Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Bức tranh xuất khẩu đang sáng dần
Thế Hải - 29/03/2024 07:20
 
Xuất khẩu quý I/2024 hé lộ rõ hơn những khoảng sáng khi nhiều ngành hàng tăng trưởng dương. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sớm nhận diện “khoảng tối” để đưa ra giải pháp vượt khó phù hợp.

Khoảng sáng xuất khẩu

Lô hàng 2 container cà phê hữu cơ, trọng lượng 40 tấn vừa được Công ty TNHH Vĩnh Hiệp xuất khẩu sang Nhật Bản - một trong những thị trường khó tính bậc nhất, áp nhiều tiêu chuẩn khắt khe nhất với nông sản.

Sau 2 năm đàm phán, lô hàng đầu tiên xuất đi thành công mở ra cho doanh nghiệp này con đường rộng mở hơn để chinh phục thị trường Nhật Bản cùng nhiều thị trường khó tính khác.

Đơn hàng hồi phục giúp các ngành xuất khẩu tỷ USD có được kết quả tăng khá trong quý I/2024. Chẳng hạn, tính đến ngày 15/3, doanh thu xuất khẩu toàn ngành cà phê đạt 1,574 tỷ USD, tăng 61,1% so với cùng kỳ; ước cả quý I đạt xấp xỉ 1,9 tỷ USD, mức kỷ lục của loại nông sản này.

Không riêng cà phê, những lô hàng thuộc nhiều ngành xuất khẩu chủ lực nối tiếp nhau đi ra thế giới đang tạo thêm động lực cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất.

Dệt may, sau năm 2023 lỡ hẹn mục tiêu 44 tỷ USD, đang đón nhận những tín hiệu sáng hơn, với xuất khẩu quý I ước đạt gần 9 tỷ USD…

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - Công ty cổ phần chia sẻ, xuất khẩu đang đón những tín hiệu tốt dần lên so với năm ngoái, nhưng khó khăn vẫn hiện diện không ít, do địa chính trị tiếp tục bất ổn và khó đoán định.

“Chúng tôi xuất khẩu nhiều sang Mỹ, EU - những thị trường đang chịu nhiều tác động từ bất ổn ở Biển Đỏ. Dù lúc này doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng quá nhiều do đặc thù của đơn hàng xuất đi EU là đối tác thuê tàu, chịu phí, nhưng do thời gian vận chuyển kéo dài, nếu không có giải pháp đẩy nhanh sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng của nhà nhập khẩu”, ông Việt nói.

Do đó, giải pháp của doanh nghiệp này trong bối cảnh hiện nay là đốc thúc tiến độ sản xuất nhanh nhất có thể để bù cho thời gian vận chuyển bị kéo dài thêm do căng thẳng ở Biển Đỏ.

Số liệu thống kê được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, kim ngạch xuất khẩu từ đầu năm đến ngày 15/3 đạt xấp xỉ 75,9 tỷ USD, tăng 20,57% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo số liệu thống kê đến hết tháng 2/2024, có tới 39/45 mặt hàng tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu của nhiều nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến đạt mức tăng trưởng cao, thậm chí tăng ở mức hai con số, trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ (tăng tới 43,8%); sắt thép (tăng 45,4%); giày dép (tăng 18,3%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (tăng 33,9%); hàng dệt may (tăng 15%)...

Nhận diện khoảng tối        

Dự báo mới nhất vừa được Ngân hàng Standard Chartered công bố cho thấy, tăng trưởng GDP quý I của Việt Nam đạt 6,1%, cao hơn 0,6% so với dự báo của Ngân hàng UOB (Singapore) đưa ra hồi giữa tháng này (5,5%). Cùng với đó, những dấu hiệu về sự hồi phục xuất khẩu đã rõ hơn.

Dự báo là vậy, nhưng nhìn từ diễn biến thực tế của thị trường toàn cầu và động thái của các nhà mua hàng, các doanh nghiệp vẫn tỏ ra thận trọng trước những “khoảng tối”, nhằm đưa ra giải pháp ứng phó phù hợp.

“Nhận diện 2024 tiếp tục khó với các nhà cung ứng trong nước vì tổng cầu dệt may chưa hồi phục hoàn toàn. Đó là lý do, May 10 đang lựa chọn đơn hàng theo hướng nhỏ lẻ, nhưng chất lượng cao, kết cấu sản phẩm phức tạp và thời gian giao hàng nhanh”, ông Việt chia sẻ.

Trong khi đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bắt tay doanh nghiệp ngoại để sản xuất những mặt hàng đặc thù, tiến vào thị trường ngách khi ký kết biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Coats (Anh) để sản xuất vải và trang phục chống cháy. Đây là phân khúc có tốc độ tăng trưởng nhanh, có tiềm năng phát triển lớn khi các tiêu chuẩn an toàn ngày càng khắt khe, được quy định tại nhiều thị trường lớn trên toàn cầu.

“Nghiên cứu sản xuất sản phẩm vải chống cháy là một trong những bước đi tìm đường thoát khỏi khu vực sản xuất dệt may thông thường, đang cạnh tranh rất khốc liệt về giá cả”, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex nói.

Trước mắt, Vinatex và Coats sản xuất trang phục chống cháy cho thị trường các nước phát triển như nhóm G7…

Trong nỗ lực đẩy mạnh kết nối giao thương, ký kết các đơn hàng xuất khẩu mới, năm nay, Bộ Công thương tổ chức chuỗi sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Vietnam International Sourcing 2024) từ đầu tháng 6. Theo đó, Việt Nam tiếp tục đón hàng trăm nhà mua hàng toàn cầu, với vai trò là đối tác chiến lược của chuỗi sự kiện tới tìm nhà cung ứng, như Walmart, Amazon, Uniqlo, Central Group, Coppel, Decathlon…

Ngành nông nghiệp có 5 nhóm hàng xuất khẩu hơn tỷ USD sau 2,5 tháng
Tính đến 15/3/2024, ngành nông nghiệp có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, lần lượt là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, thuỷ sản,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư