Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Bộ GTVT tham vấn UBND TP. Hà Nội về hướng tuyến, nhà ga đường sắt tốc độ cao
Bảo Như - 16/08/2023 17:16
 
Đang có sự khác biệt về quan điểm giữa tư vấn lập dự án và tư vấn thẩm tra về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô cho tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn qua TP. Hà Nội.
Bản đồ hướng tuyến đường sắt tốc đô cao trên trục Bắc - Nam qua địa phận TP. Hà Nội.
Bản đồ hướng tuyến đường sắt tốc đô cao trên trục Bắc - Nam qua địa phận TP. Hà Nội.

Bộ GTVT vừa có công văn số 8683/BGTVT – KHĐT gửi UBND TP. Hà Nội xin ý kiến về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng thuộc Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đoạn đi qua địa phận TP. Hà Nội.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị UBND TP. Hà Nội có văn bản thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng của Dự án trên địa bàn TP. Hà Nội.

Tại công văn số 8683, Bộ GTVT cho biết, thực hiện Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị, căn cứ định hướng Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự đảng Chính phủ, Bộ GTVT đang rà soát, hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam và Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.

Bộ GTVT dự kiến hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2023, trình Bộ Chính trị trong tháng 11/2023; hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Liên quan đến phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng trên địa bàn TP. Hà Nội, Bộ GTVT cho biết là năm 2018, căn cứ kết quả nghiên cứu đề xuất của Tư vấn lập Dự án và theo đề nghị của Bộ GTVT, UBND TP. Hà Nội đã có ý kiến thống nhất về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng.

Trên cơ sở đó Bộ GTVT đã hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, thẩm định chủ trương đầu tư Dự án vào tháng 2/2019.

Năm 2022, trên cơ sở nghiên cứu độc lập của Tư vấn thẩm tra về phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng, cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định Nhà nước đã gửi xin ý kiến và UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 220/UBND-ĐT ngày 30/1/2023 đề nghị giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND TP. Hà Nội có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT năm 2018, đồng thời có thể xem xét chấp thuận phương án mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga, depot của tuyến đường sắt tốc độ cao.

Tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, để có cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, ngày 21/7/2023, Bộ GTVT đã họp với 20 tỉnh/thành phố về rà soát, thống nhất phương án hướng tuyến, vị trí và quy mô nhà ga, đề pô, trạm bảo dưỡng.

Tại cuộc họp, trên cơ sở báo cáo của Ban Quản lý dự án đường sắt, Liên danh tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, các cơ quan đơn vị dự họp và ý kiến của Liên danh tư vấn thẩm tra, đại điện UBND TP. Hà Nội (Sở GTVT) đã thống nhất với phương án đề xuất của tư vấn.

Cụ thể, hướng tuyến đi qua địa phận TP. Hà Nội giữ nguyên phương án hướng tuyến đã được UBND TP. Hà Nội có ý kiến thống nhất với Bộ GTVT năm 2018, trong đó điểm đầu tuyến đường sắt tốc độ cao dừng tại tổ hợp ga Ngọc Hồi (sử dụng chung hạ tầng với tuyến đường sắt đô thị số 1 để tổ chức khai thác vận tải vào ga Hà Nội); mở rộng tổ hợp ga Ngọc Hồi để tích hợp nhà ga hàng hóa, depot của tuyến đường sắt tốc độ cao (phương án trước đây depot được bố trí ở Thường Tín).

Theo Bộ GTVT, tư vấn thẩm tra cũng như ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước đều kiến nghị nghiên cứu bổ sung phương án tuyến ĐSTĐC cho khai thác hỗn hợp tàu hàng và tàu khách trong dải tốc độ thiết kế từ 200km/h – 250km/h.

Bộ GTVT cho rằng, với các chủ trương về phương án khai thác khác nhau nhưng nguyên tắc lựa chọn hướng tuyến về cơ bản là không khác nhau.

Theo đó, hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam phải tuân thủ các quy hoạch có liên quan của TP. Hà Nội và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Cụ thể, từ ga Ngọc Hồi, tuyến vượt qua đường vành đai và tuyến đường sắt vành đai phía Tây, qua địa phận các huyện Thường Tín, Phú Xuyên về phía Tây tuyến đường bộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ.

Sau khi vượt qua tuyến nối cao tốc Tây Bắc với Quốc lộ 5B, đường sắt cao tốc rẽ trái vượt đường bộ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, đi về phía Đông, cùng hành lang tuyến đường bộ cao tốc và sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Được biết, trên địa phận TP. Hà Nội, tư vấn thẩm tra đề xuất 2 nhà ga bao gồm 1 ga chính và 1 là ga tích hợp chung hành khách, hàng hóa.

Trong đó, ga Ngọc Hồi sẽ nằm trong khu tổ hợp Ngọc Hồi thuộc địa phận xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì; ga Ngọc Hồi 2 thuộc địa phận xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên để kết nối với sân bay Hà Nội 2 trong tương lai, đồng thời tích hợp chung ga hành khách và ga hàng hóa để kết nối với hệ thống logistics ở Hà Nội và khu vực phía Bắc. Cự ly giữa các ga khoảng 14km.

Đơn vị tư vấn lập dự án cho rằng, việc bố trí như vậy sẽ không hiệu quả, ảnh hưởng tới khai thác tuyến đường sắt và làm tăng chi phí đầu tư của dự án.

Đồng thời, vị trí sân bay thứ 2 của Hà Nội chưa được xác định cụ thể trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, do đó, việc kết nối chưa có tính khả thi cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư