Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 20 tháng 09 năm 2024,
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tăng cường tự chủ không phải khoán trắng cho cơ sở đào tạo nghề
Mạnh Bôn - 18/04/2017 12:09
 
Hơn 200.000 cử nhân, kỹ sư thất nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực thấp trong lúc các nước trên thế giới đang bước vào kỷ nguyên nền công nghiệp 4.0 là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội đặt ra với Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung.

Sáng nay (ngày 18/4/2017), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Đây là phiên chất vấn đầu tiên của Thường vụ Quốc hội khoá XIV.

“Các câu hỏi đặt ra đều là những vấn đề nóng được cử tri cả nước quan tâm và mong muốn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng như các bộ ngành, địa phương sớm có những giải pháp đồng bộ để xử lý như việc đẩy nhanh rà soát, giải quyết chế độ, chính sách đối với người có công, đặc biệt là những hồ sơ còn tồn đọng, vướng mắc; thực trạng công tác quản lý nhà nước về đào tạo nghề; giải quyết việc làm…”, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng mở đầu phiên chất vấn.

Hơn 200.000 cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp đại học thất nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực thấp khó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá-hiện đại hoá, đặc biệt là trong lúc các nước trên thế giới đang bước vào kỷ nguyên nền công nghiệp 4.0 là vấn đề được ông Nguyễn Lâm Thành, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cùng nhiều Đại biểu Quốc hội khác đặt ra với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.

Trước đây, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý nhà nước. Và đây được xem là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ đào tạo nghề mặc dù tăng hàng năm nhưng vẫn không đạt mục tiêu đặt ra.

Để xử lý vấn đề này, kể từ ngày 1/1/2017, quản lý giáo dục nghề nghiệp đã được chuyển sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

“Từ khi tiếp nhận nhiệm vụ này, đến nay chúng tôi đã xây dựng, ban hành 37 văn bản khác nhau, trong đó có 4 nghị định và 8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực như xây dựng và ban hành chuẩn giáo dục nghề nghiệp, đổi mới cơ chế hoạt động bảo đảm tính cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo và giữa các thành phần kinh tế, đẩy mạnh xã hội hoá…”, ông Dung cho biết.

Cùng với hoàn thiện thể chế, người đứng đầu ngành an sinh, xã hội cho biết đã chọn 3 đột phá, trong đó có tăng cường tự chủ cho cơ sở đào tạo nghề. “Tăng cường tự chủ nhưng không phải khoán trắng cho cơ sở đào tạo nghề mà bắt buộc cơ sở đào tạo phải hạch toán như doanh nghiệp, được tự chọn loại hình đào tạo, tự chủ từ tổ chức bộ máy đến tài chính, thực hiện đấu thầu theo đầu ra đối với mọi cơ sở đào tạo không phân biệt thành phần kinh tế. Với hình thức này, từ nay đến năm 2020 sẽ không tăng kinh phí cho đào tạo nghề, như vậy, mỗi năm ngân sách nhà nước ít nhất tiết kiệm được 7% kinh phí chi thường xuyên cho đào tạo nghề”, ông Dung cho biết.

Giải thích về việc sinh viên, học viên học nghề tốt nghiệp không có việc làm, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại những người đã có chứng chỉ, bằng cấp, ông Dung cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân cơ bản là do chưa có liên thông giữa đào tạo và sử dụng lao động.

Ông Dung cho biết, hiện ngành lao động, thương binh và xã hội đang thí điểm cho phép một số cơ sở đào tạo nghề đã tự chủ liên kết, phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề. Tại các cơ sở này, doanh nghiệp trực tiếp tham gia giảng dạy và sẽ sử dụng học viên khi ra trường. Đặc biệt, học viên khi đi thực tập còn được doanh nghiệp trả lương. Trong khi đó, cơ sở đào tạo nghề còn cam kết, nếu học viên tốt nghiệp mà không tìm được việc làm sẽ được hoàn trả tiền học phí.

“Cùng với hoàn thiện thể chế, thực hiện 10 nhóm giải pháp và mở rộng hoạt động đào tạo trên cơ sở liên doanh, liên kết giữa cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp thì bài toán chất lượng nguồn nhân lực sẽ được giải quyết”, Bộ trưởng Dung tin tưởng.

“Với các giải pháp nêu trên, Bộ trưởng khẳng định khi nào thì không còn tình trạng thất nghiệp?”, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) đặt vấn đề.

Theo ông Dung, trong nền kinh tế thị trường không thể không có thất nghiệp; người lao động không có việc làm hoặc thiếu việc làm trong những thời điểm nào đó; và  người lao động làm việc không đúng với chuyên môn được đào tạo xảy ra ở tất cả các nước trên thế giới, không nước nào không có tình trạng này.

“Kể cả ở Cộng hoà liên bang Đức, nơi mà đào tạo nghề được xem là tốt nhất trên thế giới vẫn có tình trạng thất nghiệp, thiếu việc, làm việc không đúng với chuyên môn. Giảm thiểu tình trạng thất nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của ngành lao động, thương binh, xã hội mà là của tất cả các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị”, ông Dung nhấn mạnh.

Tình trạng cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp đại học thất nghiệp, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ thì đã có chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm.

Ông Nhạ cho rằng, số lượng cử nhân, kỹ sư thất nghiệp không tăng và có chiều hướng giảm trong thời gian vừa qua là do ngành giáo dục đã đẩy mạnh phân luồng học sinh sau khi tốt. Thay vì sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, tất cả học sinh đều học tiếp bậc phổ thông và sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông thì vào đại học, năm học vừa qua số học sinh khi tốt nghiệp phổ thông đã chuyển sang học nghề, học tại trung tâm giáo dục thường xuyên tăng đáng kể.

“Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh hướng nghiệp cho học sinh ngay ở bậc phổ thông, khuyến khích học sinh có nguyện vọng chuyển sang học nghề thay vì học đại học. Trước đây khó khuyến khích học sinh chuyển sang học nghề vì quy định về học liên thông từ trung cấp nghề lên đại học là điểm nghẽn. Tháo gỡ được vấn đề này sẽ khuyến khích được nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp phổ thông nếu gia đình không có điều kiện về tài chính đi học nghề, sau một thời gian, nếu có nhu cầu sẽ tiếp tục học tiếp lên đại học, giảm áp lực đầu ra cho cử nhân, kỹ sư”, ông Nhạ cho biết.

Trả lời về chính sách cho người có công, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, ngân sách nhà nước tiếp tục bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các chính sách dành cho người có công, bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

“Năm nay, ngân sách nhà nước bố trí khoảng 30.000 tỷ đồng để tăng chi cho công tác tìm mộ liệt sỹ, tu bổ nghĩa trang liệt sỹ... Riêng với chính sách nhà cho người có công, trong giai đoạn 1 đã xây dựng được hơn 80.000 căn với tổng kinh phí 2.516 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2 cần phải đàu tư thêm 7.300 tỷ đồng nữa để giải quyết toàn bộ nhà ở cho đối tượng này. Để đẩy nhanh tiến độ nhà ở cho người có công, nếu ngân sách chưa có kinh phí thì có thể cho tạm ứng để thực hiện như nhiều địa phương đã mạnh dạn làm”, ông Dũng đưa ra giải pháp.

5 năm nữa, tỷ lệ thất nghiệp sẽ không giảm
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố báo cáo “Xu hướng việc làm toàn cầu cho thanh niên 2013”. Theo đó,tổ chức này đã đưa ra dự báo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư