Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Kinh doanh của Vĩnh Hoàn tăng trưởng, song rủi ro có thể đến từ đầu tư chứng khoán
Lâm Vũ - 03/12/2021 09:06
 
Kết quả kinh doanh quý IV/2021 của CTCP Vĩnh Hoàn (Vĩnh Hoàn) được dự báo khả quan, song biến động của thị trường chứng khoán đang ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của Công ty.
Giá cá tra có xu hướng phục hồi sớm hơn và mạnh mẽ hơn tác động tích cực tới doanh thu của Vĩnh Hoàn.

Kinh doanh tăng trưởng trong bối cảnh dịch bệnh

Kết thúc quý III/2021, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thủy sản báo kết quả kinh doanh sụt giảm, thì Vĩnh Hoàn là một trong số ít vẫn duy trì tăng trưởng.

Báo cáo tài chính của Vĩnh Hoàn cho biết, trong quý III/2021, doanh thu thuần hợp nhất đạt 2.230,5 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Biên lợi nhuận đạt 18,3%, tăng mạnh so với mức 12,7% cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh giá cá tra tăng mạnh, giúp lợi nhuận gộp đạt 408,7 tỷ đồng, tăng 78%. Sự tăng trưởng này đã giúp lợi nhuận sau thuế của Vĩnh Hoàn trong quý đạt 256,2 tỷ đồng, tăng 45,7% so với quý III/2020.

Trong khi đó, lợi nhuận từ hoạt động tài chính giảm đến 88,5% so với quý III/2020, chỉ đạt 5,6 tỷ đồng, chủ yếu do lãi tiền gửi và lãi từ đầu tư chứng khoán giảm, trong khi tăng trích lập dự phòng khoản đầu tư.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của Vĩnh Hoàn đạt 6.361,3 tỷ đồng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020, với sự phục hồi tăng trưởng mạnh tại mảng bán cá phi lê và phụ phẩm. Lợi nhuận sau thuế đạt 646,6 tỷ đồng, tăng 17,2%. So với kế hoạch 8.600 tỷ đồng doanh thu và 700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế được Đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua, Công ty đã thực hiện được 74% chỉ tiêu doanh thu và 93% chỉ tiêu lợi nhuận sau 9 tháng.

Cùng với lợi nhuận tăng trưởng, dòng tiền kinh doanh của Vĩnh Hoàn đã thặng dư 352,2 tỷ đồng sau 9 tháng. Tuy vậy, nhu cầu đầu tư lớn khiến lượng tiền gửi dự trữ của Công ty giảm trong khi dư nợ vay gia tăng.

Tính đến cuối quý III/2021, dư nợ vay của Vĩnh Hoàn là 1.536,5 tỷ đồng, tăng 30,8% so với đầu năm, trong khi giá trị tiền gửi hạch toán tại khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 267 tỷ đồng, xuống còn 1.097 tỷ đồng.

Ấn số thị trường chứng khoán và rủi ro trích lập dự phòng tồn kho

Theo bản tin kết quả kinh doanh trong tháng 10/2021, doanh thu xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đạt 780 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 19% so với tháng trước. Trong đó, doanh thu thị trường Mỹ tăng 95% so với cùng kỳ năm trước và tăng 37% so với tháng trước, bù đắp cho sự sụt giảm tại các thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu… Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Vĩnh Hoàn đã liên tục tăng trưởng cao từ đầu quý II/2021. Lũy kế 10 tháng, trong số 6.899 tỷ đồng doanh thu, thị trường Mỹ đóng góp đến 43,4%, với 3.014 tỷ đồng.

Bên cạnh sức cầu hồi phục trên mức nền thấp của năm 2020 do chịu tác động của Covid-19, việc tiếp tục được Bộ Thương mại Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá 0 USD/kg trong kết luận cuối cùng đợt rà soát hành chính lần thứ 16 (POR16) vào tháng 6/2021 đã giúp Công ty duy trì lợi thế cạnh tranh vào thị trường này, khi một doanh nghiệp khác là Biển Đông bị áp thuế 2,39 USD/kg sau nhiều năm liền hưởng ưu đãi thuế 0%.

Đặc biệt, Vĩnh Hoàn còn được đánh giá hưởng lợi từ đợt dịch bệnh bùng phát mạnh trong quý vừa qua. Theo báo cáo của Bộ phận Phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), trong quý III/2021, Covid-19 đã làm gián đoạn hoạt động thu mua và sản xuất, khiến một số doanh nghiệp, nhà xuất khẩu hàng đầu phải tạm ngừng hoạt động, nên giúp giảm nhẹ áp lực cạnh tranh đối với Vĩnh Hoàn. Nhờ vậy, thị phần sản lượng xuất khẩu của Công ty đã tăng lên 15,5%, so với mức 10,5% trong năm 2020.

Trong quý IV/2021, triển vọng kinh doanh của Vĩnh Hoàn được đánh giá khả quan trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường hồi phục và giá cá tra dự báo tiếp tục gia tăng trên mức nền thấp của cùng kỳ năm 2020.

Trong báo cáo triển vọng ngành xuất khẩu tháng 10/2021, Bộ phận Phân tích thuộc CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco) cập nhật giá cá tra và giá tôm đã có tín hiệu tạo đáy và dần hồi phục sau chu kỳ giảm; trong đó, giá cá tra có xu hướng phục hồi sớm hơn và mạnh mẽ hơn.

Việc giá cước vận tải giảm trở lại sau giai đoạn tăng nóng cũng sẽ giảm áp lực chi phí xuất khẩu. Đến giữa tháng 11/2021, cước vận tải nhiều loại tàu trên các tuyến đã giảm 30-50%. Xu hướng giảm được dự báo còn tiếp tục khi các chuỗi cung ứng từng bước được nối lại.

Tuy vậy, với danh mục đầu tư chứng khoán có giá trị lớn, nên biến động của thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh của Công ty.

Tính đến cuối quý III/2021, danh mục đầu tư chứng khoán của Vĩnh Hoàn có giá trị 141,2 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cuối quý II/2021. Bên cạnh đó, việc trích lập dự phòng tồn kho cũng đang có xu hướng gia tăng, với giá trị 156,6 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021, tăng gấp 2 lần so với cuối quý 2/2021 và chiếm 29,4% giá trị tồn kho thành phẩm của Công ty.

Thủy sản Vĩnh Hoàn: Doanh thu quý III/2021 tăng 17% nhờ thị trường Mỹ
Thủy sản Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) vừa công bố báo cáo IR tháng 9/2021 với doanh thu 658 tỷ đồng, đưa tổng doanh thu xuất khẩu quý III/2021 đạt 2.128 tỷ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư