Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 14
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Sốt "đất đặc khu" chủ yếu do giao dịch ngầm, trái phép
Thế Hải - 04/06/2018 17:47
 
Tiếp sau Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà là tư lệnh ngành thứ 2 đăng đàn trả lời chất vấn vào chiều 4/6.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trả lời chất vấn

Mở màn phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đã có 66 đại biểu quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng liên quan đến công tác quản lý đất đai tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có tình trạng "sốt đất" ở một số địa phương dự kiến làm đặc khu; tình trạng khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; tình hình ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp; các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở các vùng, địa phương, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Anh Trí về hiện tượng đầu cơ đất đai tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) và Phú Quốc (Kiên Giang) - 3 địa phương được quy hoạch trở thành đặc khu kinh tế, Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận và cho rằng, thông thường khi có kỳ vọng về tương lai phát triển hạ tầng tại khu vực nào thì theo quy luật, thị trường đất đai ở đó sẽ thay đổi, sốt nóng.

"Chúng ta biết quy luật này nhưng ngoài việc ban hành biện pháp hành chính thì chưa có giải pháp căn cơ ngăn ngừa", ông Hà nói. Nhắc lại câu chuyện sốt đất tại Long Thành (Đồng Nai) cách đây 5 năm, ông Hà nêu, chính quyền địa phương thời điểm đó ban hành chỉ thị hành chính ngăn chặn hoạt động chuyển nhượng đất nhưng thực tế giao dịch ngầm vẫn diễn ra.

Với 3 địa phương sắp thành đặc khu, theo ông Hà, sốt đất chủ yếu nghiêm trọng ở việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp... trái phép. Tương tự như ở Long Thành, những giao dịch tại 3 địa phương trên được tiến hành ngầm, trái pháp luật, trong khi năng lực quản lý chưa theo kịp thời.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định), đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) về  giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường; triển khai các giải pháp huy động các nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu ĐBSCL, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã cố gắng kiểm soát chặt các nguồn thải. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa thu gom được nước thải, nước thải lẫn với nước mưa, khoảng 95% nước thải chưa được xử lý xả thẳng ra môi trường, nhất là nước thải ở các làng nghề, các cụm công nghiệp... Về giải pháp và trách nhiệm, trước hết các địa phương phải chịu trách nhiệm và có cơ chế xử lý nguồn thải tại địa phương mình; đồng thời phải có sự đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội; từng bước để người dân tham gia vào lĩnh vực này... 

Về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết, hiện đã có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương, quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể xây dựng các công trình thủy lợi; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa, huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời đấu tranh với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, sông Hồng, kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế để sử dụng bền vững nguồn nước chung các hệ thống sông...

Đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long) chất vấn giải pháp xử lý tình trạng xả thải thải trực tiếp ra môi trường từ các khu công nghiệp; nguy cơ ô nhiễm môi trường từ bên ngoài biên giới; thực trạng, giải pháp xử lý ô nhiễm bụi, không khí ở các thành phố lớn;.

Bộ trưởng thừa nhận, có tình trạng nhiều dự án đầu tư, cơ sở sản xuất thuộc loại hình ô nhiễm môi trường, trong đó có các dự án, cơ sở sản xuất có công nghệ sản xuất lạc hậu, thực hiện ở các khu vực nhạy cảm về môi trường (trong khu dân cư, đầu nguồn nước, khu vực trong quy hoạch nuôi trồng thủy sản, trong hoặc gần các khu bảo tồn thiên nhiên) dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường, tác động lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, nhất là ô nhiễm bụi, tiếng ồn tại các tuyến giao thông chính, các khu vực có cường độ xây dựng cao. Ô nhiễm tồn lưu hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, dioxin tồn dư trong chiến tranh ở một số tỉnh miền Trung, miền Nam đang ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sinh hoạt người dân.

Bên cạnh đó, môi trường Việt Nam tiếp tục chịu áp lực từ các dòng thương mại lớn. Xu thế chuyển đổi mô hình kinh tế nâu sang xanh tạo nên dòng chuyển công nghệ lạc hậu sang các nước đang phát triển, dẫn đến nước ta đứng trước nguy cơ cao trở thành bãi thải công nghệ sản xuất của thế giới. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng của ô nhiễm xuyên biên giới, ô nhiễm qua các sông liên quốc gia và trên biển.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí và  đại biểu Trịnh Ngọc Phương cùng đề cập tới ô nhiễm bụi tại các thành phố lớn. Người dân Hà Nội cứ 10 ngày thì 9 ngày phải hít thở không khí có mức độ bụi quá mức cho phép.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, số liệu đó là công bố từ trạm quan trắc của một tổ chức nên "phản ánh mang tính cục bộ". Kết quả từ các trạm quan trắc của Bộ Tài nguyên không ghi nhận tình trạng như vậy, dù có ghi nhận ô nhiễm từ hoạt động giao thông. 

Bộ đã tham mưu Chính phủ kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường không khí, qua đó sẽ biết nguồn ô nhiễm ở đâu, khi nào. "Tình hình ô nhiễm không khí hiện có song chưa đáng quan ngại như đại biểu phản ánh", ông Hà khẳng định. 

Hiện nay, theo số liệu thống kê, khối lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gồm: 813 khu đô thị, 283 khu công nghiệp, 584 cụm công nghiệp, hơn 500.000 cơ sở sản xuất, trên 3.500 doanh nghiệp khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, hơn 4.500 làng nghề, hơn 13.670 cơ sở y tế...

Hàng ngày phát sinh hơn 550.000 m3 nước thải công nghiệp, 150.000 m3 nước thải y tế. Có 20% trong tổng số 283 khu công nghiệp; 90,3% trong số 584 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các nguồn thải công nghiệp có lưu lượng xả thải lớn hơn 1000m3 có 48 cơ sở, nguồn thải có lưu lượng xả thải từ 200m3 tới 1000m3 có khoảng 175 cơ sở...

Báo cáo Về một số vấn đề quản lý đất đai, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chỉ ra một thực tế, đó là các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường vẫn còn xu hướng đầu tư vào Việt Nam, trong khi đó chúng ta lại thiếu cơ chế để sàng lọc, ngăn chặn từ đầu, dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố môi trường ở một số địa phương chưa chặt chẽ ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Điều quan trọng hơn là ta vẫn chưa có biện pháp xử lý tốt chất thải rắn công nghiệp thông thường dẫn đến tồn dư một lượng lớn chất thải rắn công nghiệp thông thường trong các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhất là trong các dự án nhiệt điện than, sản xuất hóa chất, chế biến khoáng sản.

[Infographic] Đề xuất tăng thuế môi trường với xăng, dầu lên kịch khung
Mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng được Bộ Tài chính đề nghị tăng lên mức kịch trần là 4.000 đồng/lít, còn mặt hàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư