Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 24 tháng 11 năm 2024,
Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch
D.Ngân - 28/03/2023 10:30
 
Vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh truyền nhiễm. Để bảo vệ hiệu quả sức khoẻ cộng đồng cần duy trì tỷ lệ miễn dịch cao và rộng khắp.

Được biết, hơn 1 năm nay, vấn đề thiếu vắc-xin dịch vụ chưa thể tháo gỡ, nhiều phòng tiêm chủng phải đóng cửa, việc cung cấp vắc-xin tiêm chủng cho người dân bị gián đoạn.

Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch.Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch

Với cúm A, chuyên gia khuyến cáo tiêm vắc-xin vẫn là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Miami ở bang Florida (Hoa Kỳ) đã có một nghiên cứu đánh giá số liệu trên 2 nhóm bệnh nhân mắc Covid-19, có 37.377 bệnh nhân mỗi nhóm.

Các bênh nhân phân bố ở Hoa kỳ, một số quốc gia châu Âu, Israel, Singapore. Số liệu trên bệnh nhân được thu thập và phân ra 2 nhóm: Nhóm có sử dụng vắc-xin phòng cúm mùa (trước khi mắc từ 6 tháng đến 2 tuần) và nhóm kia bao gồm các bệnh nhân không chủng ngừa vắc-xin cúm mùa trước đó.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy đã có sự giảm đáng kể nguy cơ nhiễm trùng huyết, đột quỵ, tắc tĩnh mạch sâu trên nhóm bệnh nhân mắc Covid-19 đã tiêm phòng vắc-xin cúm mùa trước đó từ 2 tuần đến 6 tháng.

Nghiên cứu cũng chỉ ra khả năng phải nhập điều trị tại đơn vị điều trị tích cực (ICU) cũng giảm tới 20% trên nhóm trước đó có tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm. Làm như vậy có thể giúp tránh đại dịch "kép” sự bùng phát đồng thời của cả bệnh cúm và Covid-19.

Đồng thời giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế, tăng cường sự bảo vệ ở các quốc gia mà vắc-xin Covid-19 chưa được cung cấp đầy đủ. Tuy nhiên, vắc-xin cúm mùa không thể thay thế vắc-xin Covid-19, vì vậy vẫn cần tiêm vắc-xin Covid-19 đầy đủ.

Được biết, tại hệ thống tiêm chủng Safpo, vắc-xin cúm GC FLU QUADRIVALENT và vắc-xin IVACFLU-S đang được sử dụng để tiêm phòng đáp ứng cho nhu cầu của người dân.

Theo hướng dẫn sử dụng thì vắc-xin GC FLU QUADRIVALENT được sử dụng trên phụ nữ có thai, trong tất cả các giai đoạn của thai kỳ.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm có thể bảo vệ được bản thân và cả trẻ sơ sinh. Không có tác dụng phụ của vắc xin đối với thai nhi và thai sản đã được báo cáo.

Phụ nữ có thai khi được tiêm chủng vắc xin cúm (bất hoạt, 3 chủng-TIV) có thể bảo vệ được bản thân và cả trẻ sơ sinh.

Các nghiên cứu lớn ở Hoa kỳ và Bangladesh đã chứng minh tính an toàn của vắc-xin cúm trên phụ nữ có thai khi không thấy bất cứ biến cố quan trọng cho bản thân và thai nhi hay trẻ sơ sinh của các bà mẹ dùng vắc xin TIV.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo phụ nữ có thai nên tiêm vắc-xin phòng cúm 3 chủng bất hoạt (TIV) ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ.

Khuyến cáo này dựa trên bằng chứng về nguy cơ và bằng chứng về sự an toàn của Vắc-xin cúm mùa trên các giai đoạn thai kỳ cũng như hiệu quả trên phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh.

Còn vắc-xin IVACFLU-S có thể phòng được các chủng A/H1N1, A/H3N2, chủng B. Đối tượng sử dụng vắc-xin IVACFLU-S là người lớn từ 18 tuổi đến 60 tuổi. Thời điểm tiêm ngừa tốt nhất là trước mùa dịch

Nhà sản xuất khuyến cáo không sử dụng vắc-xin IVACFLU-S cho người có tiền sử sốc phản vệ với IVACFLU-S.

Vắc-xin này cũng không được tiêm cho người mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin, dị ứng với protien trứng gà, thịt gà; Người có hội chứng Guilain Barre, rối loạn thần kinh

Người đang nhiễm trùng cấp tính, đang dùng thuốc ức chế miễn dịch; Người bị động kinh đang tiến triển, có tiền sử co giật; Người có cơ địa mẫn cảm nặng với các vắc-xin khác ( đã từng bị sốc phản vệ khi tiêm vắc-xin khác).

Từ nghiên cứu pha 2 cho thấy, phản ứng sau tiêm của IVACFLU-S hay gặp nhất là mệt mỏi, đau cơ, đau đầu nhưng nhẹ và không nghiêm trọng.

Không chỉ có cúm A, trên diện rộng, Bộ Y tế cho rằng, vắc-xin là một trong những biện pháp quan trọng phòng chống bệnh truyền nhiễm. Để bảo vệ hiệu quả sức khoẻ cộng đồng cần duy trì tỷ lệ miễn dịch cao và rộng khắp. 

Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin ở mức cao trong nhiều năm qua là yếu tố quan trọng để thanh toán loại trừ và khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Trong thời gian dịch Covid-19 tỷ lệ tiêm chủng các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, thủ tục cung ứng vắc-xin tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ do các đơn vị y tế công sử dụng ngân sách nhà nước quản lý gặp một số vướng mắc. 

Bộ Y tế đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng, chỉnh sửa, bổ sung một số văn bản tháo gỡ các vướng mắc, cho phép các đơn vị này chủ động hơn trong việc mua vắc-xin phục vụ nhu cầu người dân.

Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ cho con đi tiêm chủng theo lịch. Trong trường hợp tiêm chậm muộn thì cần được tiêm bù mũi càng sớm càng tốt mà không phải tiêm lại từ đầu. 

Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tổ chức tiêm bù mũi, tiêm vét các vắc-xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài các vắc-xin dịch vụ, phần lớn trẻ em hiện nay tiếp cận với vắc-xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Mọi trẻ em đều có quyền được tiêm chủng miễn phí các vắc-xin trong chương trình. Vì vậy, cha mẹ có thể đưa con đến các điểm tiêm chủng tại trạm y tế xã, phường để trẻ được tiêm chủng kịp thời.

Các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng trong chương trình tiêm chủng mở rộng là những bệnh phổ biến, nguy hiểm. Theo báo cáo của các địa phương, nhiều trẻ mắc sởi, ho gà, viêm não Nhật Bản… trong độ tuổi tiêm chủng nhưng chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi. Vì vậy, để phòng bệnh cho trẻ Bộ Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh đưa con đi tiêm chủng tại các trạm y tế xã, phường.

Nếu trẻ không được tiêm chủng kịp thời, trẻ sẽ không có miễn dịch phòng bệnh, làm gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm đã lưu hành ở nước ta như sởi, bạch hầu.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã đẩy mạnh tăng cường truyền thông về lợi ích tiêm chủng phòng bệnh trên các phương tiện thông tin và sự cần thiết của tiêm chủng để phòng các bệnh truyền nhiễm;

Khuyến cáo người dân đưa con em tham gia tiêm chủng thường xuyên đúng lịch và tiêm vét phù hợp ngay khi đủ điều kiện tiêm chủng; chỉ đạo các địa phương lập kế hoạch và triển khai tiêm ngay khi có vắc-xin. 

Khuyến cáo sự cần thiết của việc tiêm vắc-xin uốn ván
Vừa qua, Khoa Bệnh lây đường hô hấp và Hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiếp nhận, điều trị thành công nhiều bệnh nhân uốn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư