Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Bóng cười vẫn gây hại, dù khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh
D.Ngân - 31/03/2021 14:59
 
Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp (Hải Phòng), bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân T.T.M. (20 tuổi, trú tại An Dương, Hải Phòng) bị tê bì, yếu 2 chân sau khi hút bóng cười.

TS.BS. Nguyễn Duy Mạnh, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp cho hay, bệnh nhân được chẩn đoán viêm đa dây thần kinh sau sử dụng bóng cười. Đến nay, sau khi điều trị tại Khoa Thần kinh, các triệu chứng của bệnh nhân đã được cải thiện, đỡ tê bì 2 chân và tự đứng lên được.

Bệnh nhân đang điều trị tại cơ sở y tế sau khi hút bóng cười.

Cũng theo bác sĩ Mạnh, thời gian qua cơ sở tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng bóng cười. Các bệnh nhân nhập viện chủ yếu là giới trẻ, chỉ ở độ tuổi 20. Bệnh nhân vào viện thường theo 2 dạng: 1 là ngộ độc cấp tính do dùng quá liều, 2 là dùng nhiều lần gây tổn thương thần kinh não, tủy sống, trầm cảm, tê yếu cơ, thiếu máu.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Medlatec cho biết gần đây cơ sở đã tiếp nhận nhiều ca bệnh đến khám với lý do tê bì chân tay do hút bóng cười.

Bệnh nhân B.H.Q, nữ, 27 tuổi (Ba Đình, Hà Nội) thường xuyên cảm thấy chân tay tê bì, yếu, tăng cảm giác mỏi khi vận động và dễ rơi đồ vật khi cầm sau một năm liên tục hít khí trong bóng cười với tần suất năm quả/đêm, 3-4 đêm/tuần.

Một trường hợp khác đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec có triệu chứng tương tự. Đó là bệnh nhân N.N.H, nam, 33 tuổi (Bắc Kạn), đã từng sử dụng ketamin, thuốc lắc, sử dụng không liên tục trong nhiều năm, đã dừng sáu tháng nay và có sử dụng bóng cười sáu tháng liền.

BSCKI. Nguyễn Đình Tuấn, chuyên khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết, hai trường hợp nêu trên là những hệ luỵ về sức khoẻ của người trẻ khi sử dụng bóng cười mà không phải ai cũng biết.

Đại diện Bệnh viện Đa khoa Medlatec khẳng định, bóng cười thực chất là những quả bóng bay được bơm loại khí có công thức hóa học là N2O (Dinitơ monoxit hay nitrous oxide). Loại khí này khi hít vào có khả năng tác động mạnh lên một điểm của hệ thần kinh gây cười, tạo cảm giác lâng lâng, sảng khoái cho người sử dụng.

Trước kia, khí N2O được ứng dụng trong y tế có tác dụng giảm đau, giải lo âu, tuy nhiên khi sử dụng quá liều sẽ gây tác hại đến hệ thần kinh và tim mạch. Hút khí này vào trong cơ thể gây tổn thương thần kinh ngoại biên và gây ảnh hưởng chu trình chuyển hóa vitamin B12. Gần đây, N2O cũng đang được sử dụng thay thế dần khí CO2 bơm vào ổ bụng trong phẫu thuật nội soi do độ an toàn tương đương nhưng lại có tác dụng giảm đau tốt hơn.

Theo TS.BS. Nguyễn Duy Mạnh, nếu sử dụng thường xuyên bóng cười có thể gây ra những rối loạn như tổn thương thần kinh ngoại biên, cảm giác châm chích ở đầu các chi, đi lại loạng choạng, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến chu trình chuyển hóa vitamin B12, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, suy tủy, giảm khả năng sinh sản. Trường hợp quá liều gây nguy hiểm như ngạt thở, tê liệt tay chân, trầm cảm thậm chí có nguy cơ tử vong cao.

Qua đây, bác sĩ Nguyễn Duy Mạnh khuyến cáo, người dân, đặc biệt giới trẻ không nên sử dụng bóng cười vì những tác hại của nó. Các bậc phụ huynh cần tăng cường công tác quản lý giáo dục con em tránh xa các chất gây nghiện này. Bản thân các em trong lứa tuổi vị thành niên, nhất là học sinh, sinh viên nên tự trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về tác hại khôn lường của bóng cười để nâng cao ý thức phòng ngừa, không để bị lôi kéo.

"Người dân, đặc biệt là giới trẻ không nên sử dụng bóng cười vì những biến chứng khôn lường gây nên. Đồng thời, cần duy trì lối sống lành mạnh bằng tập thể dục thể thao, ăn uống và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ để có cuộc sống vui khỏe”, chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp khuyến cáo.

Tháng 5/2019 Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội đồng ý với việc ngừng cho phép sử dụng khí N2O cho mục đích giải trí như dùng để bơm vào bóng cười, chỉ được sử dụng trong công nghiệp. Như vậy, việc sử dụng bóng cười (bơm bằng khí N2O) sẽ được xếp vào danh mục không được phép sử dụng giải trí.

Theo Bộ Y tế, khí N2O thuộc danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, chỉ được mua bán, sản xuất cho công nghiệp, không được sử dụng cho người.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư