đường thủy nội địa nhằm tránh sự đứt gãy chuỗi vận tải, logistics phục vụ sản xuất và cung ứng hàng hóa cho nhân dân. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm phòng chống dịch hiệu quả và xử lý nghiêm các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm (nếu có).

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản trên các tuyến kênh, mương nội đồng để kết nối đến các tuyến đường thủy nội địa và các cảng, bến.

Đối với các doanh nghiệp, người tham gia vận tải hàng hóa, Bộ GTVT yêu cầu thực hiện nghiêm hướng dẫn, quy định của  Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên hệ thống đường thủy nội địa hiệu quả; phải có phương án tổ chức lao động, sinh hoạt phù hợp để đảm bảo thực hiện nghiêm “nguyên tắc 5K”; chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện vận chuyển đúng mục đích, loại hàng hoá và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, Bộ GTVT đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân kịp thời phản ánh về Bộ GTVT, các Bộ ngành liên quan để được xem xét, giải quyết kịp thời. Trong đó, đường dây nóng của Bộ GTVT để tiếp nhận các thông tin phản ánh về vận tải hàng hóa trên đường thủy nội địa là số điện thoại: 0979.388.019, Email: [email protected] và Diễn đàn vận tải thủy trên ứng dụng Zalo https://zalo.me/g/ieluaj687.

Theo Bộ GTVT, Việt Nam là đất nước có điều kiện địa hình rất phù hợp cho phát triển GTVT đường thủy nội địa đối với các tỉnh phía Bắc, phía Nam; đặc biệt khu vực đồng bằng sông Cửu Long có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch tự nhiên rất thuận lợi, gắn liền với hoạt động dân sinh. Bên cạnh đó, vận tải đường thủy nội địa  còn có ưu điểm vượt trội so với các loại hình vận tải khác về: giá cước vận tải thấp, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn, hàng siêu trường, siêu trọng. Đồng thời, trong việc ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở nước ta hiện nay, vận tải hàng hóa đường thủy càng thể hiện được ưu điểm do ít tiếp xúc với cộng đồng dân cư.

Bộ GTVT luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy nội địa . Vì vậy, toàn bộ hệ thống đường thủy nội địa  được coi là hệ thống “luồng xanh” cho các phương tiện thủy nội địa tham gia vận tải hàng hóa.

Được biết, quan điểm chỉ đạo nhất quán của ngành GTVT ngay từ thời điểm thành phố HCM và các địa phương phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đó là tận dụng và phát huy tối đa lợi thế của hệ thống đường thủy nội địa để vận chuyển hàng hóa nên mọi hoạt động vận tải trên các tuyến vận tải thủy vẫn được duy trì và hoạt động bình thường trên nguyên tắc đảm bảo những quy định phòng chống dịch đối với tài công, thuyền viên.

Hiện tại, đang là giai đoạn thu hoạch vụ lúa Hè Thu, nên nhu cầu thu gom lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là rất lớn.

Tuy nhiên vướng mắc nhất hiện nay đó là các thuyền gia dụng, dân sinh không được phép di chuyển trên các tuyến kênh rạch nội xã, nội huyện hoặc nội đồng do quy định kiểm soát y tế của các địa phương dẫn đến các thương lái, người dân khó thu gom nông sản, lúa gạo để kết nối với các tuyến vận tải đường thủy.

Mua dự trữ, mở rộng thị trường để hỗ trợ sản xuất lúa gạo
Giải pháp trước mắt và lâu dài để nâng giá trị ngành hàng lúa gạo và đẩy mạnh xuất khẩu là tiếp tục mở rộng thị trường, tìm các thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư