Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Bức tranh sáng của kinh tế Thanh Hóa năm 2018
Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn và một số dự án công nghiệp, xây dựng lớn đi vào hoạt động trong năm 2018 đã góp phần quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Thanh Hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay, tạo nhiều điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.
.
.

Tăng trưởng kỷ lục trên nền tảng vững chắc

Năm 2018, tỉnh Thanh Hóa đối mặt với khó khăn, bất lợi khi thiên tai, bão lũ gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống của nhân dân, bên cạnh đó, một số dự án chậm tiến độ so với kế hoạch. Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, cùng sự nỗ lực, phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, Thanh Hóa đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch các chỉ tiêu kinh tế đã đặt ra trong năm 2018.

Với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 15,16%, gấp 2,14 lần mức bình quân chung cả nước, GRDP bình quân đầu người ước đạt 1.990 USD, tăng 287 USD so với năm 2017, năm 2018 trở thành dấu mốc tăng trưởng, phát triển kinh tế cao nhất từ trước tới nay của tỉnh Thanh Hóa. Kết quả này đưa Thanh Hóa vào nhóm địa phương có tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế dẫn đầu cả nước.

Động lực chính cho tăng trưởng của tỉnh trong năm qua là ngành công nghiệp với hạt nhân là Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt 95.065 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2018 - mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Kết quả ấn tượng này đến từ sự đóng góp của các sản phẩm mới của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, cùng với mức tăng trưởng cao của các sản phẩm công nghiệp truyền thống như quần áo may sẵn, xi măng, điện sản xuất, thủy sản đông lạnh chế biến, thuốc lá, giày xuất khẩu…

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất bán sản phẩm dầu diesel (DO) cho khách hàng.
Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất bán sản phẩm dầu diesel (DO) cho khách hàng.

Ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá và khởi sắc trên nhiều lĩnh vực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 94.270 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,76 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ. Hoạt động du lịch diễn ra sôi động, ước đón 8,25 triệu lượt khách, tăng 15,3% so với cùng kỳ; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch được đầu tư mạnh mẽ, chất lượng các dịch vụ được nâng lên, góp phần thay đổi diện mạo du lịch của tỉnh. Các dịch vụ vận tải, bưu chính - viễn thông, ngân hàng… tiếp tục có bước phát triển nhanh, mạng lưới ngày một mở rộng, loại hình dịch vụ đa dạng, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân.

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều đợt thiên tai, lũ lụt, song ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn giữ ổn định và đạt kết quả khá toàn diện. Tổng sản lượng lương thực có hạt ước đạt 1,61 triệu tấn, hoàn thành mục tiêu đề ra; tái cơ cấu nông nghiệp được quan tâm thực hiện, đã chuyển đổi 4.400 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị cao hơn. Chăn nuôi có bước phát triển, sản lượng thịt hơi tăng 3,7%. Phát triển lâm nghiệp đạt kết quả tích cực, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Sản xuất thủy sản duy trì mức tăng trưởng khá, tăng 7,2% so với cùng kỳ.

Năm qua, hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến đầu tư của tỉnh đạt kết quả quan trọng. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước; tham dự các hội nghị, diễn đàn về xúc tiến đầu tư tại Nga, Pháp, Na Uy, Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công đoàn công tác cao cấp đi thăm và làm việc tại Cô-Oét, thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác với tỉnh Farwaniyah (Cô-Oét) để xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào tỉnh.

Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản, thuận tiện và rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp nhằm góp phần đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo. Theo đó, các Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Thanh Hóa có bước tiến đáng kể.

Môi trường đầu tư được cải thiện đã khai thông các dòng vốn đầu tư xã hội, thể hiện ở sự gia tăng dư nợ tín dụng ngân hàng, gia tăng vốn thông qua các dự án trong nước, dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép và vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập.

Năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 3.392 doanh nghiệp thành lập mới - con số cao nhất từ trước đến nay (gấp 2,2 lần so với năm 2016), tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2017 và vượt 13% so với kế hoạch; đưa Thanh Hóa trở thành địa phương đứng thứ 6 cả nước về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Lũy kế đến hết năm 2018, toàn tỉnh có khoảng 13.410 doanh nghiệp hoạt động, đạt 37,8 doanh nghiệp đang hoạt động/vạn dân; có khoảng 6.200 doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ hơn 40.000 tỷ đồng, tăng 11,05% so với đầu năm.

Đến ngày 31/12/2018, cả tỉnh thu hút được 258 dự án đầu tư trực tiếp (14 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 21.370 tỷ đồng và 96,3 triệu USD.

Huy động vốn đầu tư đạt kết quả quan trọng

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong năm 2018 tăng đột biến, lần đầu tiên vượt qua con số 23.000 tỷ đồng, ước đạt 23.041 tỷ đồng, vượt 6% dự toán, tăng 71,8% so với cùng kỳ.

Kết quả huy động vốn đầu tư phát triển năm 2018 đạt 103.500 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Trong năm, một số dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng như: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Dầu ăn Nghi Sơn, Khu đô thị mới phường Điện Biên (TP. Thanh Hóa); Nhà máy Bao bì Đại Dương, Nhà máy Bao bì xi măng Long Sơn, Thủy điện Cẩm Thủy 1.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh đã được khởi công xây dựng như: Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn II, Dự án số 1 - Khu đô thị mới Trung tâm TP. Thanh Hóa của Vingroup, Khu đô thị Đông Hải (TP. Thanh Hóa), Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn, Nhà máy chế biến gia cầm xuất khẩu Việt Avis… đã làm tăng thêm năng lực sản xuất, cải thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và góp phần tích cực vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư công có chuyến biến rõ nét, giá trị khối lượng thực hiện các dự án đạt 99,7% kế hoạch; giải ngân đạt 102,1% kế hoạch. Đây là tỷ lệ giải ngân cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, đưa Thanh Hóa đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhanh nhất cả nước (theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư)…

Có thể nói, những kết quả nổi bật nói trên là gam màu sáng trong bức tranh kinh tế - xã hội năm 2018 của Thanh Hóa, tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Thanh Hóa - điểm đến của các dự án đầu tư lớn

Trong năm 2018, nhiều dự án có quy mô lớn đã được chấp thuận đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa như: Khu phát triển GAS&LNG và các loại hình phụ trợ lọc hóa dầu tại Khu kinh tế Nghi Sơn (3.805 tỷ đồng); Khu nghỉ dưỡng sinh thái và nhà lưu trú khách du lịch Đảo Ngọc (1.611 tỷ đồng); Khu đô thị sinh thái biển Đông Á Sầm Sơn (3.800 tỷ đồng); Nhà máy viên nén gỗ Văn Lang Yufukuya tại Khu kinh tế Nghi Sơn (9,7 triệu USD); Nhà máy sản xuất tất và áo lót cao cấp tại xã Định Liên, Yên Định (35,45 triệu USD)…

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Sun Group, Vingroup, FLC, Tập đoàn Nguyễn Hoàng... đang tiếp tục đề xuất đầu tư các dự án quy mô lớn trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, hàng không, đô thị, đem đến những triển vọng phát triển mới cho Thanh Hóa trong thời gian tới.

IFC khảo sát chương trình hỗ trợ Thanh Hóa
Ngày 11/1/2019, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) do ông Kyle Kenhofer, Giám đốc cao cấp Tổ chức IFC khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia làm trưởng đoàn đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư