Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Bộ Giao thông vận tải sắp cán đích kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2020
Anh Minh - 02/12/2020 08:18
 
Tính đến cuối tháng 11/2020, các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân được 31.918 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 80,1% kế hoạch của năm 2020.
Việc khởi công được phần lớn các gói thầu xây lắp thuộc 3 Dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công cũng giúp Bộ GTVT giải ngân được một lượng vốn khá lớn trong tháng 11/2020.
Việc khởi công được phần lớn các gói thầu xây lắp thuộc 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đã giúp Bộ GTVT giải ngân được một lượng vốn khá lớn trong tháng 11/2020.

Theo thông tin từ Bộ Giao thông vận tải, dự kiến đến hết tháng 11/2020, các chủ dự án thuộc Bộ sẽ giải ngân được 31.918 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 80,1% kế hoạch năm 2020 (31.918/39.826 tỷ đồng), trong đó: vốn trong nước giải ngân được 27.253 tỷ đồng, đạt 80,9% kế hoạch (27.253/33.695 tỷ đồng); vốn nước ngoài giải ngân được 4.664 tỷ đồng, đạt 76% kế hoạch (4.664/6.131 tỷ đồng)..

Trong tháng 11 năm 2020 công tác giải ngân chưa đạt mốc tiến độ kỳ vọng (85% kế hoạch), tuy nhiên so với tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước (70%), Bộ Giao thông vận tải vẫn đang là một trong số những Bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao nhất cả nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân công tác giải ngân chưa đạt được mức kỳ vọng của Bộ là do một số dự án có nhu cầu giải ngân tốt nhưng mới được điều chỉnh bổ sung kế hoạch trung hạn, bổ sung vốn để thực hiện, như các dự án đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất; đường bộ cao tốc đoạn Cam Lộ-La Sơn, đoạn Nha Trang-Cam Lâm, đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết, đoạn Phan Thiết-Dầu Giây; QL91 tránh Long Xuyên (phần vốn nước ngoài); thanh toán nợ đọng XDCB cho các dự án QL3 mới Hà Nội-Thái Nguyên, cao tốc Nội Bài-Lào Cai (tỉnh Lào Cai), đề án cầu treo dân sinh… Tuy nhiên phần thiếu hụt sau sẽ được giải ngân bù trong tháng 12/2020 sau khi hoàn thiện công tác phân khai điều chỉnh dự toán trên hệ thống TABMIS của Bộ Tài chính.

Đối với nguồn vốn trong nước cơ bản có thể giải ngân hết kế hoạch được giao trước 31/1/2021 nhưng do phần vốn bố trí cho GPMB chiếm tỷ trọng lớn và hoàn toàn phụ thuộc vào các địa phương, nên khó khăn trong việc đảm bảo giải ngân hết 100% kế hoạch. 

Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn nước ngoài, vốn đối ứng hiện tiến độ triển khai, thực hiện các dự án ODA hiện đang bám sát yêu cầu đã đề ra, một số dự án lớn đã hoàn thành đúng tiến độ, như: cảng Lạch Huyện, đường ô tô Tân Vũ-Lạch Huyện, Quốc lộ 217 giai đoạn 2, cầu Hưng Hà, cầu Thịnh Long... Tiến độ thi công các dự án: VRAMP, LRAMP, Cầu cạn Mai Dịch-Nam Thăng Long, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đạt tương đối tốt, đảm bảo hoàn thành theo đúng thời hạn Hiệp định đã ký kết. Đặc biệt 8 dự án ODA mới do Bộ Giao thông vận tải quản lý đã ký được hiệp định 6 dự án, đang hoàn thiện thủ tục đàm phán, ký hiệp định 2 dự án còn lại và đã cân đối đủ kế hoạch trung hạn và kế hoạch năm 2020 để triển khai.

Đến nay, nhờ bám sát các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ và công tác chỉ đạo điều hành quyết liệt, sát sao của Bộ, tiến độ giải ngân vốn nước ngoài đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn nước ngoài đã đạt 76%.

Để công tác giải ngân trong tháng 12 và cho đến hết năm tài khóa 2020 đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu thủ trưởng các đơn vị quán triệt, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP và Chỉ thị số 06/CT-BGTVT, chấn chỉnh công tác điều hành hiện trường, đẩy nhanh thủ tục đấu thầu, sớm hoàn thiện hồ sơ thanh toán, quyết toán để đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch theo yêu cầu.

Các chủ đầu tư/ban quản lý dự án cũng được chỉ đạo khẩn trương sớm hoàn thiện các thủ tục để thực hiện giải ngân ngay trong tháng 12/2020 đối với công tác chi trả nợ đọng xây dựng cơ bản; các dự án điều chỉnh tăng từ nguồn vốn kéo dài (dự án La Sơn-Túy Loan và Nha Trang-Cam Lâm) và công tác tạm ứng hợp đồng xây lắp các dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

“Cục Quản lý xây dựng & chất lượng công trình giao thông phải tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát tình hình triển khai các dự án đang triển khai thực hiện, thúc đẩy thủ tục nghiệm thu thanh toán; tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ phụ trách dự án giải pháp xử lý cụ thể để thúc đẩy tiến độ giải ngân”, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo.

10 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM chỉ đạt 56,4%
Tính đến hết ngày 19/10/2020, TP.HCM đã giải ngân được 23.778,759 tỷ đồng, đạt 56,4% tổng kế hoạch vốn đầu tư công Thành phố đã giao.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư