Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Bức xúc việc lợi dụng chống Covid-19 để tham nhũng
An Nguyên - 28/10/2020 15:29
 
Báo cáo Quốc hội trong ngày làm việc đầu tiên của tuần này, các cơ quan tư pháp đều đề cập tình trạng vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống Covid-19.

Đại biểu Quốc hội cũng đặt câu hỏi: doanh nghiệp phân phối thiết bị y tế nâng giá “cắt cổ” là “sân sau” của ai?

Vụ việc một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị y tế, đẩy giá dịch vụ lên cao gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Huy Cao
Vụ việc một số lãnh đạo, cán bộ Bệnh viện Bạch Mai liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị y tế, đẩy giá dịch vụ lên cao gây nhiều bức xúc trong dư luận. Ảnh: Huy Cao

Doanh nghiệp nâng khống giá thiết bị y tế là “sân sau” của ai?

Tiếp tục Kỳ họp thứ 10, đầu tuần này, ngày 26/10, Quốc hội nghe và thảo luận về công tác phòng chống tội phạm, tham nhũng.

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, đã phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19. Trong 9 tháng năm 2020, đã phát hiện, bắt giữ trên 258 vụ vi phạm, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khi thẩm tra Báo cáo Công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cũng cảnh báo, đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để tham nhũng, như vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Cụ thể, một số lãnh đạo, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, liên kết với nhà thầu để nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh…

Cơ quan thẩm tra cũng nhấn mạnh, thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng, như vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội.

Dẫn thông tin từ Ủy ban Tư pháp, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) phát biểu, kết quả điều tra vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội cho thấy, các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh.

“Có một điều đáng quan tâm và cần được điều tra làm rõ, đó là có hay không việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế trong vụ việc này hình thành một mặt bằng giá thiết bị y tế để đẩy các CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá cắt cổ, vì không còn con đường nào khác. Vậy những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, để phục vụ công tác khám chữa bệnh?”, ông Sơn đặt câu hỏi.

Một số đại biểu khác cũng bày tỏ bức xúc trước tình trạng lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật. “Cử tri lên án gay gắt và đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật khi các đơn vị chức năng mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và các hành vi nâng khống giá các thiết bị y tế, trục lợi từ chính sách xã hội hóa về dịch vụ khám, chữa bệnh”, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu ý kiến.

Cảnh báo nạn bảo kê máy gặt

Dành phần lớn phát biểu của mình để nói về nạn bảo kê máy gặt, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) nhấn mạnh, loại tội phạm này khiến người nông dân bất an khi bị giành giật miếng cơm trên chính mảnh đất của mình.

Theo bà Dung, vào mùa gặt, với mục đích thầu toàn bộ cánh đồng, những người này đã ép buộc người dân phải thuê máy gặt mà chúng đã nhận bảo kê với giá cao; nếu không đồng ý, chúng sẽ không cho gặt hoặc giữ lại lúa đã thu hoạch. Đối với chủ máy gặt ở ngoài địa bàn, nếu muốn hoạt động thì phải nộp cho chúng 20.000 đồng đến 30.000 đồng/sào và phải ký vào bản hợp đồng đã soạn sẵn. Thủ đoạn của chúng là theo dõi, canh chừng cánh đồng lúa, hễ thấy có máy gặt mới nào lạ thì chúng đến “hỏi thăm” và nếu không hợp tác thì đe dọa, đuổi, phá máy, hành hung. Nhiều chủ máy gặt vì muốn yên ổn làm ăn, nên đã nộp khoảng 2 triệu đồng/máy gặt hoặc phải nộp tiền tính trên đầu sào.

“Để xảy ra tình trạng như trên là do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm giải quyết, xử lý một cách triệt để. Việc bảo kê máy gặt ở nhiều địa phương không chỉ gây bất ổn an ninh, trật tự ở nông thôn, mà còn kéo việc theo các chủ máy gặt thổi giá lên cao để lấy thu bù chi và nạn nhân chính là người nông dân lao động. Bình quân một sào gặt ở ruộng cạn, công gặt là 120.000 đồng đến 140.000 đồng và khi bị bảo kê thì nâng lên khoảng 20.000 đồng đến 30.000 đồng/sào”, bà Dung phát biểu.

Khẳng định tình trạng bảo kê máy gặt xuất hiện ngày càng nhiều ở không ít địa phương từ năm 2016 đến nay, nhưng theo bà Dung, báo cáo của Chính phủ về thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề chất vấn, tại phần công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự ở khu vực nông thôn chưa đề cập hành vi này.

Đây là một loại tội phạm với hành vi mới, nhưng thực chất của là cưỡng đoạt tài sản của người dân, vì vậy, bà Dung đề nghị Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt, tăng cường lực lượng nắm địa bàn để ngăn chặn ngay từ gốc, xử lý nghiêm các hành vi bảo kê để bảo vệ thành quả lao động của người nông dân.

Lo bảo mật thông tin cá nhân

Phát biểu ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 đầu tuần này, đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) bày tỏ lo lắng trước tình hình bảo mật thông tin cá nhân, vì hiện nay, trên cả nước có hơn 68 triệu người sử dụng Internet (chiếm khoảng 70% dân số), nhưng hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế. Cùng với đó, chế tài hiện hành xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe, nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân.

Điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Điển hình gần đây là vụ việc vợ của nạn nhân trong vụ sạt lở Thủy điện Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong tài khoản, hay vụ việc 3 ngân hàng BIDV tại Phú Thọ đã bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

“Đây là vấn đề đáng lo ngại và được cử tri quan tâm, gửi kiến nghị tới Chính phủ”, bà Hà nhấn mạnh.

Không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh, thiên tai để trục lợi, tham nhũng
Việc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ không có vùng cấm, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xây dựng cơ chế phòng ngừa, thu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư