Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bộ Y tế đưa thêm nhiều loại thuốc vào điều trị bệnh nhân Covid-19
D.Ngân - 25/11/2021 16:43
 
Bộ Y tế sẽ đưa thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bộ Y tế đã có kế hoạch phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. 

Bộ Y tế sẽ đưa thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Việt Nam.

Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn thông tin, trong thời gian qua thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ Y tế phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng.

Kết quả đánh giá sơ bộ sử dụng thuốc này bước đầu hết sức khả quan, tỷ lệ âm tính sau khi sử dụng Molnupiravir sau 5 ngày là từ 72 đến 93%, tỷ lệ khác biệt có ý nghĩa so với nhóm chứng. 

Ngoài ra, chúng ta đã giảm tỷ lệ tử vong 50% so với nhóm không sử dụng. Đây là kết quả khả quan với những bệnh nhân nhiễm ngay từ đầu.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ Y tế cũng cho biết sau khi có kết quả thử nghiệm bước đầu của các đơn vị sử dụng thuốc, Bộ Y tế đang tiến hành các bước để tiến tới cấp phép lưu hành cho các công ty có thể nhập khẩu, sản xuất thuốc Molnupiravir.

Ngoài ra, các thuốc hiệu quả tốt trong điều trị bệnh nhân nặng cũng được sử dụng như các thuốc kháng thể đơn dòng, đã đem lại thành công. Đặc biệt, Bộ Y tế cũng chuẩn bị một số phương án về thuốc khác để phục vụ điều trị bệnh nhân Covid-19 như Favipiravir. 

Liên quan đến công tác tiêm chủng vắc-xin, Bộ Y tế vừa điều nhân lực hỗ trợ Thanh Hóa sau sự cố tiêm chủng. Theo đó, ngày 24/11, Bộ Y tế nhận được báo cáo của Sở Y tế Thanh Hóa về sự cố tiêm chủng xảy ra tại huyện Nông Cống (Thanh Hóa). Sự cố làm 2 người tử vong và 3 người đang được cấp cứu sau tiêm. Các nạn nhân đều trú tại huyện Nông Cống.

Trong công văn, bộ đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa chỉ đạo cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn phối hợp, tập trung mọi nguồn lực để theo dõi sức khỏe, cấp cứu, điều trị cho các trường hợp gặp sự cố tiêm chủng. 

Trong quá trình theo dõi, cấp cứu và điều trị nếu có khó khăn, tỉnh cần báo cáo khẩn về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) để được hỗ trợ.

Đồng thời, sở cần chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng tự kiểm tra, đánh giá, rà soát, khắc phục các nguy cơ chưa an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu không đạt, tỉnh phải tạm đình chỉ để bổ sung, chấn chỉnh.

Sở Y tế Thanh Hóa cũng cần báo cáo Bộ Y tế để tiếp tục huy động chuyên gia hỗ trợ cấp cứu người bệnh nếu cần. Ngoài ra, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai khẩn trương cử một đội cấp cứu gồm bác sĩ, điều dưỡng hồi sức tích cực để chi viện cho Sở Y tế Thanh Hóa, qua đó kịp thời cấp cứu người bệnh.

Liên quan sự việc này, ngày 24/11, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa đã có thông tin chính thức. Cụ thể, ngày 23/11, Trung tâm Y tế huyện Nông Cống tổ chức tiêm chủng vắc-xin Vero Cell mũi 2 tại Công ty TNHH Giầy Kim Việt phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động theo kế hoạch.

Tất cả người đăng ký đều đã được cán bộ y tế khám sàng lọc đầy đủ, tư vấn về loại vắc-xin tiêm chủng lần này và các phản ứng có thể gặp phải.

Trong quá trình tổ chức tiêm chủng, ngành Y tế ghi nhận một số trường hợp phản ứng. Cụ thể, 5 người xuất hiện triệu chứng nặng, được chẩn đoán phản ứng phản vệ. 

Những trường hợp này đã được Bệnh viện Đa khoa huyện Nông Cống và lực lượng phản ứng nhanh của ngành Y tế sơ cấp cứu ngay tại chỗ theo hướng dẫn chuyên môn và chuyển về bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa đã huy động các điều kiện trang thiết bị, thuốc và nhân lực tốt nhất để cấp cứu, điều trị cho người bệnh.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thanh Hóa đã chỉ đạo Hội đồng chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến trong quá trình sử dụng vắc-xin tại huyện Nông Cống và báo cáo Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo.

Đến nay Việt Nam đã có hơn 1,1 triệu ca mắc Covid-19, với hơn 24.000 ca tử vong. Hiện còn hơn 78.000 bệnh nhân đang điều trị, trong số này có khoảng 4.000 ca nặng phải thở ô-xy, thở máy.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 18 tuổi chiếm 0,3%, người trên 65 tuổi là 47,5%. Trong đó, tử vong chủ yếu tại TP.HCM (gần 73%), Bình Dương (gần 11%), Đồng Nai (khoảng 3%), Long An (2,4%), Tiền Giang (2%)…

Tin mới về dịch Covid-19: Cảnh báo về thuốc điều trị Covid-19 “xách tay”
Đang có một thực tế là nhiều loại thuốc được rao bán có tính năng điều trị Covid-19 trong khi vẫn chưa được cấp phép lưu hành.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư