Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 05 năm 2024,
BSR chi 2.170 tỷ đồng để trả cổ tức
Hoàng Minh - 13/06/2023 17:34
 
BSR sẽ trả cổ tức bằng tiền năm 2022 cho cổ đông với tỷ lệ 7% vốn điều lệ (tương ứng 700 đồng/cổ phiếu), tổng số tiền dự kiến chi trả là hơn 2.170,3 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thông báo ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền nhận cổ tức bằng tiền năm 2022 là 23/8/2023. Nguồn chi trả là từ lợi nhuận sau thuế năm 2022. Ngày chi trả cổ tức là 27/9/2023.

Trước đó năm 2022, với sản lượng sản xuất và xuất bán đạt hơn 7 triệu tấn sản phẩm các loại, BSR đạt doanh thu 168.900 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 19.040,7 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 14.669,3 tỷ đồng, cao nhất từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành đến nay.

Nhờ đó, năng lực tài chính BSR đang ngày càng lớn mạnh sau khi đạt được kết quả kinh doanh vượt trội trong năm 2022. Giá trị tiền, tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn 25.025 tỷ đồng; giá trị nợ vay dài hạn bằng 0 do trong năm 2022, Công ty đã hoàn thành trả xong nợ vay dài hạn đầu tư nhà máy; dòng tiền hoạt động kinh doanh cả năm 2022 đạt 6.066 tỷ đồng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ mở rộng lên quy mô 171.000 thùng/ngày. Ảnh Petritimes
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ mở rộng lên quy mô 171.000 thùng/ngày. Ảnh Petrotimes

Năm 2023, BSR đặt kế hoạch doanh thu đạt 95.370 tỷ đồng; nộp ngân sách Nhà nước đạt 9.812 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế khoảng 1.721 tỷ đồng và sản lượng hơn 5,6 triệu tấn thành phẩm. Trong quý I, lợi nhuận ròng của BSR giảm 30% so với cùng kỳ xuống còn 1.629 tỷ đồng do tỷ suất lợi nhuận mảng xăng và hóa dầu thấp hơn.

Kết quả này cũng đã được dự báo từ sớm về việc sẽ khó có thể lập lại mức lợi nhuận kỷ lục như năm 2022 là năm có nhiều yếu tố thuận lợi, dị thường của thị trường.

Tuy nhiên, kết quả quý I/2023 cũng được đánh giá khá tích cực và với kết quả này, BSR gần như đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của cả năm 2023.
Các chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn, việc chuyển niêm yết cổ phiếu từ sàn UPCoM sang HoSE sẽ là động lực tăng giá tiềm năng cho BSR. Hiện tại, công ty chỉ còn thiếu một tiêu chí liên quan đến các khoản nợ quá hạn để được niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

BSR đang phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề này và đặt mục tiêu chuyển sàn trong quý III/2023.
Bên cạnh đó, BSR có tình hình tài chính lành mạnh, vững vàng, với số dư tiền mặt ròng là 22.900 tỷ đồng và hệ số nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu là -0,43 vào cuối quý 1/2023

Về dài hạn, Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất điều chỉnh đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5, tạo tiền đề để BSR triển khai dự án trong thời gian tới.

Với công suất mới là 171.000 thùng dầu/ngày, tổng mức đầu tư mới của dự án là 1,257 tỷ USD được nhà đầu tư cho là phù hợp với khả năng thu xếp vốn của mình.

Ở quy mô mới, tổng vốn đầu tư và cơ cấu nguồn vốn cũng có sự thay đổi. Cụ thể, tổng vốn đầu tư sẽ khoảng 31.240 tỷ đồng (24.858 đồng/USD) và nguồn vốn đầu tư cần thu xếp là 27.299 tỷ đồng, sau khi đã trừ thuế VAT được hoàn và chi phí đã thực hiện. Trong số này, vốn chủ sở hữu là 10.920 tỷ đồng, vốn vay là 16.379 tỷ đồng.

Dự án dự kiến đưa vào vận hành quý I/2028, sau 37 tháng thi công.

Với những triển vọng trong ngắn và dài hạn, cùng với tình hình tài chính vững mạnh của BSR, cổ phiếu BSR hiện đang đưa ra duy trì khuyến nghị “Khả quan” với giá mục tiêu là 22.600 đồng/cổ phiếu.

Hiện nay, trên thị trường, cổ phiếu BSR đang giao dịch ở mức giá 17.400 đồng/cổ phiếu (ngày 13/6), đã phục hồi đáng kể từ mức giá thấp nhất trong vòng 1 năm là 11.500 đồng vào ngày 15/11/2022 nhưng vẫn còn cách xa so với mức giá đỉnh vào ngày 17/6/2022 là 32.316 đồng/cổ phiếu ở lúc thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư