Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 01 năm 2025,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Làm mới sản phẩm du lịch, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa
Nguyễn Lê - 10/08/2022 15:51
 
Giải pháp phục hồi du lịch nội địa sau 2 năm đại dịch là vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.
.
Toàn cảnh phiên chất vấn tại phòng họp Diên Hồng.

Tiếp tục hoạt động chất vấn, chiều 10/8, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ: Tài chính; Kế hoạch và Đầu tư; Giao thông - Vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội ở vị trí sẵn sàng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Giải pháp phục hồi du lịch nội địa sau 2 năm đại dịch là vấn đề được đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) chất vấn ngay từ đầu phiên.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói, du lịch là ngành chịu tác động nhiều nhất từ đại dịch Covid-19.

Thống kê cho thấy riêng du lịch quốc tế thiệt hại 2.400 tỷ USD. Du lịch Việt Nam chưa thể thống kê chi tiết, nhưng thiệt hại rất lớn khi đóng băng trong 2 năm, Bộ trưởng chứng minh.

Từ thời điểm 15/3/2022, khi Chính phủ cho phép mở cửa du lịch, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đều tăng, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên, Bộ trưởng nhận định.

Ông Hùng cũng nêu rõ, khi khách quốc tế chưa thể đến Việt Nam sau đại dịch, Thủ tướng chỉ đạo chọn du lịch nội địa làm “bệ đỡ”. Vì thế, hoạt động ở các địa phương nhằm kích cầu du lịch nội địa đã đóng góp tích cực .

“Nhiều địa phương có mức tăng trưởng cao về du lịch nội địa. Có địa phương doanh thu tăng 800% như Khánh Hòa, Hà Nội, TP.HCM. Các dịch vụ đi theo cũng có sự tăng trưởng đáng phấn khởi”, Bộ trưởng thông tin.

Theo Bộ trưởng, việc đón khách quốc tế còn có khó khăn, nhưng cần tiếp cận từ hai góc độ.

Một là, muốn tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến, tức là đảm bảo sự kết nối giữa nơi đón khách và nơi khách đi. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối.

Hai là, chủ động làm mới sản phẩm du lịch. “Khách quốc tế sau dịch đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông, mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa”, Bộ trưởng nói.

Người đứng đầu ngành văn hoá cũng nhấn mạnh các yếu tố văn hóa là lợi thế của Việt Nam so với các nước, nên cần dựa vào đây để khai thác, đưa ra sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của khách quốc tế.

Một giải pháp khác, theo Bộ trưởng, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Việt Nam, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp.

Riêng về việc thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, Bộ trưởng đưa ra so sánh trong khu vực ASEAN, Việt Nam chưa đón nhiều khách quốc tế (khoảng 950.000 lượt).

“Chúng ta còn thua Thái Lan (2,2 triệu lượt), Malaysia (2 triệu lượt), nhưng đang vượt xa Campuchia, Indonesia, Philippines”, Bộ trưởng so sánh.

Nêu quan điểm cần bình tĩnh hướng đến các thị trường truyền thống, song theo Bộ trưởng, việc này còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách phòng chống dịch và chính sách mở cửa của các quốc gia.

Trước đó, trong báo cáo gửi đại biểu, ông Hùng nhận định phục hồi và phát triển du lịch bền vững hậu Covid-19 không thể thành công trong một sớm, một chiều, phải "tư duy mới, hành động mới", cần nghiên cứu xây dựng và triển khai một chương trình tổng thể, các cấp, các ngành, các địa phương và thậm chí cả quốc gia thống nhất hành động.

Phát biểu trước khi nhận câu hỏi từ đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Làm sao để có tăng được lượng khách quốc tế; làm sao để đảm bảo tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách; du lịch để phải dựa trên những sản phẩm nào… Đó cũng là bài toán đặt ra cho toàn ngành.

Văn hóa là một vấn đề rộng, tác động nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều biểu hiện đang còn xuống cấp. Vì vậy, đòi hỏi cần nhiều giải pháp. Có những việc mà không mới, có những việc đang được đề ra từ trước nhưng rõ ràng để tổ chức thực hiện đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ, ông nói.

Chính vì vậy, Bộ trưởng mong muốn nhận được nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội trên tinh thần xây dựng, sẻ chia để ngành hoàn thành trách nhiệm.

Bộ trưởng Tô Lâm: Lộ lọt thông tin cá nhân rất đáng báo động
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định tình trạng lộ lọt thông tin cá nhân đang rất đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý để bảo vệ thông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư