Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Brexit và mối lo cho kinh tế toàn cầu
Bảo Trâm (DĐDN) - 12/06/2016 09:25
 
Dù tỷ lệ ủng hộ nước Anh ở lại Liên minh châu âu (EU) đang tăng lên, nhưng mối lo về Brexit vẫn đang lan rộng ra khắp mọi nơi khi ngày người dân Anh đi bỏ phiếu quyết định vấn đề này đang đến gần.
 Tỷ lệ người ủng hộ ở lại EU tại Anh đang chiếm đa số theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất
Tỷ lệ người ủng hộ ở lại EU tại Anh đang chiếm đa số theo một cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - Christine Lagarde cho rằng tác động của Brexit sẽ nằm trong khoảng từ khá xấu đến rất xấu. Theo báo cáo mới nhất về “Triển vọng kinh tế thế giới” mà IMF công bố, cú sốc Brexit sẽ làm đảo lộn kinh tế thế giới bởi những khó khăn được tạo ra từ Brexit sẽ tác động đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động.

Trước tiên, việc này làm tổn hại nước Anh, nhưng thậm chí nếu Anh phát triển mạnh sau khi rời khỏi EU thì tác động xấu vẫn diễn ra, bởi các nước thành viên EU khác sẽ đặt câu hỏi về tư cách thành viên của họ, và từ đó tạo ra hiệu ứng dây chuyền, gây nguy cơ làm đổ vỡ mô hình liên kết hiện nay của châu Âu.

Thủ tướng Đức - Angela Merkel cho biết, không có cuộc thảo luận chính thức nào về Brexit tại Hội nghị G7 vừa qua, nhưng nó được đề cập trong Tuyên bố chung, chứng tỏ rằng các nguyên thủ của G7 đều mong muốn nước Anh ở lại EU.

Thủ tướng Anh - David Cameron tuyên bố việc rời khỏi nhóm 28 nước có thể làm tổn hại tương lai kinh tế của nước ông và làm phức tạp hóa quan hệ thương mại với các nước khác. Ông khẳng định Brexit là một bước nhảy vào vùng tối khiến giá cả mọi thứ sẽ tăng lên. Nguy cơ suy thoái kinh tế là lý lẽ mà Thủ tướng Cameron đưa ra nhằm thuyết phục dân chúng ủng hộ Anh ở lại EU.

Theo tính toán của Chính phủ Anh, nếu Brexit xảy ra, GDP của nước này có nguy cơ tổn thất khoảng 100 tỷ GBP (145 tỷ USD) trong năm 2020. Thị trường lao động cũng sẽ mất khoảng 950.000 việc làm, đẩy tỉ lệ thất nghiệp lên tới 3% trong cùng năm. Trong khi đó, Bộ Tài chính Anh dự báo, Brexit sẽ lập tức làm cho đồng bảng Anh mất giá 12%, tác động tiêu cực đẩy giá thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí du lịch ở châu Âu.

Tổng thống Pháp - Francois Hollande cũng lên tiếng phản đối Brexit khi cho rằng: “Từ góc nhìn kinh tế, Brexit sẽ là một tin xấu cho Anh, cho cả thế giới chứ không riêng châu Âu”.

Brexit có thực sự xảy ra hay không thì vẫn phải đợi kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng theo kết quả thăm dò dư luận mới đây nhất, có vẻ như Brexit chưa chắc đã xảy ra. Theo cuộc thăm dò này, có tới 55% số người ủng hộ việc nước Anh ở lại so với 37% phản đối, số còn lại còn đang lưỡng lự, chưa có quyết định.

WEF: Brexit làm nóng bầu không khí Davos
Một trong những chủ đề nóng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) 2016, bên cạnh robot, giá dầu và Trung Quốc, chính là viễn cảnh nước Anh sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư