Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số
Khánh Linh - 11/11/2022 14:30
 
Sau phần thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình về những ý kiến của đại biểu Quốc hội.
b
 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giải trình về những ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sáng 11/11

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ngay từ đầu phần trình bày rằng, Luật này có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số. Nếu làm không tốt, vi phạm các nguyên tắc căn bản của môi trường số, không rõ ràng, không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi, không tính đến bối cảnh Việt Nam thì có thể là vật cản cho sự phát triển số của Việt Nam.

"Vậy nên, chúng tôi ý thức cần cân nhắc hết sức thấu đáo mọi khía cạnh trong quá trình xây dựng luật", Bộ trưởng trao đổi với các đại biểu Quốc hội trong vai trò cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Nguyên tắc ngành nào thì quản lý lĩnh vực đó của mình trên môi trường số là nguyên tắc không chỉ của luật này mà là nguyên tắc phổ quát. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có bộ nào, ngành nào làm việc này; sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số.

Luật Giao dịch điện tử tạo ra các thành tố cơ bản, tạo cơ sở pháp lý cho việc chuyển đổi từ môi trường thực lên môi trường số, giúp các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc chuyển đổi các giao dịch trong thế giới thực đã được luật pháp quy định trong lĩnh vực của mình lên môi trường số.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không làm thay công việc chuyển đổi này mà là các bộ, ngành và địa phương sẽ phải làm. Luật Giao dịch điện tử là điều kiện cần để tiếp theo các bộ, ngành, địa phương sẽ quy định chi tiết về thực hiện các giao dịch điện tử trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể.

Luật Giao dịch điện tử được sửa đổi theo nguyên tắc thực sao thì số vậy và số phải phong phú hơn thực, trong đời thực có những loại giao dịch gì về độ tin cậy khác nhau, chi phí khác nhau, độ phức tạp khác nhau đã được luật pháp quy định thì cũng sẽ được ánh xạ vào môi trường số. Luật sửa đổi phải đảm bảo có độ phủ rộng và đảm bảo chi phí phải thấp hơn trong môi trường thực, làm phong phú hơn các loại giao dịch trên môi trường số, tránh việc lên môi trường số thì phức tạp hơn, đắt hơn.

Đồng thời, phải đảm bảo tính khả thi khi áp dụng, tính đồng bộ với các luật khác, tính thống nhất, xuyên suốt trong luật này. 

Về vấn đề phạm vi áp dụng. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) mở rộng đến mọi lĩnh vực.

Việc mở rộng lĩnh vực này so với 17 năm trước đây là dựa trên cơ sở hiện nay, công nghệ số đã sẵn sàng phổ biến an toàn, tin cậy, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra và luật cũng bổ sung quy định pháp lý về một số dịch vụ đảm bảo tin cậy cho các giao dịch trên môi trường số.

Việc mở rộng phạm vi là để cho phép tất cả các lĩnh vực đủ điều kiện đều có thể áp dụng giao dịch điện tử. Luật phải dễ hiểu và dễ thực thi. Luật Giao dịch điện tử là luật khó, có một số thuật ngữ, một số từ, một số câu được dịch từ tiếng nước ngoài, chưa Việt hóa được, gây khó hiểu, như dịch vụ tin cậy, thông điệp dữ liệu, cấp dấu thời gian... Để người dân dễ áp dụng thì ngôn ngữ trong luật phải trong sáng, dễ hiểu hay chính xác và phổ thông, như đại biểu Lê Xuân Thân - Đoàn Khánh Hòa phát biểu.

Vì vậy, Ban soạn thảo đã đặt mục tiêu là ngôn từ trong sáng, đơn giản và dễ hiểu và đã có nhiều cố gắng nhưng chưa được như mong muốn nên sẽ phải tiếp tục cố gắng.

“Mong nhận được thêm ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội để có thể có được một bộ luật về một vấn đề mới, trừu tượng nhưng lại dễ hiểu, dễ làm để phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số mang tính toàn dân và toàn diện. Đồng thời, các quy định đưa ra cũng phải được tính toán rất kỹ về tính khả thi, có tác dụng tích cực thúc đẩy sự phát triển”, Bộ trưởng giải trình trước Quốc hội.

Ông cũng nhấn mạnh, chúng ta đang chuyển từ ứng dụng công nghệ thông tin sang chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ thông tin thì từng phần, chuyển đổi số thì toàn dân và toàn diện.

Luật Giao dịch điện tử lần này có đặt mục tiêu là phục vụ cho chuyển đổi sang môi trường số một cách toàn diện và toàn dân, ít nhất cũng là tạo ra cơ sở pháp lý cho sự chuyển đổi toàn dân và toàn diện này.

Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử phức tạp và rất khó, nhưng lại có thuận lợi là nhiều nước đã đi trước chúng ta. Kinh tế số của họ đã 40-50% GDP, trong khi chúng ta mới có 12%, cho nên, có thể tham khảo, học hỏi được nhiều. Bởi vậy, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia để nghiên cứu, chắt lọc các nội dung, đảm bảo theo kịp với xu thế của thế giới và vẫn phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong phiên thảo luận tại Hội trường sáng 11/11 có 15 đại biểu phát biểu.

Qua thảo luận, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Giao dịch điện tử để thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập của luật hiện hành, phát triển giao dịch điện tử, tạo tiền đề quan trọng thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Các đại biểu cũng tham gia nhiều ý kiến vào các điều, khoản, cụ thể như: phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giải thích từ ngữ, các nguyên tắc, tính thống nhất của dự thảo luật với các luật có liên quan, sự tương thích với các điều ước quốc tế và tham khảo kinh nghiệm các nước.
Trách nghiệm của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, các địa phương; trách nhiệm chủ quản của hệ thống thông tin; trách nhiệm giám sát của các cơ quan nhà nước, biện pháp bảo vệ giao dịch điện tử; chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển và sử dụng các nền tảng số; giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, gửi, nhận và phân loại thông điệp dữ liệu; chứng thư điện tử, giá trị pháp lý của chứng thư điện tử, chữ ký điện tử, nội hàm hình thức giá trị pháp lý sử dụng chữ ký điện tử, công chứng, chứng thực và đăng ký hợp đồng điện tử; dịch vụ tin cậy, điều kiện kinh doanh dịch vụ tin cậy; giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, giao dịch thực hiện hợp đồng điện tử, hoạt động chứng thực giao dịch hợp đồng điện tử hoặc các hình thức xác thực khác.
Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong giao dịch điện tử; thu thập, quản lý, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu, bảo mật thông tin giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; cơ chế kết nối, chia sẻ dữ liệu, dữ liệu mở của cơ quan nhà nước. Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia, tài khoản định danh điện tử, an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử.
Quy định để dẫn chiếu, kết nối với các luật có liên quan, điều khoản thi hành, tính khả thi và điều kiện đảm bảo để luật sớm đi vào cuộc sống.

Giao dịch điện tử, tranh chấp xử lý thế nào?
Các đại biểu lo ngại khi quy định về xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử chưa rõ ràng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư