Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cam kết không gây căng thẳng cho học sinh khi trở lại trường
Khánh An - 11/11/2021 11:46
 
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sáng 11/11/2021 xoay quanh mối lo ngại lớn nhất của xã hội vào lúc này, đó là chất lượng dạy và học trực tuyến khi dịch bệnh kéo dài.
.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn sáng 11/11/2021.

Không để học sinh vì thiếu thiết bị phải bỏ học

Buộc phải chuyển sang dạy và học trực tuyến không phải là vấn đề riêng của Việt Nam. Tuy nhiên, thời gian dạy và học trực tuyến ở Việt Nam đang diễn ra với quy mô, thời gian dài chưa từng có tiền lệ, phát sinh nhiều vấn đề ở cả phía thầy, trò, các nhà quản lý và các hệ thống hạ tầng công nghệ.

Tính đến ngày 30/10/2021, cả nước hiện có 23 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức dạy học trực tiếp; 15 tỉnh, thành kết hợp cả dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình; còn lại 25 tỉnh, thành chỉ tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, có tới 1.867.000 học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học trực tuyến. Có gia đình có 2-3 con, nhưng chỉ có 1 điện thoại để học.

“Đây là tình huống bất đắc dĩ, nên trước khi quan tâm đến chất lượng học trực tuyến, chúng tôi đang quan tâm đến các cháu không có thiết bị, để các cháu không phải bỏ học. Có những trường đang dạy qua truyền hình để duy trì cảm giác học cho học sinh, duy trì nề nếp dạy và học”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải trình trước Quốc hội.

Đây cũng là giải pháp đảm bảo hiệu quả, công bằng trong việc tiếp cận các điều kiện giáo dục, học tập giữa học sinh các vùng miền.

Để hỗ trợ học sinh học trực tuyến và học qua truyền hình, Bộ trường cho biết là đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai chương trình “Sóng và máy tính cho em” nhằm vận động các doanh nghiệp tài trợ, quyên góp phương tiện học tập trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Tính đến ngày 30/10/2021, các tập đoàn viễn thông đã xây dựng thêm 283 điểm phát sóng tại các địa phương bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Các tổ chức, đơn vị đã cam kết ủng hộ 1.000.840 máy tính. Dự kiến đầu tháng 11/2021, VNPT sẽ chính thức bàn giao 10.000 máy tính đầu tiên trong tổng số 37.000 máy VNPT cam kết tài trợ.

Số máy này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án phân bổ cho 4 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, cụ thể: Sóc Trăng 2.637 máy; Hậu Giang 2.187 máy; Vĩnh Long 2.489 máy; Long An 2.687 máy. Các nhà tài trợ khác cam kết sẽ bàn giao máy tính cho Bộ vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Ngoài ra, tính đến ngày 25/10/2021, ngành Giáo dục và Đào tạo đã huy động được 142,43 tỷ đồng, 28.477 máy tính bảng, 28.545 điện thoại thông minh và 79.425 thiết bị hỗ trợ học trực tuyến khác. Ngành giáo dục vẫn đang tiếp tục huy động thiết bị học trực tuyến để hỗ trợ cho các địa phương.

Cam kết không gây căng thẳng cho học sinh khi trở lại trường

Việc đánh giá chất lượng dạy và học trực tuyến một cách đẩy đủ, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn sẽ thực hiện khi học sinh trở lại trường.

Thừa nhận dạy và học trực tuyến đang ảnh hưởng đến cả chất lượng, việc trang bị kỹ năng, nhất là kỹ năng chỉ được hình thành quá trực quan, thực hành, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết kế hoạch tăng cường kiến thức, hỗ trợ kỹ năng và tư vấn sức khỏe cho học sinh sẽ là ưu tiên khi trường học được mở cửa.

“Nhưng cũng yêu cầu không đưa vào tay các em các loại phiếu đánh giá chất lượng ngay khi các  em trở lại. Sẽ có hướng dẫn bổ sung kiến thức khi học sinh trở lại, chuẩn bị tinh thần cho các em”, Bộ trưởng cam kết. 

Trong hướng dẫn cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo để có giải pháp củng cố chất lượng cho các nhóm học sinh khác nhau theo hình thức hỗ trợ dạy học cá thể hóa.

Đặc biệt, khi học sinh quay trở lại trường, các công cụ trực tuyến sẽ tiếp tục được duy trì để hỗ trợ quá trình dạy và học.

“Chúng tôi đang tính đến giải pháp xây dựng bài giảng elearning cho môn tiếng Anh, tin học để hỗ trợ các trường khu vực vùng sâu, vùng xa đang thiếu giáo viên trong các môn học này”, Bộ trưởng cho biết.

Việc xây dựng nền tảng học tập trực tuyền quốc gia cũng đang được thiết kế, nhưng sẽ cần sự tham gia của các tập đoàn công nghệ.

Cùng với đó là việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, kho dữ liệu để đảm bảo việc học và dạy trực tuyến được chuẩn hóa, có thể ứng dụng mô hình đào tạo ảo đang là xu hướng của thế giới, thay vì là một cách ứng phó tạm thời với dịch bệnh như hiện tại.

“Học và dạy trực tuyến là nội dung trong tầm chiến lược của ngành”, Bộ trưởng nói.

Nếu xã, phường vùng xanh, nên đưa trẻ mầm non, tiểu học trở lại trường

Kế hoạch đưa học sinh trở lại trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo có hướng dẫn cụ thể , phối hợp với kế hoạch tiêm chung cho trẻ em dưới 12 tuổi của Bộ Y tế. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trả lời câu chất bao giờ đưa học sinh trở lại.

Cụ thể, đã chỉ đạo triển khai nghiêm túc các quy định an toàn phòng, chống dịch khi cho học sinh đi học trở lại. Hướng dẫn xử trí các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong trường học; hướng dẫn chuyển đổi trạng thái linh hoạt giữa dạy học trực tiếp với dạy học trực tuyến trên địa bàn bùng phát dịch trở lại

“Về mặt quan diểm, với các đơn vị cấp xã, phường, nếu như cấp nào đang vùng xanh, an toàn thì nên mạnh dạn đưa các cháu trở lại trường, nhất là đối tượng mầm non, tiểu học”, Bộ trưởng Sơn khuyến nghị.

Tuy nhiên, quyết định thuộc về các địa phương, phụ thuộc vào cấp độ dịch theo Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Đề xuất cho học sinh, sinh viên khó khăn vay 0% để mua thiết bị học trực tuyến
Nguồn vay được đề xuất là lấy từ gói tín dụng 7.500 tỷ đồng cho vay trả lương ngừng việc theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, NHNN tái...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư