Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Chất vấn trước “giờ G”
Nguyễn Lê - 07/06/2022 08:16
 
Từ 2 giờ chiều nay (ngày 7/6), 4 vị tư lệnh các ngành kinh tế trọng yếu của đất nước sẽ lần lượt đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ghi nhận trước “giờ G” cho thấy, đây vẫn là hoạt động cần tiếp tục được đổi mới.

Một phiên họp toàn thể của Kỳ họp thứ ba. Quốc hội sẽ bắt đầu hoạt động chất vấn từ chiều 7/6.

Câu hỏi khó chờ “tân binh”

Với 284 số phiếu đồng ý chọn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã vào danh sách chính thức trả lời chất vấn trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ ba.

Cùng danh sách còn có hai vị “tân binh” khác là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, đều chưa từng lên “ghế nóng”. Người duy nhất có kinh nghiệm ở hoạt động này là Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể.

Nhưng, vấn đề cử tri quan tâm nhất không phải là ai sẽ trả lời, mà vấn đề nào sẽ được đặt ra trong 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn, để làm rõ trách nhiệm, để có giải pháp khắc phục.

Nhìn vào hàng chục vấn đề cụ thể trong 4 nhóm vấn đề lớn được chọn, có thể thấy, có đủ từ cả độ khái quát lẫn cụ thể, cả cấp thiết lẫn lâu dài, mức độ có thể khác nhau, nhưng đều đã và đang “nóng” cả ở nghị trường và cuộc sống.

Đó là giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội (dành cho cả Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước).

Đó là các vấn đề của thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường.

Nóng không kém là các chất vấn dành cho vị “tân binh” duy nhất không phải đại biểu Quốc hội đương nhiệm: Thống đốc Nguyễn Thị Hồng.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các ngân hàng thương mại yếu kém gắn với xử lý nợ xấu, việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là cho vay chứng khoán, bất động sản và phát hành trái phiếu doanh nghiệp... đều là những vấn đề được đại biểu và cử tri dành sự quan tâm đặc biệt.

Nhất là tại kỳ họp này, Quốc hội còn xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, một đề xuất mà theo nhận xét của một số vị đại biểu là kéo dài sự “bao cấp” cho nợ xấu.

Nhìn vào danh sách các vị sẵn sàng “chia lửa” cho Thống đốc, không chỉ có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, bộ trưởng các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, mà còn có Tổng thanh tra Chính phủ, Tổng kiểm toán Nhà nước, Chánh án Tòa án Nhân dân  tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Điều đó cho thấy độ “khó” của nhóm vấn đề này.

Đọc kỹ các vấn đề dành cho người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước còn thấy một “bất ngờ” khác.

Đó là nội dung chất vấn còn có cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại, vấn đề được cho là đang thiếu rõ ràng, minh bạch, nhưng dường như hiếm xuất hiện, cả ở những phiên chất vấn nhiệm kỳ trước. Bởi thế, ngay lập tức, thông tin này được các cử tri hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng quan tâm.

Lý do của sự quan tâm này, theo một số chuyên gia, là do Ngân hàng Nhà nước vẫn đang điều hành chính sách tiền tệ theo khung khổ điều tiết khối lượng tiền, thay vì điều tiết giá (lãi suất) hay lạm phát mục tiêu như thông lệ quốc tế tốt.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ buộc phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán cho nền kinh tế, trong đó chủ yếu thông qua việc “siết van tín dụng” cấp vốn cho nền kinh tế. Nói cách khác, quản lý “hạn mức tín dụng” hiện vẫn là một công cụ trọng yếu và quyền lực của Ngân hàng Nhà nước để điều tiết cung tiền, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô - mục tiêu hoạt động ưu tiên được quy định trong Luật Ngân hàng Nhà nước hiện hành. Công cụ hành chính này là một tình thế lựa chọn miễn cưỡng. Hiển nhiên, nó chứa đựng cả 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ, những mệnh lệnh hành chính này rất hiệu lực. Tiêu cực là hình thành “cơ chế xin - cho” với quy trình thủ tục rườm rà, mập mờ, tạo nhiều kẽ hở để bị lợi dụng.

Vì thế, kỳ vọng của thị trường là sau chất vấn, Ngân hàng Nhà nước sẽ cải thiện tính minh bạch và bình đẳng hợp lý trong việc cấp hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng. Đồng thời, cử tri có thể nhìn thấy cam kết rõ ràng, chắc chắn trong việc cải thiện khung khổ điều hành chính sách tiền tệ, hướng tới thông lệ quốc tế tốt.

Dư địa nào cho đổi mới chất vấn?

Vấn đề Việt Á đang nóng thế sao Quốc hội không chất vấn người đứng đầu ngành y tế, căn bệnh “sợ trách nhiệm” đang làm trì trệ bộ máy ở nhiều nơi sao không chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ... có thể là những “chất vấn” mà đại biểu nhận được từ những người bỏ phiếu bầu mình.

Và ngay sau khi danh sách chính thức trả lời chất vấn được công bố, một số vị đại biểu đã nhận xét, dường như vấn đề nóng nhất giữa hai kỳ họp đã không xuất hiện trong các nhóm vấn đề được chốt để chất vấn.

Không phải vô cớ mà qua phiếu xin ý kiến, một số đại biểu đã đề nghị chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế, người đứng đầu một ngành đã, đang và có thể sẽ còn chao đảo vì Công ty Việt Á - cái tên mà đại biểu đã phải hỏi đó là ai mà có quyền lực chi phối lớn đến thế.

Nhưng, như Báo Đầu tư đã thông tin ở số trước, với thời gian chỉ có 2,5 ngày, Quốc hội chỉ chọn 4 nhóm vấn đề (tương ứng với 4 vị chịu trách nhiệm trả lời chính) để chất vấn. Phiên cuối cùng sẽ là một vị Phó thủ tướng (kỳ họp giữa năm và không do đại biểu chọn) và Thủ tướng (kỳ họp cuối năm) trực tiếp trả lời chất vấn.

Chưa kể, một trong các tiêu chí để chọn nhóm vấn đề chất vấn là không chất vấn những vấn đề đã có trong nghị quyết về chất vấn và nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn.

Tức là, các vị đã đăng đàn ở Kỳ thứ hai (bao gồm cả Bộ trưởng Bộ Y tế) đương nhiên không thuộc diện phải trả lời ở Kỳ họp thứ ba này.

Nhưng, đó là trong bối cảnh bình thường, còn trong điều kiện có những sự cố, những vấn đề nóng thì hoàn toàn có thể chất vấn bất cứ vị tư lệnh ngành nào có liên quan, không nên “cứng”, mà cần linh hoạt, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) nêu quan điểm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng cho rằng, Quốc hội nên linh hoạt trong tiêu chí chọn người trả lời chất vấn. Bên cạnh dự kiến 5 vị theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thì cần có thêm các vị khác trong diện phải trả lời chất vấn để đại biểu rộng đường lựa chọn.

Quan trọng nữa, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi chất vấn Phó thủ tướng thì nên mở để đại biểu có thể hỏi tất cả những vấn đề đại biểu quan tâm.

Tuy nhiên, ở các kỳ họp trước, thiết kế chi tiết chương trình chất vấn thường dành rất ít thời gian để Phó thủ tướng trực tiếp trả lời đại biểu. Vậy nên, việc dành thời gian cho Phó thủ tướng (và Thủ tướng ở kỳ họp cuối năm) ít nhất một buổi như các thành viên Chính phủ khác, cùng với việc linh hoạt chọn người trả lời chất vấn, theo một số vị đại biểu, chính là dư địa để có thể đổi mới hoạt động được cử tri đặc biệt quan tâm: chất vấn và trả lời chất vấn.

Vẫn “hỏi nhanh, đáp gọn”

Các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ ba của Quốc hội được tổ chức trong 2,5 ngày (từ chiều 7/6 đến hết ngày 9/6/2022), được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, kênh Truyền hình Quốc hội.

Hoạt động này vẫn tiếp tục kế thừa cách thức thực hiện tại các kỳ chất vấn trước là “hỏi nhanh, đáp gọn”, mỗi lượt có 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người trả lời chất vấn sẽ trả lời không quá 3 phút/chất vấn. Trường hợp đại biểu Quốc hội không đồng ý với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng đăng ký tranh luận, thời gian tranh luận không quá 2 phút. Thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn và không tổ chức tranh luận giữa các đại biểu với nhau.
Việt Á là ai, tại sao lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?
Trước diễn đàn Quốc hội, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) nói rằng, cần làm rõ Công ty Việt Á là ai, tại sao họ lại có quyền lực chi phối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư