Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Bùng nổ vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam và nỗi lo rác công nghệ
Thùy Liên - 11/04/2017 08:11
 
Trung Quốc đã vượt Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kong trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Nam. Giới chuyên gia đang cảnh báo, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng yếu tố công nghệ đối với các nhà đầu tư này.

Tính đến hết tháng 3/2017, Hàn Quốc vẫn duy trì vị trí số một trong các nhà đầu tư vào Việt Nam. Thế nhưng, đáng chú ý hơn cả là Trung Quốc đã vượt các nhà đầu tư khác như Nhật Bản, Đài Loan và Hồng Kông để trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại Việt Năm.

Cụ thể, Trung Quốc có 66 dự án đăng ký mới và bổ sung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 0,82 tỷ USD. Như vậy, chỉ trông ba tháng đầu năm, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Năm đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước này trong cả năm 2016 (1,88 tỷ USD).

Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Online - Baodautu.vn về sự gia tăng chóng mặt của dòng vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam , ông Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) lý giải, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Tuy nhiên, lý do lớn nhất là Trung Quốc đang dư thừa vốn trong khi giá lao động tại quốc gia này lại tăng nhanh, khiến nhu cầu dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc tăng mạnh, điều này không chỉ diễn ra ở khối doanh nghiệp nước ngoài đang mà ngay cả với doanh nghiệp Trung Quốc.  

Việc nhà đầu tư Trung Quốc tăng đầu tư vào Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh các nước trong khu vực ASEAN đang cạnh tranh quyết liệt để hút vốn FDI. Tuy nhiên, sự gia tăng của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang kéo theo nỗi lo về công nghệ và môi trường. 

Ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cảnh báo: “Không phải Trung Quốc không có công nghệ hiện đại. Thậm chí, hiện nay Trung Quốc còn dẫn đầu thế giới về rô bốt sản xuất. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp Trung Quốc chuyển đổi sang sản xuất công nghệ cao thì sẽ dư thừa rất nhiều công nghệ cũ và không loại trừ họ sẽ “tống” các công nghệ này sang Việt Nam. Đây là điều chúng ta phải đề phòng”.

Bên cạnh nguy cơ nhập khẩu công nghệ, máy móc lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, một mối nguy khác được các chuyên gia chỉ ra khi các doanh nghiệp sản xuất của Trung Quốc ồ ạt đặt nhà máy ở Việt Nam, là nguy cơ bị kiện phá giá. Hiện Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn trên toàn cầu nên đẩy sản xuất sang nước khác để giảm thặng dư thương mại cũng là một cách được nhiều doanh nghiệp nước này áp dụng. Thực tế, rất nhiều doanh nghiệp thép, gỗ, may mặc… đang sản xuất ở Việt Nam được gắn mác “made in Vietnam”m song thực chất toàn bộ dây chuyền máy móc, công nghệ, nguyên liệu… lại được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tình trạng “made in Vietinam by Trung Quốc” này thực tế rất đáng lo, vì phía hưởng lợi hầu hết là doanh nghiệp nước bạn, song nếu có là Trung Quốc, song nếu có tai tiếng (ví dụ Mỹ kiện phá giá thép cán nguội Việt Nam vì nghi hàng Trung Quốc) hoặc có vấn đề môi trường (như Fomorsa) thì Việt Nam phải gánh chịu.

Không thể phủ nhận, Trung Quốc là mắt xích quan trọng của mạng sản xuất toàn cầu và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Việc vốn đầu tư từ thị trường này gia tăng đổ vào Việt Nam là dấu hiệu đáng mừng. Song cũng như với tất cả đối tác thương mại khác, Việt Nam phải thẩm định kỹ về yếu tố công nghệ, môi trường.

“Tiêu chuẩn môi trường của chúng ta không phải thấp so với thế giới, song vấn đề nằm ở chỗ giám sát và lựa chọn. Chúng ta có toàn quyền lựa chọn, vấn đề là chúng ta có làm hay không”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành bình luận.

FDI với sự phát triển không đều giữa các địa phương (Tiếp)
Thực tế cho thấy, những địa phương thu hút được nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì có trình độ phát triển kinh tế - xã hội...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư