Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Cần tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế
Nguyễn Ngân - 07/01/2023 08:05
 
Một trong những nhiệm vụ chủ yếunăm 2023 của Bộ Công Thương là tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là chính sách thu hút đầu tư FDI

Tại buổi Gặp mặt Báo chí tại TP.HCM nhân dịp năm mới 2023 ngày 6/1, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết mặc dù năm 2022 xuất khẩu Việt Nam tăng cao, nhưng mức độ phụ thuộc vào khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn lớn. Kể cả dầu thô thì kim ngạch xuất khẩu của khối này đã chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ trưởng, mục tiêu của chúng ta khi thu hút đầu tư FDI là thu hút vốn để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, đồng thời tạo ra một quá trình chuyển giao về công nghệ và kỹ năng quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, nhìn lại 15 năm vừa qua, mức độ lan tỏa của các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước là chưa nhiều.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi gặp mặt Báo chí tại TP.HCM dịp năm mới 2023.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi gặp mặt Báo chí tại TP.HCM dịp năm mới 2023.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng hội nhập kinh tế quốc tế mà chỉ nhìn vào số doanh nghiệp, số vốn đầu tư hay kết quả ký được bao nhiêu Hiệp định thương mại tự do thì chưa đủ. Theo ông, hội nhập kinh tế quốc tế phải được đo đếm bằng khả năng các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng quốc tế.

Để làm được vậy, Bộ Công thương đã đặt ra một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong năm 2023 là tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, từ đó đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm khuyến khích, ràng buộc doanh nghiệp FDI có sự lan tỏa, chia sẻ, hỗ trợ thực chất các doanh nghiệp trong nước để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, phát triển kỹ năng quản trị, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.

“Một mặt chúng ta đảm bảo chính sách thu hút mạnh mẽ các doanh nghiệp FDI, song một mặt phải lựa chọn những doanh nghiệp có trình độ, có khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, cần phải có quy định mức độ lan tỏa của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước, quy định tỷ lệ nội địa hóa”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bước ngoặt FDI
Việt Nam vừa kết thúc chặng cuối cùng trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bằng những tín hiệu vui. Một chặng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư