Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bốn yếu tố cần để triển khai đô thị thông minh
Bảo Giang - 24/09/2017 10:19
 
Để triển khai đô thị thông minh, cần 4 yếu tố là lãnh đạo, lực, liên kết, lâu dài.
TIN LIÊN QUAN

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Đà Nẵng tại Hội thảo “Giải pháp tổng thể cho đô thị thông minh - smart city 360o”, do Hội Tin học TP.HCM (HCA) tổ chức mới đây.

Theo ông Thanh, quan trọng nhất trong phát triển smart city là cần hiểu rõ smart city sẽ giải quyết vấn đề gì? Ở vai trò quản lý đô thị thì smart city chính là giải quyết các vấn đề thiết yếu của quản lý đô thị như dân sinh, xã hội, hạ tầng… “Từ thực tế nhu cầu của quản lý đô thị cần hình thành khung nền tảng smart city và bộ não vận hành chính là chính phủ điện tử”, ông Thanh khẳng định.

.
.

Kinh nghiệm của Đà Nẵng cho thấy, để triển khai thành công chính phủ điện tử thì cần “4 chữ L” là: lãnh đạo, lực, liên kết, lâu dài. Trong đó, quan trọng nhất là lãnh đạo. “Tư duy và quyết tâm của lãnh đạo trong việc thay đổi mô hình cũ sang mới sẽ đóng vai trò chủ đạo, quyết đoán trong đầu tư triển khai mô hình smart city và thúc đẩy các thành viên phải triển khai”, ông Thanh nhấn mạnh.

Còn yếu tố lực chính là nhân lực triển khai và tài lực được thu xếp như thế nào, phương cách huy động xã hội hóa ra sao và cách thức huy động nguồn lực từ chính xã hội, cộng đồng.

Với yếu tố liên kết, đây chính là yêu cầu cho bộ khung đô thị thông minh, xác định nền tảng, chuẩn về kết nối để các bộ phận từ cơ quan hành chính, doanh nghiệp, người dân có thể dễ dàng kết nối, vận hành, sử dụng.

Cuối cùng là lâu dài. Theo ông Thanh chính là kế hoạch phải hướng đến phát triển bền vững và có tầm nhìn để tránh tư duy nhiệm kỳ. “Kiến tạo bộ khung để tiếp tục thừa hưởng và phát huy trên nền tảng sẽ đóng vai trò quan trọng, tạo nên thành công của chính phủ điện tử nói riêng và smart city nói chung”, ông Thanh nói.

Trao đổi về sự cần thiết phải xây dựng smart city ở TP.HCM, ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc Sở TTTT cho biết, TP.HCM đang đối diện với nhiều thách thức, cũng là những thách thức chung của các đô thị lớn. TP.HCM là trung tâm kinh kế của cả nước, tạo ra 21% GDP, mật độ người dân trên diện tích gấp hơn mười lần cả nước. Do đó, “việc xây dựng smart city là hết sức cần thiết”, ông Cường nhấn mạnh.

Nhận diện về lợi thế, ông Cường cho rằng, TP.HCM đang có những lợi thế khi là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin, sở hữu nhiều nhân lực công nghệ cao, ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại... Tuy nhiên, ông Cường cũng chỉ rõ những thách thức triển khai smart city bao gồm: chính sách, nguồn lực tài chính, nhân lực để vận hành smart city…

Do vậy, “để xây dựng smart city, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn chính sách của Nhà nước, mà cần sự chung tay của các doanh nghiệp, sự đồng thuận và tham gia của đối tác và người dân”, ông Cường nói.

Để xây dựng smart city, không chỉ trông chờ vào nguồn vốn của Nhà nước, mà cần sự chung tay của cộng đồng.

Một trong những đơn vị tiên phong triển khai các ứng dụng smart city tại TP.HCM là Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai các ứng dụng smart city, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC cho biết, trong quá trình phát triển, QTSC gặp không ít khó khăn, thách thức trong hoạt động quản trị, điều hành như: đảm bảo hệ thống hạ tầng luôn sẵn sàng 24h/7ngày; quản lý trật tự, kiểm soát an ninh; nâng cao năng lực phục vụ nhu cầu ngày càng lớn, phức tạp của các doanh nghiệp và những học tập và làm việc...

Trong bối cảnh đó, QTSC đã phải tìm kiếm giải pháp quản lý nội khu nhằm giải quyết được các thử thách trước mắt, nhưng vẫn theo kịp xu hướng hội nhập quốc tế. Từ những kết quả đạt được ban đầu, QTSC đang mở rộng phát triển thêm các ứng dụng công nghệ, từng bước tích hợp dữ liệu, các ứng dụng trên một nền tảng và hướng tới nền tảng mở cho bên thứ 3 khai thác. “Việc ứng dụng mô hình đô thị thông minh vào QTSC là một trong những mục tiêu quan trọng để đưa QTSC sớm lọt vào top các khu phần mềm hàng đầu châu Á”, ông Long khẳng định.

Góp ý về xây dựng smart city, TS. Nguyễn Trọng, nguyên Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT cho rằng, 5 việc chính cần làm để xây dựng một smart city là: xác định những thông tin cơ bản mà người dân “bấm” là có và sẵn sàng trả tiền khi sử dụng các dịch vụ; tạo lập môi trường cho smart city gồm môi trường công nghệ và môi trường xã hội; kiến tạo hệ thống các cơ sở dữ liệu dùng chung, tức xây dựng nguồn lực thông tin; kiến tạo cơ chế suy luận, tìm kiếm, phân tích thông tin theo yêu cầu; chế tạo những “công tắc”, “vòi nước” cho hạ tầng kỹ thuật - dịch vụ thông tin, sao cho ai cũng sử dụng được chúng để có được thông tin cơ bản một cách dễ dàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư