Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng hồi âm ý kiến đại biểu về dự báo GDP năm 2023
Nguyễn Lê - 26/10/2022 17:57
 
Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5% là phù hợp với bối cảnh chung, theo Bộ trưởng.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Trước thềm hai ngày thảo luận toàn thể của Quốc hội về kinh tế, xã hội bắt đầu từ sáng 27/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ngày 26/10 đã có báo cáo giải trình ý kiến đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến Kế hoạch năm 2023.

Theo đó, về kế hoạch năm 2023 Bộ trưởng cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc xây dựng kịch bản năm 2023, nên có kịch bản tăng trưởng 6,2% đến 6,5% cho phù hợp. Tăng trưởng kinh tế của năm 2023 đặt ra mục tiêu 6,5% là một thách thức, là mục tiêu phải phấn đấu chứ không phải là thấp?

Bộ trưởng giải thích, kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga – Ucraina hiện nay chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới, theo đó IMF đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2023 xuống 2,7% so với dự báo 2,9% đưa ra vào tháng 7/2022.

Nguyên nhân là lãi suất tăng đã làm chậm đà tăng trưởng nền kinh tế Mỹ trong khi châu Âu chật vật với giá khí đốt tăng, còn Trung Quốc tiếp tục các biện pháp phong tỏa nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 và ngành bất động sản của nước này suy yếu.

Trong nước, bên cạnh sự khởi sắc của kinh tế năm 2022, thì dự báo năm 2023 kinh tế Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Đó là, dịch Covid-19 tuy đã được kiểm soát nhưng vẫn tồn tại nhiều nguy cơ bùng phát với những biến chủng mới, áp lực lạm phát gia tăng, rủi ro thị trường tài chính, hoạt động sản xuất vẫn phụ thuộc nhất định vào thị trường nước ngoài, nên khả năng có thể suy giảm theo đà giảm của kinh tế thế giới.

"Tuy nhiên, bên cạnh những bất ổn như vậy, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế đạt kỳ vọng tốt như: chính sách kiểm soát vĩ mô của Chính phủ khá hiệu quả và chủ động, đầu tư công có khả năng phục hồi mạnh trong năm tới, giải ngân đầu tư cơ sở hạ tầng của gói phục hồi chủ yếu tập trung trong năm 2023, lạm phát vẫn trong phạm vi an toàn, du lịch và tiêu dùng tiếp tục phục hồi tốt...", Bộ trưởng nhận định.

Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2023, dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5%, là phù hợp với bối cảnh chung, theo Bộ trưởng.

Thảo luận tại tổ, còn có ý kiến cho rằng tăng trưởng GDP trong 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% nhưng phương hướng năm 2023 tiếp tục duy trì động lực là ngành chế biến, chế tạo, trong đó ngành chế biến, chế tạo chiếm tới khoảng 10,69%. Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại tính bền vững của cơ cấu kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồi âm, tăng trưởng GDP ước tính 9 tháng năm 2022 đạt 8,83% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79% (ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, đóng góp 29,88%). Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%2.

Về cơ cấu kinh tế 9 tháng năm 2022, cơ cấu giá trị tăng thêm của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,27%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,69%, trong đó, chủ yếu do ngành chế biến, chế tạo tăng 10,69% cao nhất trong khu vực công nghiệp và xây dựng với cơ cấu giá trị tăng thêm chiếm 24,99%; khu vực dịch vụ chiếm 41,31%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,73%.

Theo Bộ trưởng, trong nhiều năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19, khi hầu hết các ngành kinh tế bị suy giảm nghiêm trọng thì công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn luôn là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, nhìn nhận thấu đáo hơn, công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam còn phụ thuộc vào nước ngoài khá lớn vì phần lớn đóng góp vào tăng trưởng là từ khu vực FDI và hoạt động gia công. Giá trị gia tăng thực sự mang lại cho nền kinh tế chưa cao và thiếu chắc chắn nếu các doanh nghiệp FDI chuyển nguồn lực về nước.

Bộ trưởng nêu rõ, ở giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như nước ta hiện nay, việc phát huy vai trò động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến chế tạo là phù hợp. Đây là ngành có năng suất lao động trung bình cao hơn năng suất lao động xã hội bình quân của cả nước (khoảng 1,09 lần) và cao hơn khá nhiều so với năng suất lao động ngành nông nghiệp (khoảng 2,5 lần). Do đó, phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo có khả năng thúc đẩy tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, chủ trương của Đảng đã xác định: “Phát triển công nghiệp chế biến chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá”.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng đã xác định để phát huy tốt hơn vai trò của ngành công nghiệp chế biến chế tạo đối với tăng trưởng và phát triển của nước ta trong thời gian tới cần thúc đẩy nâng cấp chuỗi giá trị, phấn đấu tham gia vào phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu trước các cú sốc và  biến động trên thị trường thế giới, Bộ trưởng cho biết.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư