Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ GTVT thanh tra Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng
Bảo Như - 10/01/2023 16:10
 
Các nội dung được Bộ GTVT thanh tra tại Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng – DAMCO gồm công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản trong giai đoạn 2010 – 2022.
Có nhiều vaand dê
Có nhiều vấn đề cần được làm rõ liên quan đến công tác sử dụng vốn và tài sản tại DAMCO.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa ký Quyết định số 03/QĐ – BGTVT về việc thanh tra công tác quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng – DAMCO giai đoạn 2010 - 2022. Thời hạn thanh tra là 45 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Đoàn thanh tra gồm 4 thành viên do ông Đoàn Anh Tuấn, Thanh tra viên chính, Trưởng phòng Thanh tra 4, Thanh tra Bộ GTVT - Trưởng đoàn.

Đoàn thanh tra có nhiệm vụ thanh tra theo nội dung tại quyết định này và Kế hoạch tiến hành thanh tra được phê duyệt; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật về thanh tra và các quy định của pháp luật khác có liên quan.

Bộ trưởng Bộ GTVT giao ông Lâm Văn Hoàng, Chánh Thanh tra Bộ GTVT giám sát, chỉ đạo hoạt động của đoàn thanh tra; tổ chức thẩm định Dự thảo kết luận thanh tra; báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét, xử lý các kiến nghị của đoàn thanh tra theo quy định.

Được biết, DAMCO có xuất thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng. Năm 2006, DAMCO được Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor).

Kể từ khi về Bộ GTVT, tình hình sản xuất kinh doanh của đơn vị liên tục lao dốc do ảnh hưởng của 4 di dời địa điểm sản xuất theo chủ trương của UBND Tp. Đà Nẵng cùng với sự tàn phá nặng nề của cơn bão số 6 (năm 2006) và số 9 (năm 2009). Tại thời điểm tháng 10/2010, DAMCO đã âm vốn chủ sở hữu 12 tỷ đồng. Do di dời liên tục, tình hình sản xuất không ổn định, doanh thu thấp, người lao động phải di chuyển gần 20 km từ trung tâm Tp. Đà Nẵng về Khu công nghiệp Hòa Khánh đã dẫn đến tình trạng công nhân nghỉ việc hàng loạt. Tính từ năm 2006 đến cuối năm 2010, hơn 600 lượt cán bộ, công nhân DAMCO đã xin nghỉ việc. Công ty phải chi trả tiền chế độ nghỉ việc cho người lao động hơn 12 tỷ đồng.

Chính các khoản lỗ lũy kế rất lớn được tích tụ nhiều năm đã khiến việc CPH DAMCO tuy được Bộ GTVT khởi động từ năm 2011 đã không thể thực hiện được.

Vào năm 2014 khi tiến hành CPH công ty mẹ - Vinamotor, Bộ GTVT đã tách riêng DAMCO để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).

Do vướng mắc thủ tục về đất đai nên quá trình CPH DAMCO đã kéo dài suốt 10 năm qua với 5 lần tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tại lần xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 9/2018, giá trị thực tế của DAMCO tại thời điểm 31/12/2017 là 87,7 tỷ đồng nhưng tổng nợ thực tế phải trả là 143,7 tỷ đồng nên giá trị thực tế phần vốn Nhà nước là âm 56 tỷ đồng.

Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt – đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi CPH DAMCO, tổng dư nợ phải thu của DATC tại DAMCO vẫn còn 88 tỷ đồng (nợ gốc 51 tỷ đồng). Thực chất đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ CPH DAMCO theo hình thức mua bán nợ nhưng bất thành trong những năm trước đó. Ngoài khoản nợ lớn nói trên, DAMCO còn nợ Thành Đạt 21 tỷ đồng và Tập đoàn ô tô số 1 Trung Quốc 17,3 tỷ đồng.

Điều đáng nói là do quá trình tái cơ cấu kéo quá dài (gần 10 năm), lại không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, hoạt động của DAMCO trong những năm qua tiếp tục lao dốc không phanh.

Trong năm 2021, DAMCO với 17 lao động chỉ tạo ra được 3 tỷ đồng doanh thu trong đó chủ yếu là tiền thuê đất nhưng đã kịp lỗ thêm 3,3 tỷ đồng đã đẩy khoản lỗ lũy kế vọt lên 174 tỷ đồng. Từ vị thế doanh nghiệp lớn với hơn 400 lao động vào năm 2006, DAMCO giờ chỉ còn đúng bộ khung với 17 nhân sự, bao gồm cả giám đốc và kế toán trưởng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư