Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Boeing: Việt Nam là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không tại Đông Nam Á
Nhã Nam - 01/11/2019 18:24
 
Kinh tế tăng trưởng cao, nhu cầu du lịch tăng nhanh là những lý do khiến ngành hàng không Việt Nam phát triển nhanh chóng và trở thành động lực cho sự phát triển của ngành hàng không tại Đông Nam Á.
Ông Darren Hulst, Phó chủ tịch phụ trách Marketing thương mai của Boeing chia sẻ về thị trường hàng không toàn cầu.
Ông Darren Hulst, Phó chủ tịch phụ trách Marketing thương mai của Boeing chia sẻ về thị trường hàng không toàn cầu.

Có mặt tại Việt Nam để chia sẻ về Báo cáo thị trường hàng không toàn cầu, ông Darren A.Hulst, Phó chủ tịch phụ trách mảng Marketing thương mại của Tập đoàn Boeing cho biết, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng ngành hàng không lớn nhất tại châu Á.

Tại khu vực này, theo ông Darren A.Hulst, Boeing ước tính nhu cầu về máy bay sẽ đạt 4.500 chiếc. Chiếm phần lớn trong số máy bay này sẽ là loại máy bay một lối đi (loại thân hẹp, ví dụ Boeing 737). Số lượng máy bay một lối đi ước tính sẽ chiếm đến hơn 3.600 chiếc, và nhu cầu về máy bay thân rộng như 777 hay 787 sẽ chiếm khoảng 800 chiếc.

Song song với nhu cầu lớn về số lượng máy bay, nhu cầu về các dịch vụ liên quan để hỗ trợ sự tăng trưởng của các đội máy bay cũng sẽ rất lớn. Để đảm bảo về phụ tùng và các thành phần của máy bay, dịch vụ mặt đất, dịch vụ kỹ thuật - bảo trì máy bay, các giải pháp số để giúp các hãng hàng không tăng trưởng hiệu quả hơn, thì ngành hàng không cần đến hơn 800 tỷ USD cho ngành dịch vụ hàng không thương mại trong 20 năm tới, tính riêng tại khu vực Đông Nam Á.

Trên khía cạnh đào tạo và nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhân viên trong ngành hàng không, riêng khu vực Đông Nam Á đã cần đến hơn 200.000 nhân sự.

“Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành hàng không tại đây”, ông Darren A.Hulst nói và cho biết, yếu tố đầu tiên thúc đẩy nhu cầu của ngành hàng không luôn là sự phát triển kinh tế, và dự báo cho thấy, Việt Nam sẽ là quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tăng trưởng kinh tế trong tương lai. 

Chỉ số GDP chỉ là một trong số những yếu tố thúc đẩy nhu cầu trong ngành hàng không. Ngoài GDP, còn có các yếu tố như thu nhập tăng để có thể sử dụng dịch vụ hàng không. Chỉ số nhân khẩu học của Việt Nam cũng ngày càng trở nên thuận lợi hơn cho ngành hàng không. 

Trong vòng 15 năm tới, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi, với khoảng 15 triệu người sẽ gia nhập tầng lớp này tại Việt Nam, và đây là yếu tố chủ chốt thúc đẩy nhu cầu về hàng không trên thế giới. 

Và thực tế là, theo ông Darren A.Hulst, trong vòng 5 năm qua, ngành hàng không Việt Nam đã liên tục tăng trưởng, với các chỉ số được sử dụng để đo lường như lưu lượng hành khách, lượng hàng hóa, số lượng máy bay. 

Trong 5 năm qua, số lượng hành khách tăng gấp 3 lần, số lượng hàng hóa tăng gấp 2 lần, và đội máy bay được khai thác tăng gấp 2 lần. Đây chỉ là bước đầu của sự phát triển của ngành hàng không, vì sự phát triển của ngành hàng không có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của nền kinh tế. 

Ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 10% và đây là tốc độ tăng trưởng nhanh gần gấp đôi ngành du lịch trên toàn thế giới. Số lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam bằng đường hàng không đã tăng gấp 2 lần trong bốn năm qua.

Đây là những yếu tố quan trọng mà theo vị Phó chủ tịch của Boeing, sẽ khiến thị trường hàng không Việt Nam tiếp tục phát triển. 

Theo báo cáo của Boeing, tại thị trường Việt Nam, 10 năm trước có 31 đường bay thẳng nội địa, và hiện nay con số này đã tăng gần gấp 2 lần. Số lượng các chuyến bay thẳng giữa các thành phố đã tăng 3,5 lần trong vòng 10 năm qua. Và tại 3-4 thị trường lớn nhất tại Việt Nam hiện nay, có khoảng 30 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày. 

Sự tăng trưởng của thị trường hàng không nội địa của Việt Nam được Boeing đánh giá là “cực kỳ ấn tượng”. Ngoài việc khai thác các đường bay nội địa bằng máy bay một lối đi, thì hiện tại, các dòng máy bay thân rộng cũng đã được đưa vào khai thác khá nhiều trên các đường bay từ Việt Nam đi nước ngoài, đặc biệt là các đường bay dài. 

“Boeing cam kết duy trì và tăng cường sự hiện diện của hãng tại Việt Nam, không chỉ trong việc cung cấp máy bay, mà còn về các lĩnh vực như đầu tư, đào tạo, chuỗi cung ứng…”, ông Darren A.Hulst nhấn mạnh.

Boeing lần đầu tiên đưa Boeing 777 vào bay kiểm thử
Hãng sản xuất máy bay Boeing sẽ thực hiện loạt bay kiểm thử mới nhất nhằm đánh giá các công nghệ mới được thiết kế để giải quyết những...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư