Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Bộ Y tế mang thuốc lá điện tử để minh họa khi trả lời chất vấn
Nguyễn Lê - 11/11/2024 15:24
 
Nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan về giải pháp ngăn chặn tác hại của thuốc lá thế hệ mới.
.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan mang đến nghị trường một số sản phẩm thuốc lá mới bắt mắt.

Chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội sẽ chất vấn 4 vấn đề. Gồm, việc huy động, bố trí lực lượng y tế, bảo đảm thuốc men, vật tư y tế cung cấp cho người dân và công tác phòng, chống dịch bệnh sau thiên tai. Hai, việc cấp giấy phép, chứng chỉ hành nghề trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Ba, thực trạng quản lý các mặt hàng thực phẩm chức năng, dược mỹ phẩm và giải pháp xử lý các vi phạm. Bốn, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường.

Đầu phiên chất vấn đã có 82 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đào Hồng Lan.

Nêu chất vấn đầu tiên, đại biểu Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) nói, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang là mối nguy hiểm cho sức khoẻ con người, nhất là đối với thanh thiếu niên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về thực trạng này và giải pháp kiểm soát tình hình?

Đã có sự chuẩn bị, Bộ trưởng Lan đưa ra những sản phẩm thuốc lá điện tử dưới hình thức rất bắt mắt để minh họa. 

Theo đánh giá của Bộ trưởng, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đang tăng nhanh và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ.

Bà Lan cho biết, qua điều tra tại 34 tỉnh, thành phố vào năm 2020 cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành từ 15 tuổi trở lên tăng 18 lần từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020, trong đó tập trung cao nhất ở nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Kết quả điều tra liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng theo các nhóm tuổi thấy rằng, nhu cầu và  việc sử dụng trong giới trẻ, đặc biệt là đối với phụ trẻ em gái cũng tăng lên.

Bộ trưởng cũng thông tin, Bộ Y tế đã chỉ ra nguyên nhân thuốc lá điện tử và nung nóng trôi nổi trên thị trường dù chúng ta chưa cho phép bán, trong đó có nguyên nhân từ tình trạng nhập lậu.

Bộ Y tế đề xuất có giải pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình trạng buôn bán thuốc lá điện tử làm ảnh hưởng đến người dân, hướng tới cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bằng một nghị quyết của Quốc hội, trước khi sửa đổi Luật phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ trưởng cho hay.

Sau khi Bộ trưởng trả lời, một số vị đại biểu vẫn tiếp tục chất vấn sâu hơn về những giải pháp và những nhiệm vụ của Bộ về hạn chế tác hại của thuốc lá mới.

Bộ trưởng tiếp tục khẳng định tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và ngành y đã có nhiều tham mưu cho Chính phủ để hạn chế tác hại, đồng thời tăng cường truyền thông với giới trẻ.

Bộ sẽ đề xuất Quốc hội ra nghị quyết về vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá mới, hiện nay hồ sơ đã được trình lên Chính phủ, bà Lan cho hay và bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ việc cấm các loại thuốc lá mới.

Làm sao để mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép?

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn, thời gian qua, cử tri ngành y tế rất bức xúc liên quan tới nơi cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Người hành nghề có thể nộp hồ sơ xin cấp giấy phép hành nghề tại bất kỳ địa phương nào dẫn đến một người có nhiều giấy phép hành nghề và có thể phụ trách chuyên môn kỹ thuật nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nêu chất vấn.

Đại biểu Thúy chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế giải pháp quản lý để đảm bảo mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề và đứng tên một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh?

Trả lời, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã quy định mỗi cán bộ y tế chỉ được cấp một giấy phép hành nghề. Hiện nay, ngành y tế đã cơ bản hoàn thành việc quản lý cán bộ y tế trên toàn quốc theo quy định mới. Cụ thể, hơn 430.000/600.000 cán bộ y tế đã được cập nhật thông tin lên phần mềm quản lý.

Tuy nhiên, theo trình bày của Bộ trưởng, do phần mềm này được xây dựng từ năm 2015 nên chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Luật mới. Để khắc phục hạn chế nói trên, ngành y tế đang tích cực nâng cấp phần mềm quản lý và hệ thống dịch vụ công trực tuyến nhằm xây dựng một cơ sở dữ liệu thống nhất, hiện đại. Khi hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp các cơ quan quản lý y tế ở cả trung ương và địa phương theo dõi, giám sát hoạt động của cán bộ y tế một cách hiệu quả.

Vấn đề được đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) nêu là thực trạng bác sĩ sau khi được đào tạo theo địa chỉ không công tác theo sự phân công hoặc công tác không đủ thời gian, sẵn sàng bồi hoàn kinh phí để chuyển sang bệnh viện tư.

Một số lãnh đạo địa phương đề nghị xử lý hành vi này? Quan điểm của Bộ trưởng như thế nào và giải pháp cho thực trạng này là gì?, đại biểu Yến Nhi hỏi.

Hồi âm, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói, năm 2022, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc trở nên nghiêm trọng khi con số lên tới gần 9.000 người. Bộ Y tế đã và đang tích cực triển khai các giải pháp, trong đó tập trung vào việc sửa đổi Nghị định 56 về chế độ phụ cấp ưu đãi và Nghị định về tiền trực, chế độ nhân viên y tế thôn bản.

Theo Bộ trưởng, nhân viên y tế công lập đang chiếm tới 95% lực lượng phục vụ người dân, đóng vai trò rất quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có những chính sách phù hợp và giải pháp hiệu quả, việc thu hút và giữ chân nhân viên y tế sẽ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng “chảy máu” nhân tài sang các cơ sở y tế tư nhân.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư