Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Tiêu điểm chứng khoán tuần qua
“Bốc hơi” hơn 9 tỷ USD, chứng khoán Việt Nam lọt nhóm giao dịch tệ nhất thế giới
Thanh Thủy - 05/12/2021 07:52
 
Quy mô vốn hóa thị trường đã giảm 204.551 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ USD tuần qua. Cú lao dốc phiên thứ Sáu đã đánh bay thành quả một tháng qua, đưa VN-Index về mức 1.443 điểm.
.
Vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam "bốc hơi" hơn 9 tỷ USD trong tuần đầu tháng 12

Đỉnh 1.500 xa vời, VN-Index lọt top 10 thị trường tệ nhất

Qua đỉnh cao lại là vực sâu, trong khi chứng khoán Việt Nam là một trong ba thị trường giao dịch tích cực nhất ở tuần cuối tháng 11, cú lao dốc ngày thứ Sáu đã nhanh chóng đưa VN-Index lọt top 10 sàn chứng khoán giảm mạnh nhất tuần này. Nỗi lo sợ về biến chủng Covid -19 mới Omicron được WHO đặt tên thứ Sáu tuần trước dường như mới bắt đầu “ngấm” và phản ánh trên hàn thử biểu của nền kinh tế.

VN-Index có 4/5 phiên đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, phiên giảm 39 điểm mới đây ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong nhiều tháng. Chỉ số sàn HoSE kết tuần ở mức 1.443,32, giảm 49,7 điểm, tương đương mức giảm 3,33% so với tuần trước. Còn HNX-Index đạt mức 449,27, giảm 2,04% so với tuần trước. Chỉ số sàn UPCoM giảm ít nhất (-1,95%), đóng cửa ở mức 112,11 điểm.

Trên sàn HoSE, Vingroup – anh cả vốn hóa thị trường giữ vững vai trò trụ đỡ khi tăng 7,1% so với cuối tuần trước và góp tới 7,35 điểm tăng cho toàn thị trường. Trong tuần qua, theo thông tin từ Reuters, Vingroup đang đàm phán huy động vốn cho VinFast với các nhà đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư quốc gia Qatar và BlackRock. Quy mô huy động tới 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra trong bối cảnh VinFast, công ty con của Vingroup trong lĩnh vực xe hơi, đang tiến vào thị trường Mỹ với các dòng xe điện.

Tuy vậy, một mình cổ phiếu VIC không gánh được cả thị trường. Sắc đỏ phủ trên diện rộng với hàng loạt cổ phiếu giảm 3% trong phiên thứ Sáu. Các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đén VN-Index tuần qua lần lượt là VCB, VPB, BID, VHM và TCB. Dòng ngân hàng là động lực kéo VN-Index vươn cao và chạm mốc 1.500 điểm tuần trước nhưng lại là “tội đồ” đẩy chỉ số rơi sâu tuần này. Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng giao dịch tiêu cực khi P/E tại hầu hết các cổ phiếu đã tăng nhanh thời gian qua và cao hơn nhiều P/E bình quân toàn thị trường.

Quy mô vốn hóa thị trường đã "bốc hơi" 204.551 tỷ đồng, tương đương hơn 9 tỷ USD tuần qua. Tổng giá trị vốn hóa trên ba sàn đến ngày 3/12 còn xấp xỉ 7,72 triệu tỷ đồng, trong đó riêng sàn HoSE ghi nhận mức vốn hơn trên 5,8 triệu tỷ đồng. 

Giao dịch sàn HosE xuống dưới 1 tỷ cổ phiếu/phiên

.
Khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán sụt giảm sâu trong hai phiên đầu tháng 12 - Ảnh: Đầu tư chứng khoán 


Ngoài điểm số, thanh khoản thị trường cũng là một điểm tiêu cực đáng chú ý. Giao dịch sụt giảm đáng kể ở hai ngày đầu tiên của tháng 12/2021. Sau bốn tuần sàn HoSE ghi nhận khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt trên 1 tỷ đơn vị, số lượng cổ phiếu chuyển nhượng trong phiên tuần này chỉ còn ở mức bình quân 967 triệu đơn vị, giảm 9,48% so với tuần liền trước. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 29.693,84 tỷ/phiên, giảm 10,50% so với tuần trước.Trái ngược với sàn HoSE, giao dịch trên HNX nhỉnh hơn 1,56% với mức thanh khoản bình quân đạt 4.099 tỷ đồng.

Theo nhận định của Chứng khoán VCBS, dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên “mong manh” hơn. Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước có thể bởi dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

Các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng. Giá trị bán ròng trên ba sàn đạt 3.305 tỷ đồng. Đây đã là tuần bán ròng thứ năm liên tiếp trên HoSE, trong khi đó chuỗi bán ròng trên sàn HNX đã kéo dài tới 11 tuần. Top 5 cổ phiếu bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là MSN, HPG, DXG, HCM và SSI với giá trị bán ròng từ 200 tỷ đồng đến trên 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng đã có một số cổ phiếu được tập trung giải ngân mua thêm, chủ yếu là cổ phiếu ngành tài chính gồm CTG (242 tỷ đồng), VND (123 tỷ đồng), STB (118 tỷ đồng), VCI (74 tỷ đồng)...

Nhiều cổ phiều đầu cơ lao dốc sau giai đoạn tăng nóng

.
Giá cổ phiếu IDI lao dốc từ ngày 30/11- Ahr: Vietstock FInance


Cũng trong nhịp điều chỉnh  mạnh của thị trường tuần này, nhiều cổ phiếu đầu cơ tiếp tục đà lao dốc và rơi vào tình trạng trắng bên mua kèm khối lượng dư bán sàn chất đống.

Như riêng tại phiên thứ Sáu hôm qua, dư bán sàn cổ phiếu IDI lên tới 10,7 triệu cổ phiếu. Cổ phiếu SJF cũng bị chất sàn 12,6 triệu cổ phiếu. SJF rơi kịch sàn 5 phiên gần đây, trong khi cổ phiếu IDI đã giảm sàn 4 phiên liên tiếp. Cả hai cổ phiếu này đều đi qua giai đoạn tăng giá bất thường từ đầu tháng 11/2021.

Ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT IDI đã bán xong toàn bộ 12,53 triệu cổ phiếu đang sở hữu trong ngày 3/12. Giao dịch thực hiện toàn bộ qua phương thức thỏa thuận. Trước đó, vào hôm 30/11, ông Thuấn đã đăng ký bán cổ phiếu trong tháng 12 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Ngoài giao dịch của vị Chủ tịch này, gần 18 triệu cổ phiếu IDI đã được bán khớp lệnh tuần qua. Trừ phiên tăng điểm hôm 29/11, giao dịch cổ phiếu các phiên sau đều giảm kịch sàn.

“Nhen” lại ngọn lửa thoái vốn

Trong tuần qua, tiếp tục có thêm một số thương vụ bán đấu giá phần vốn Nhà nước được công bố, dù khá nhỏ giọt. Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) sẽ đấu giá hơn 21,2 triệu cổ phần, tương ứng 18,82% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (mã LAS - HNX) với mức giá khởi điểm 27.100 đồng/cổ phiếu. Giá khởi điểm chào bán hiện cao hơn 11% so với giá đóng cửa ngày 3/12. Nếu chào bán thành công tại mức giá tối thiểu, Vinachem ước thu về hơn 575 tỷ đồng, đồng thời, giảm tỷ lệ sở hữu tại Lasuco về còn 51%. Phiên bán đấu giá được thực hiện trên sàn HNX bằng phương thức thông thường vào ngày 31/12/2021.

Trong khi đó, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sẽ tổ chức bán đấu giá theo lô toàn bộ 5,1 triệu cổ phần, tương đương 28,17% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM-HNX) mà SCIC đang nắm giữ. Giá khởi điểm là 187,56 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 36.600 đồng/cổ phần, ngang ngửa mức thị giá hiện tại của cổ phiếu AGM. Phiên đấu giá này dự kiến tổ chức vào ngày 31/12/2021 trên sàn HoSE

“Nóng” phạt phát hành trái phiếu chui

Bên cạnh diễn biến tiêu cực của thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán tuần qua dồn sự chú ý vào động thái siết chặt quản lý của Bộ Tài chính đối với thị trường phát hành trái phiếu.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 819/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam do thực hiện nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán khi chưa được cấp giấy phép. Cụ thể, công ty này đã cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khi chưa được UBCKNN cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.

Trước đó, cũng liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu, VSETGroup đã đứng ra chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không nộp hồ sơ đăng ký với UBCKNN. Thời gian  chào bán trái phiếu kéo dài từ ngày 1/1/2020 đến 27/10/2021. Tổ chức phát hành này bị phạt 600 triệu đồng, đồng thời, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả bao gồm buộc thu hồi chứng khoán đã chào bán; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn tối đa 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư đối với hành vi vi phạm.

UBCKNN cũng cho biết đang tiếp tục thực hiện thủ tục để xử phạt Tập đoàn Apec Group đối với hành vi tương tự. Thời gian qua, UBCKNN đã triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán. Trên cơ sở kết quả kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp phát hành, bước đầu đã ghi nhận và triển khai thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với 2 doanh nghiệp phát hành, một công ty chứng khoán.

Hoạt động huy động vốn từ kênh phát hành trái phiếu đã tăng trưởng mạnh các năm gần đây. Trong 11 tháng đầu năm 2021, giá trị huy động vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 436 nghìn tỷ đồng, tăng trên 23,4% so với cùng kỳ năm 2020, 

Tại Công điện số 8857/CĐ-VPCP ngày 3/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm… báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/12 /2021.

Kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng trưởng, song rủi ro có thể đến từ đầu tư chứng khoán
Kết quả kinh doanh quý IV/2021 của CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) được dự báo khả quan, song biến động của thị trường chứng khoán đang ảnh hưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư