Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Sửa quy định, chênh lệch địa tô sẽ không rơi vào túi doanh nghiệp
Nguyễn Lê - 08/06/2022 10:02
 
Nếu doanh nghiệp cổ phần không có nhu cầu sử dụng thì trả lại, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất lại cho doanh nghiệp và sau đó tổ chức đấu giá, thu về ngân sách.
.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

8h45 sáng 8/6, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực tài chính.

Nhóm vấn đề Quốc hội quyết định chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc là tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội.

Nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực này còn có thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường; giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới. Các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Phát biểu trước khi nhận chất vấn của đại biểu, người đứng đầu ngành tài chính nói, là một Bộ đa ngành, tham mưu quản lý trên nhiều lĩnh vực, những năm qua Bộ đã nỗ lực xây dựng thể chế, tạo mọi điều kiện cho tài chính nhà nước, tài chính doanh nghiệp và tài chính dân cư phát triển.

Ông cho biết hôm nay rất cầu thị lắng nghe ý kiến đại biểu, nếu vấn đề nào nắm được cụ thể sẽ trả lời thẳng còn nếu vấn đề nào phải tiếp tục nghiên cứu thì sẽ trả lời bằng văn bản, nhưng trên tinh thần sẽ tiếp thu mọi ý kiến đại biểu để làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Ở những chất vấn đầu tiên trong 79 vị đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các vị đại biểu Quốc hội đều đặt vấn đề thất thoát đất đai, vốn khi chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước.

Đặt câu hỏi về rà soát sắp xếp xử lý nhà đất, cổ phần hoá nhiều khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là xác định lợi thế giá trị, quyền sử dụng đất với đất thuê hằng năm... tại Nghị định 32 để xác định giá trị khởi điểm khi thoái vốn, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (TP.HCM) chất vấn: "Bộ trưởng nhận diện thế nào, giải quyết ra sao. Biện pháp gì để đẩy nhanh thoái vốn Nhà nước".

Các đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình), Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang) đều đặt vấn đề về vướng mắc trong sắp xếp, xử lý đất đai của doanh nghiệp nhà nước có diện tích đất lớn, tại nhiều địa phương.

Đại biểu Công đề nghị Bộ trưởng Tài chính giải trình việc gắn xử lý, xác định giá trị đất đai trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. "Liệu đây có phải nguyên nhân chính gây vướng mắc trong thoái vốn, cổ phần hoá hay không?", đại biểu nêu chất vấn.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong cổ phần hoá. Vừa qua cổ phần hoá chậm cũng do khâu này, ông nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, khi trình phương án sắp xếp tài sản công, nhà cửa đất đai của doanh nghiệp Nhà nước thì UBND tỉnh phê duyệt phương án, nhưng thực hiện chậm. Năm 2021, chỉ 18 doanh nghiệp được thoái vốn , cổ phần hoá được 4 đơn vị, tổng thu ngân sách hơn 4.200 tỷ đồng. Vì thế, theo Bộ trưởng, cần hoàn thiện thêm khung pháp lý để đẩy nhanh vấn đề này.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 32 của Chính phủ, tài sản doanh nghiệp gắn liên với đất thuê hàng năm thì không được tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng nộp tiền đất một năm thì lại được gắn vào giá trị doanh nghiệp. Bộ trưởng Phớc nói "đây là lỗ hổng cần xử lý để không thất thoát đất đai khi chuyển sang cổ phần hoá doanh nghiệp".

Về quan điểm không được chuyển mục đích sử dụng đất mà phải thực hiện theo mục đích đã phê duyệt khi cổ phần hoá, Bộ trưởng Tài chính nói, vừa qua thất thoát nhiều qua cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chủ yếu vì đất.

Ông nói, liên quan đến đất đai, cốt lõi vẫn là việc chuyển mục đích sử dụng đất. Khi UBND tỉnh phê duyệt đất là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất 1 lần là 50 năm, nhưng chuyển qua doanh nghiệp cổ phần thì doanh nghiệp đó lại xin UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi chuyển đổi như vậy theo Bộ trưởng, dễ dẫn đến tình trạng không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát khi tài sản nhà nước chuyển qua tài sản tư nhân. Đây cũng là vấn đề, nút thắt lớn, ông nhấn mạnh.

Bộ trưởng cũng cho biết vừa rồi cũng đã tổ chức hội thảo, nếu đại biểu Quốc hội thấy đúng, thì có thể sửa lại quy định về vấn đề trên để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài. DNNN cũng như doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất là đất đai sở hữu toàn dân, khi DNNN có đất thuê với mục đích thuê là sản xuất kinh doanh thì khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phẩn sẽ thực hiện đúng múc đích đó, đúng mục tiêu.

Còn nếu doanh nghiệp cổ phần không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất lại cho doanh nghiệp và sau đó tổ chức đấu giá, thu về ngân sách. Làm như vậy, chênh lệch địa tô sẽ không chảy vào túi doanh nghiệp, cái này sẽ do Nhà nước điều tiết, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, đề xuất này nếu thực hiện sẽ có lợi là thúc đẩy nền kinh tế. Vì cổ phần hoá DNNN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Không phải sau cổ phẩn hoá để giải tán doanh nghiệp, sa thải công nhân, để bán máy móc, lấy địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu chúng ta làm được điều đó thì chắc chắn năng lực nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh doanh nghiệp sẽ nâng lên. Đồng thời không khuyến khích doanh nghiệp nhìn khu đất có lợi thế thương mại sau đó tổ chức cổ phần hoá, ông nói.

Chất vấn trước “giờ G”
Từ 2 giờ chiều nay (ngày 7/6), 4 vị tư lệnh các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của đại...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư