Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 09 tháng 09 năm 2024,
Bức tranh tổng thể kinh tế - xã hội sẽ sát thực tế hơn
Mạnh Bôn - 27/08/2024 09:22
 
Thay vì công bố tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng, quý, năm vào ngày 29 hàng tháng, kể từ tháng 9/2024 sẽ lùi thời gian công bố vào ngày 6 tháng sau. “Cần thay đổi để có bức tranh KTXH sát thực tế hơn”, bà Dương Thị Kim Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê) lý giải.
Bà Dương Thị Kim Nhung, Phó vụ trưởng Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê)

Nhìn ra thế giới, rất ít nước công bố báo cáo tình hình KTXH sớm như Việt Nam. Thưa bà, phải chăng ngành thống kê Việt Nam “đi trước” thế giới?

Các hoạt động thống kê Việt Nam từ khảo sát, điều tra, thu thập dữ liệu, xây dựng, biên soạn báo cáo thống kê, chỉ tiêu thống kê thực hiện theo thông lệ quốc tế, tương đồng với các nước trên thế giới. Phương pháp thống kê Việt Nam thực hiện theo khuyến cáo, quy định của Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc (UNSC) - là cơ quan cao nhất trong hệ thống thống kê quốc tế, có nhiệm vụ xây dựng và phê duyệt tiêu chuẩn thống kê toàn cầu. 

Cứ cuối tháng, cuối quý, Việt Nam có báo cáo tình hình KTXH, trong khi Trung Quốc phải sau ngày 15 của tháng sau, quý sau; còn nhiều nước ít nhất 45 ngày sau, thậm chí là 2 tháng sau mới có báo cáo của tháng, quý trước. Việt Nam công bố sớm không phải là “đi trước” thống kê thế giới, mà là do đặc thù.

Đặc thù điều hành KTXH của nước ta là vào tuần đầu tháng, đầu quý, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức họp để đánh giá tình hình thực hiện của tháng trước, quý trước, đặt ra nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác của tháng hiện tại, quý hiện tại, nên ngoài các loại báo cáo của bộ, ngành mình, địa phương mình, còn phải có báo cáo tổng hợp về tình hình KTXH trên bình diện cả nước với nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như tăng trưởng GDP, GRDP, xuất - nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, hoạt động của doanh nghiệp, thu chi ngân sách nhà nước, thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội...

Những số liệu này do Tổng cục Thống kê công bố, vì thế, cần phải công bố sớm (vào ngày 29 hàng tháng và ngày cuối cùng của tháng 2 hàng năm). Bởi nếu không có những số liệu này, thì từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương không có bức tranh tổng thể để đưa ra nhận định, đánh giá, dự báo, lên chương trình, kế hoạch làm việc.

Việc điều hành đã trở thành thói quen và đi vào nề nếp, tại sao phải dời thời điểm công bố tình hình KTXH sau một tuần (vào ngày 6 tháng sau), thưa bà?

Ưu điểm của việc công bố sớm báo cáo là giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có bức tranh tổng thể, toàn diện về KTXH để kịp thời chỉ đạo, điều hành, nhưng có khá nhiều hạn chế.

Theo đó, để kịp thời công bố, phổ biến số liệu vào ngày 29 hàng tháng, thì khâu thu thập, tổng hợp biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện từ rất sớm để Tổng cục Thống kê có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện trở lên và tất cả các bộ, ngành. Do thông tin thu thập quá sớm, dẫn đến không phản ánh đầy đủ, sát thực tế hoạt động của nền kinh tế. Số liệu thu thập sớm nên luôn có sự gối đầu từ tháng trước sang tháng sau, quý trước sang quý sau, nên không phản ánh đúng thuật ngữ số liệu trong tháng, trong quý.

Đối với thông tin, dữ liệu hành chính tổng hợp từ báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, do đặc thù thường gửi muộn hơn so với thời gian yêu cầu, nhiều chỉ tiêu, số liệu phải cập nhật lại sát thời điểm công bố, trong khi đó, thời gian kiểm tra, rà soát, tính toán, tổng hợp và biên soạn các chỉ tiêu tổng hợp rất gấp, rất ngắn, nên ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thống kê.

Phải chăng, việc công bố báo cáo tình hình KTXH quá sớm, buộc phải cập nhật lại khi có số liệu chính thức, khiến không ít chuyên gia kinh tế từng nghi ngờ số liệu do Tổng cục Thống kê công bố?

Nghi ngờ là quyền của mọi người. Nhưng như tôi đã nói, phương pháp thống kê Việt Nam thực hiện theo khuyến cáo, quy định của UNSC. Nhiều số liệu thống kê (trừ CPI) có số ước tính, số sơ bộ và số chính thức, các số liệu này có sự thay đổi, một số chuyên gia kinh tế chưa hiểu hết bản chất của thống kê nên có sự nghi ngờ. Nguyên nhân là do cập nhật số liệu khi chưa hết tháng, hết quý, thời gian còn lại phải ước tính để ra con số ước thực hiện nên khó có thể chính xác.

Đơn cử, thông tin, số liệu ước tính thu chi ngân sách nhà nước phục vụ cho biên soạn GDP của cả nước và GRDP trên địa bàn cấp tỉnh được Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) vào ngày 15 của tháng cuối quý, nên buộc phải ước tính cho 15 ngày còn lại, khiến số liệu rất khó sát thực tế vì 15 ngày của tháng cuối quý là thời gian ngân sách nhà nước thu được nhiều nhất so với 2,5 tháng trước đó, do đây là thời điểm tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nộp ngân sách nhà nước đối với các khoản thu nộp theo quý.

Chính vì vậy, việc công bố báo cáo tình hình KTXH vào ngày 29 hàng tháng đã dẫn đến xung đột, dễ gây hiểu nhầm cho người sử dụng thông tin thống kê đối với một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp do Tổng cục Thống kê công bố và do các bộ, ngành liên quan công bố, vì thời điểm công bố, thời kỳ số liệu khác nhau. Ví dụ, Bộ Tài chính gửi số liệu ước tính thu chi ngân sách nhà nước cho Tổng cục Thống kê vào ngày 15 hàng tháng, trong khi số liệu báo cáo của Bộ Tài chính cập nhật về tình hình thu chi ngân sách nhà nước đến ngày 28 hàng tháng, nên giữa 2 số liệu có sự khác biệt.

Thưa bà, do chưa hết tháng đã phải gửi số liệu cho Tổng cục Thống kê, nên tình trạng số liệu có sự khác biệt ở các lĩnh vực khác cũng tương tự như ngân sách nhà nước?

Thậm chí còn có sự khác biệt lớn hơn. Ví dụ, thông tin số liệu điều tra khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể của các đơn vị điều tra thống kê phải thu thập từ rất sớm (thường từ ngày 1 đến 12 hàng tháng), do vậy, phải ước tính số liệu ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo. Số liệu về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cả số dự án, vốn đăng ký mới, vốn đăng ký tăng thêm, vốn thực hiện chỉ cập nhật được đến ngày 20 hàng tháng. Thông tin, số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hàng tháng phải ước sớm hơn so với kỳ sản xuất nửa tháng. Đối với báo cáo 6 tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước, nên rất khó chính xác.

Ngay như số liệu về xuất nhập khẩu hàng hóa, Tổng cục Hải quan đã cố gắng cập nhật và gửi Tổng cục Thống kê sát ngày hoàn thiện báo cáo tình hình KTXH, nhưng vẫn còn một số ngày chưa hết tháng, buộc phải ước, nên tháng sau phải cập nhật lại. Chẳng hạn tháng 7/2024, Tổng cục Thống kê cập nhật lại số liệu xuất khẩu sơ bộ tháng 6, theo đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 6/2024 đạt 33,66 tỷ USD, cao hơn 568 triệu USD so với số ước tính đã được công bố vào ngày 29/6/2024. Kim ngạch nhập khẩu cũng phải điều chỉnh, có thể tăng, có thể giảm so với có số đã công bố trước đó. Vì vậy, tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu, tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023 và cán cân thương mại cũng phải điều chỉnh do cập nhật lại số liệu.

Như vậy, để có được số liệu chính xác hơn, cập nhật hơn, sát với thực tế hơn, cần phải lùi thời điểm công bố báo cáo tình hình KTXH. Thưa bà, việc lùi thời điểm công bố sẽ tác động thế nào đến công tác điều hành?

Từ trước đến nay, các bộ, ngành, địa phương có thói quen cập nhật và gửi báo cáo, số liệu cho Tổng cục Thống kê theo đúng ngày quy định, bây giờ lùi ngày, công việc sẽ nhiều hơn vì phải cập nhật toàn bộ thời gian trong tháng, trong quý. Việc này sau vài ba tháng sẽ trở thành thói quen mới, nên không có vấn đề gì.

Quan trọng là, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương họp thường kỳ vào đầu tháng, đầu quý để đánh giá lại công việc, nhiệm vụ của tháng trước, quý trước và đề ra công tác, chương trình, nhiệm vụ của tháng hiện tại, quý hiện tại, bây giờ lùi thời điểm công bố báo cáo thì Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cũng phải lùi cuộc họp thường kỳ sau ngày 6 hàng tháng, khiến việc lập kế hoạch, nhiệm vụ buộc phải gối đầu sang tháng sau, quý sau.

Đẩy nhanh hoàn thiện dự thảo Báo cáo Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội XIV
Nội dung Báo cáo nhằm đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư