Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ quy hoạch Sân bay Nhân Cơ thành sân bay chuyên dùng
Anh Minh - 05/06/2022 09:12
 
Cơ quan quản lý Nhà nước về GTVT ủng hộ đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông về việc đưa Sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo thông tin của Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi UBND tỉnh Đắk Nông liên quan đến việc đưa sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.

Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết là để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ GTVT đã tổ chức lập “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Hiện pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam đã quy định 3 khái niệm bao gồm: cảng hàng không, sân bay, sân bay chuyên dùng, trong đó sân bay là một trong những công trình thiết yếu của cảng hàng không.

Luật Hàng không dân dụng cũng quy định Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ sân bay chuyên dùng; Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ GTVT.

Như vậy, theo Bộ GTVT, phạm vi, đối tượng nghiên cứu của “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” không bao gồm sân bay chuyên dùng.

Quá trình lập Quy hoạch hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT đã phối hợp với tư vấn nước ngoài nghiên cứu quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), kinh nghiệm các nước trên thế giới để xây dựng bộ tiêu chí đánh giá sự cần thiết và mức độ khả thi hình thành cảng hàng không mới, đảm bảo hiệu quả đầu tư và không xung đột vùng hấp dẫn.

Trong đó, 6 tiêu chí chính bao gồm: nhu cầu sản lượng hàng hóa, hành khách; nhu cầu phát triển kinh tế xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng, an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly tiếp cận (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tiếp cận các cảng hàng không lân cận).

Thông qua bộ tiêu chí, đơn vị tư vấn đã thực hiện rà soát, đánh giá cho toàn bộ 63 địa phương trên cả nước đảm bảo tính khách quan, khoa học.

Theo kết quả nghiên cứu, khoảng cách trung bình từ Đắk Nông tới Cảng hàng không Buôn Ma Thuột chỉ khoảng 80 - 90 km.

Ngoài ra, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (Đắk Nông) và Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) cũng được quy hoạch với 6 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030, bảo đảm khả năng kết nối và đáp ứng nhu cầu vận tải của địa phương.

Đối với sân bay Nhân Cơ, Bộ GTVT nhấn mạnh là Quy hoạch hệ thống cảng hàng không đã định hướng giao các địa phương chủ động quy hoạch vị trí các sân bay chuyên dùng trong quy hoạch của tỉnh sau khi được Bộ Quốc phòng phê duyệt vị trí và chủ trì huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện.

“Trường hợp tỉnh có nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và khai thác dân dụng, Bộ GTVT ủng hộ UBND tỉnh Đắk Nông nghiên cứu, bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.

Đề xuất xã hội hóa đầu tư Dự án nhà ga hành khách T2, sân bay Đồng Hới
UBND tỉnh Quảng Bình buộc phải tính đến phương án xã hội hóa đầu tư nhà ga hành khách T2, sân bay Đồng Hới sau khi ACV không thể đầu tư trong giai...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư