Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ GTVT xử lý hàng loạt cán bộ trong các dự án nạo vét luồng hàng hải
Anh Minh - 14/11/2014 09:01
 
Bộ Giao thông - Vận tải vừa quyết định xử lý trách nhiệm một loạt cán bộ do để xảy ra sai sót trong quá trình thi công 3 dự án nạo vét luồng hàng hải năm 2013.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
“Đút túi” hơn 1,35 tỷ đồng, 5 thanh tra giao thông lĩnh 195 tháng tù
Bộ Giao thông - Vận tải lập Hội đồng kỷ luật Chủ tịch Cienco 1
Bộ Giao thông trảm tiếp hàng loạt nhà thầu thi công ẩu
Đình chỉ chức vụ một Phó Tổng giám đốc PMU1
Bộ trưởng Thăng phê bình Cục trưởng Hàng không "chưa cầu thị"

Liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình triển khai 3 công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải năm 2013, gồm: Hòn Gai – Cái Lân, Vũng Tàu – Thị Vải và Soài Rạp – Hiệp Phước, Bộ Giao thông - Vận tải đã ra một loạt các quyết định xử lý trách nhiệm một loạt lãnh đạo thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam và Tổng công ty Xây dựng đường thủy.

   
  Bắt quả tang hành vi xả bùn thải sai quy định trong khi thi công nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân năm 2013  

Cụ thể, Bộ Giao thông - Vận tải phê bình nghiêm khắc ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng và ông Đỗ Hồng Thái, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam là người được giao phụ trách các công trình nói trên với vai trò, trách nhiệm là chủ đầu tư đã để xảy ra sai sót của tổ tư vấn giám sát hiện trường, Ban quản lý dự án hàng hải II trong công tác giám sát thi công công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân năm 2013; tổ tư vấn giám sát hiện trường, Ban quản lý dự án hàng hải III trong công tác giám sát thi công nạo vét duy tu luồng hàng hải Soài Rạp – Hiệp Phước và Vũng Tàu – Thị Vải năm 2013.

Bộ Giao thông - Vận tải cũng quyết định phê bình nghiêm khắc đối với ông Lưu Văn Quảng, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc với vai trò, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị là đại diện chủ đầu tư đã để xảy ra thiếu sót của tổ thẩm định kết quả đấu thầu và giám sát đại diện chủ đầu tư tại công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Hòn Gai – Cái Lân năm 2013.

Hình thức xử lý trách nhiệm tương tự cũng được đặt ra với ông Phạm Đình Vận, nguyên Thành viên hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam với vai trò là đại diện chủ đầu tư đã để xảy ra thiếu sót của tổ chuyên gia đấu thầu, tổ thẩm đinh kết quả đấu thầu tại gói thầu công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải năm 2013.

Liên quan tới trách nhiệm đơn vị thi công, Bộ Giao thông - Vận tải quyết định phê bình nghiêm khắc đối với Hội đồng thành viên Tổng công ty Xây dựng đường thủy Việt Nam (Vinawaco) gồm các ông Nguyễn Huy Hiền – người đại diện phần vốn nhà nước tại Vinawaco, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty; Phạm Minh Hoàng, Phó Tổng giám đốc; Phạm Tiến Huy, Giám đốc Chi nhánh Vinawaco tại TP.HCM.

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, với vai trò, trách nhiệm là đại diện Bộ tại Tổng công ty, Hội đồng thành viên đã đồng ý thông qua một số nội dung trong lựa chọn đơn vị thi công, thuê phương tiện, thiết bị sai quy định; thiếu sót trong kiểm tra, giám sát, ngăn chặn các sai phạm trong hoạt động kinh doanh.

Bộ Giao thông - Vận tải yêu cầu người đại diện phần vốn nhà nước đề nghị HĐQT Tổng công ty xử lý xử luật đối với ông Nguyễn Vinh, Phó Tổng giám đốc Vinawaco. Ngoài hành vi vi phạm với vai trò là thành viên HĐTV, ông Vinh còn có hành vi nhượng thầu không đúng quy định; chủ quan, thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến việc đổ bùn trộm tại công trình duy tu nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân năm 2013.

Liên quan tới sai phạm tại 3 dự án nói trên, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ký Quyết định số 4284/QĐ-BGTVT thi hành kỷ luật bằng hình thức " khiển trách" đối với ông Lưu Đình Tiến, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP, Phó tổng giám đốc Tổng công ty, do trong giai đoạn giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng đường thủy  đã có hành vi vi phạm khi thực hiện công trình duy tu nạo vét luồng hàng hải Hòn Gai - Cái Lân và luồng hàng hải Vũng Tàu - Thị Vải năm 2013.

Trước đó, thông qua xác minh đơn thư tố cáo, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải đã phát hiện hàng loạt sai sót lớn liên quan tới quá trình đấu thầu, quản lý, giám sát việc thi công nạo vét duy tu 3 công trình nạo vét luồng hàng hải này.

Cụ thể, tại công trình nạo vét duy tu luồng Hòn Gai- Cái Lân năm 2013, Công ty Bảo Quân là đơn vị không có phương tiện, nhân lực, kinh nghiệm thi công nạo vét luồng hàng hải, nhưng sau khi nhận thầu từ đơn vị trúng thầu là Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), đã chuyển nhượng toàn bộ công việc cho Công ty Tân Việt thực hiện để “đút túi” khoản chênh lệch 548,45 triệu đồng.          

Cũng với thủ đoạn trên, tại công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu - Thị Vải năm 2013, Công ty cổ phân Đầu tư, Xây dựng và Nạo vét đường thủy (Ciwaco) tuy không có phương tiện thi công phù hợp với công trình nạo vét duy tu luồng Vũng Tàu-Thị Vải năm 2013, nhưng vẫn nhận làm thầu phụ của Vinawaco, rồi chuyển nhượng toàn bộ cho Công ty Song Thương thực hiện. Với hành vi sang nhượng thầu lòng vòng này, Ciwaco đã ung dung hưởng chênh lệch 1,26 tỷ đồng mà không cần tốn một giọt mồ hôi, công sức nào.

“Việc làm trên của Công ty Bảo Quân, Ciwaco và Vinawaco là không đúng quy định tại Khoản 3, Điều 95, Luật Xây dựng. Theo đó, nhà thầu chính hoặc tổng thầu có thể giao một phần công việc của hợp đồng cho thầu phụ. Thầu phụ phải có đủ năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề xây dựng tương ứng và được chủ đầu tư xây dựng công trình chấp nhận; thầu phụ không được giao toàn bộ hoặc phần việc chính theo hợp đồng cho các nhà thầu khác”, ông Lê Thanh Hà, Chánh thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải khẳng định

Cần phải nói thêm rằng, việc Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải dùng cụm từ “không đúng quy định” là có phần nhẹ tay, bởi theo các chuyên gia xây dựng, đây chính là hành vi bán thầu - một sai phạm nghiêm trọng sẽ bị xử lý nặng theo cả Luật Xây dựng và Luật Đấu thầu.

Đối với hành vi đổ trộm bùn thải tại các vị trí sai quy định, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, nội dung tố cáo việc đổ trộm bùn trong các đêm 12,13,14/12/2013 khi thi công công trình nạo vét duy tu luồng Hòn Gai- Cái Lân năm 2013 là có cơ sở. Hành vi này bị cơ quan chức năng bắt tại trận, không thể chối cãi.

Trước đó, ngày 21/11/2013, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Quảng Ninh cũng bắt quả tang 2 sà lan HP 2338, HP 3695 đang đổ trộm bùn đất nạo vét luồng Hòn Gai - Cái Lân xuống Hòn Bái Đông thuộc Vịnh Hạ Long, khối lượng ước tính 400 m3. UBND tỉnh Quảng Ninh đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên. Đây là 2 phương tiện do Công ty Tân Việt quản lý, thi công phần khối lượng công việc mà Vinawaco giao  Công ty Bảo Quân, Công ty Bảo Quân giao lại Công ty Tân Việt thực hiện. Hai phương tiện này chưa được tư vấn giám sát, đại diện chủ đầu tư chấp thuận cho phép thi công vì chưa đáp ứng các yêu cầu về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các điều kiện an toàn hàng hải.

“Nguyên nhân và trách nhiệm đối với các sai phạm trên trước hết thuộc về Công ty Tân Việt, liên đới trách nhiệm thuộc Công ty Bảo Quân và Vinawaco”, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải nêu rõ.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn giám sát, Thanh tra Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, công tác quản lý, tổ chức thực hiện đấu thầu, thi công công trình nạo vét duy tu luồng hàng hải chưa chặt chẽ.

Đặc biệt, khi mời thầu và trong quá trình thi công, đại diện chủ đầu tư không đánh giá, phân biệt rõ giữa hợp đồng thuê phương tiện và hợp đồng thầu phụ, không quy định cụ thể tỷ lệ phương tiện thuộc sở hữu của nhà thầu và phương tiện nhà thầu đi thuê dẫn đến việc nhà thầu ký hợp đồng thuê phương tiện qua nhiều cấp trung gian hoặc nhà thầu chính sử dụng toàn bộ năng lực phương tiện của đơn vị khác để tham gia đấu thầu, thi công.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư