Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 21 tháng 02 năm 2025,
Bộ Y tế: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025
D.Ngân - 19/02/2025 21:34
 
Chiều 19/2, Bộ Y tế phát đi thông tin về dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở tại Hà Nam.

Theo Bộ Y tế, hai dự án đầu tư xây dựng: Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức được thực hiện theo chủ trương phê duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ.

Dù hai bệnh viện đã hoàn thành hơn 90% công trình từ năm 2020, nhưng do thiếu thủ tục bàn giao và các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, dự án vẫn chưa thể hoàn thiện. 

Mục tiêu là đầu tư xây dựng các cơ sở bệnh viện tuyến Trung ương đạt tiêu chuẩn hiện đại, đồng bộ với cơ chế quản lý điều hành tiên tiến; trình độ khám chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực;

Dự án được kỳ vọng có khả năng cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao; có chuyển giao công nghệ khám chữa bệnh và tham gia đào tạo nguồn nhân lực; góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến Trung ương và tình trạng người dân phải đi ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo sát sao để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của hai dự án.

Bộ Y tế đã nỗ lực chủ trì, phối hợp với các Bộ: Xây dựng, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính xây dựng Đề án về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc của hai dự án và trình Chính phủ.

Trong đó, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng cơ chế xử lý phù hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc điều chỉnh hợp đồng của hai dự án.

Ngày 13/2/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP về cơ chế, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, trong đó đã đưa ra cơ chế, giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hoàn thành đầu tư xây dựng trong năm 2025, đưa vào sử dụng Cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức phục vụ nhân dân.

Ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP, trên cơ sở bám sát mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, cơ chế và giải pháp xử lý các khó khăn, vướng mắc nêu tại Nghị quyết, Bộ Y tế đã khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ; xác định rõ các nhiệm vụ, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị chủ trì và cơ quan, đơn vị phối hợp trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 34/NQ-CP. Đồng thời, Bộ Y tế đã thành lập Tổ công tác do Lãnh đạo Bộ là Tổ trưởng để chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng để tiếp tục triển khai thực hiện hai dự án theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 34/NQ-CP.

Với tinh thần khẩn trương nhằm sớm đưa hai dự án vào vận hành, tránh lãng phí, Bộ Y tế đã và đang quyết liệt chỉ đạo Chủ đầu tư, nhà thầu, hai bệnh viện và các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện các thủ tục điều chỉnh hợp đồng, tổ chức thi công, mua sắm và lắp đặt thiết bị y tế, bảo đảm hoàn thành xây dựng Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và Dự án đầu tư xây dựng Cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong năm 2025 theo đúng Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ

Được biết, theo Nghị quyết số 34, Chính phủ đồng ý tiếp tục thực hiện đầu tư theo tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trong trường hợp cần bổ sung kinh phí để bảo đảm hoàn thiện và vận hành đồng bộ hai dự án, Bộ Y tế sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Nghị quyết cho phép điều chỉnh hợp đồng các gói thầu XDBM-01, XDBM-02, XDVĐ-01, XDVĐ-02 để tiếp tục thực hiện hoàn thành các hợp đồng này, trên các nguyên tắc: Giá hợp đồng điều chỉnh sẽ được xác lập theo dự toán thiết kế bản vẽ thi công đã được phê duyệt, sau khi chiết giảm tỷ lệ tiết kiệm từ việc đấu thầu từng gói thầu.

Việc điều chỉnh giá của các hợp đồng không được vượt tổng mức đầu tư của dự án đã được phê duyệt. Giá trị thanh toán hợp đồng sẽ được xác định trên cơ sở khối lượng hoàn thành thực tế, đã được nghiệm thu, và đơn giá hợp đồng chi tiết sẽ được điều chỉnh tương ứng tại thời điểm nghiệm thu và thanh toán.

Giá trị thanh toán khối lượng trong hợp đồng không vượt quá giá hợp đồng điều chỉnh (chưa bao gồm dự phòng). Chi phí dự phòng (nếu có) trong dự toán thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt sẽ chỉ được sử dụng để thanh toán cho khối lượng phát sinh nếu có so với khối lượng trong thiết kế đã được phê duyệt.

Chính phủ giao Bộ Y tế chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương tổ chức thực hiện điều chỉnh hợp đồng và triển khai các dự án theo cơ chế, giải pháp xử lý nêu tại nghị quyết, bảo đảm hoàn thành xây dựng trong năm nay.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng chỉ đạo Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức chuẩn bị đầy đủ nhân lực và các điều kiện cần thiết để vận hành hiệu quả cơ sở 2 ngay sau khi các dự án hoàn thành.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí bổ sung vốn cho hai dự án, đảm bảo nhu cầu vốn theo tiến độ thực hiện và đúng quy định.

Trước đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát các vướng mắc và đề xuất giải pháp phù hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Các vướng mắc liên quan đến ký kết hợp đồng, thủ tục hành chính và quy định đấu thầu sẽ được giải quyết nhanh chóng thông qua cơ chế đặc thù.

Các dự án xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại TP. Phủ Lý (Hà Nam) bắt đầu khởi công từ năm 2014, với quy mô mỗi bệnh viện 1.000 giường bệnh.

Tuy nhiên, trong quá trình thi công, các dự án gặp phải không ít khó khăn, đặc biệt là sự thay đổi về kỹ thuật và yêu cầu điều chỉnh các hạng mục xây dựng như hệ thống điều hòa, máy móc, thang máy, khu vực nội trú cho y bác sỹ. Những thay đổi này đã làm kéo dài thời gian thi công và tăng chi phí.

Dù hai bệnh viện đã hoàn thành hơn 90% công trình từ năm 2020, nhưng do thiếu thủ tục bàn giao và các vấn đề phát sinh trong quá trình thi công, tiến độ dự án vẫn chưa thể hoàn thiện. Bộ Y tế đã xin gia hạn tiến độ, nhưng đến nay các bệnh viện vẫn chưa thể đưa vào vận hành.

Việc Bộ Y tế đề xuất cơ chế đặc thù để giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án là một bước đi quan trọng, nhằm đảm bảo các bệnh viện có thể đi vào hoạt động đúng tiến độ, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.

Khi hoàn thành, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 có khả năng tiếp nhận khoảng 5.000 lượt khám mỗi ngày, trong khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 có thể tiếp nhận khoảng 3.500 lượt khám mỗi ngày. Với quy mô 1.000 giường bệnh, hai bệnh viện này sẽ giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân.

Cả hai bệnh viện cơ sở 2 hiện đã hoàn thành phần lớn các hạng mục xây dựng. Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã hoàn thành khoảng 97%, trong khi Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đạt tiến độ 85% và đã tiếp tục thi công trở lại. Bộ Y tế kỳ vọng rằng, với việc tháo gỡ khó khăn và giải quyết các vấn đề còn lại, các bệnh viện này sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động trong năm 2025

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư