Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau không để đứt gãy chuỗi cung ứng ngành thủy sản
Huy Tự - 23/07/2021 20:31
 
Cà Mau đã có nhiều giải pháp linh hoạt nhằm duy trì sản xuất, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, chế biến và cung ứng kịp thời đầu ra, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ nhất từ phải sang) kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống Covid-19 tại một đơn vị xuất khẩu thủy sản ở TP. Cà Mau
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ nhất từ phải sang) kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống Covid-19 tại một đơn vị xuất khẩu thủy sản ở TP. Cà Mau

Lên phương án sản xuất “3 tại chỗ”

Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của Covid-19 có nguy cơ lan rộng, nhất là tại các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản đông công nhân trên địa bàn tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chỉ đạo, để tổ chức sản xuất an toàn tại các nhà máy, xí nghiệp trong điều kiện dịch bệnh, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn cần chủ động xây dựng phương án sản xuất theo phương châm “3 tại chỗ”, là “sản xuất tại chỗ, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ”.

Các doanh nghiệp cần rà soát kỹ điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất tại các khu tập thể, nhà trọ, nhà ở cho công nhân theo hướng dẫn của ngành y tế. Đồng thời, doanh nghiệp cần nhanh chóng xây dựng kế hoạch, xây dựng phương án “3 tại chỗ” càng sớm càng tốt trên cơ sở sự hướng dẫn, phối hợp của Sở Công thương, Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.

Cà Mau hiện có hơn 279.851 ha nuôi tôm trong tổng số khoảng 302.635 ha nuôi trồng thủy sản. Ðặc biệt, trong đó có hơn 8.571,8 ha với khoảng 13.966 hộ nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh. Cùng với hoạt động nuôi trồng, hơn 4.567 phương tiện đang ngày đêm hoạt động khai thác trên biển cũng đóng góp không nhỏ vào sản lượng và sự đa dạng, phong phú các mặt hàng thủy sản cho thị trường trong và ngoài nước.

Tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt khoảng 303.700 tấn, trong đó sản lượng tôm đạt khoảng 107.040 tấn; sản lượng và diện tích ao nuôi đều tăng so với cùng kỳ, ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp và người nuôi trồng thủy sản Cà Mau trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài.

Công ty cổ phần Thủy sản Cà Mau (Seaprimexco) - đơn vị thực hiện thí điểm - khẩn trương hoàn thiện phương án để các ngành chức năng đóng góp ý kiến hoàn chỉnh, đưa vào vận hành thực tế, từ đó đánh giá hiệu quả và tính khả thi. Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) phối hợp với các bên liên quan hỗ trợ các nhà máy, xí nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để công nhân an tâm làm việc, không quá hoang mang, nhưng cũng không chủ quan trước dịch bệnh Covid-19.

Theo khảo sát, giá tôm đang có sự chênh lệch, do điều kiện thu mua ở các doanh nghiệp khác nhau. Ngoài ra, giá tôm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kháng sinh, vi chất trong tôm... Hiện tại, giá tôm sú tăng là do hết mùa, riêng giá tôm thẻ giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó, có nguyên nhân chủ quan là doanh nghiệp, người nuôi tôm lo sợ dịch bệnh, thu hoạch nhiều dẫn đến cung vượt cầu. Mặt khác, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, gió mùa Tây Nam làm cho các yếu tố môi trường thay đổi, các đầm tôm phải thu hoạch ngoài dự kiến.

Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đề nghị, Sở Công thương phối hợp với CASEP, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục rà soát, tìm hiểu kỹ giá thu mua bình quân của doanh nghiệp tại nhà máy, giá thu mua đại lý tại đầm nuôi. So sánh đối chiếu, xem xét có hay không dấu hiệu lợi dụng tình hình thời điểm khó khăn để ép giá, trục lợi từ khâu trung gian, để kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất chấn chỉnh (nếu có). Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương phối hợp cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác thông tin - tuyên truyền, khuyến cáo người nuôi tôm bình tĩnh, chỉ nên thu hoạch khi tôm đã đến lứa, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt sẽ gây tác động xấu đến thị trường.

Song song đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có Công văn số 3622/UBND-NNTN về phát triển sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Sở Công thương thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến, tình hình giá tôm trên thị trường, để có thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đưa ra khuyến cáo cần thiết phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ðồng thời, theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, đặc biệt là tình hình cung ứng giống, thức ăn, vật tư phục vụ sản xuất; kịp thời tham mưu thực hiện các biện pháp đảm bảo sản xuất của người dân trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặc biệt không để gián đoạn việc vận chuyển vật tư, hàng hóa phục vụ sản xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, TP. Cà Mau và các đơn vị chủ động nắm thông tin, dự báo, theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa trên thị trường, đặc biệt là giá cả các mặt hàng thiết yếu. Qua đó, tăng cường công tác phối hợp trong lưu thông, phân phối hàng hóa, không để xảy ra tình trạng sốt giá cục bộ; kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ giá cả thị trường và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm về giá, chất lượng hàng hóa, buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh, khan hiếm hàng hóa để tăng giá bán bất hợp lý, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau duy trì sản xuất, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch
Các doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau duy trì sản xuất, đồng thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg

Trong những ngày đầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đã đi kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại một số địa bàn trong tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở đường Quản Lộ Phụng Hiệp. Theo báo cáo của lực lượng làm nhiệm vụ tại đây, lượng xe tải chở hàng hóa vào địa bàn tỉnh giảm mạnh, chỉ bằng 1/3 ngày thường. Công tác kiểm tra, giám sát tại chốt được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Kiểm tra tình hình cung ứng hàng hóa tại Siêu thị Co.opMart Cà Mau và chợ nông sản phường 7 (TP. Cà Mau) cho thấy, lượng hàng hóa rất dồi dào, đặc biệt là các loại rau, củ, quả, trứng, thịt, cá, mì…, nhưng sức mua giảm mạnh. Giá cả các mặt hàng được niêm yết rõ ràng.

Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt đánh giá cao vai trò của Siêu thị Co.opMart Cà Mau trong việc cung ứng hàng hóa cho người dân trên địa bàn tỉnh và hy vọng trong thời gian tỉnh Cà Mau thực hiện giãn cách xã hội, Co.opMart Cà Mau sẽ luôn chủ động phương án điều tiết nguồn hàng, đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh nhắc nhở Ban Quản lý Chợ nông sản phường 7 tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương mua bán. Song song đó, phải thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức của tiểu thương và người mua hàng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; mua bán phải đảm bảo khoảng cách an toàn, thực hiện nghiêm quy định 5K, bán hàng đúng giá.

Cà Mau cũng công bố có 38 điểm lên/xuống hàng hóa tập trung và tại các điểm chợ nhằm phục vụ các đơn vị vận chuyển hàng hóa bằng ô tô từ các địa phương khác vào tỉnh để giao, nhận hàng hóa trong điều kiện Cà Mau không đóng cửa chợ truyền thống cũng như chợ tạm trong thời gian giãn cách, với điều kiện hoạt động mua bán tại các chợ phải đảm bảo biện pháp an toàn trong phòng, chống Covid-19.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, ngành công thương phải đảm bảo không xảy ra tình trạng thừa, thiếu hàng hóa cục bộ; các chợ, cơ sở mua bán phải niêm yết giá tất cả các mặt hàng và cam kết bán đúng giá. Nếu nơi nào không niêm yết giá, bán chênh lệch giá, thì sẽ bị xử lý.

Cà Mau xác định, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp đảm bảo sức khỏe an toàn nhất cho người dân. Các nhà máy, xí nghiệp vẫn hoạt động, nhưng các chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Nếu lượng người lao động quá đông, thì phải chia ca để đảm bảo giãn cách và phải đăng ký với ngành quản lý.

“Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động phải đảm bảo phương châm 3 tại chỗ (ăn, làm, nghỉ). Chủ cơ sở, doanh nghiệp phải cấp thẻ cho công nhân lao động để các lực lượng giám sát, làm nhiệm vụ dễ kiểm tra. Các đơn vị sử dụng lao động ngoài tỉnh, lao động nước ngoài vẫn hoạt động, nhưng phải áp dụng chặt các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời phải báo cáo cụ thể tình hình lao động với UBND cấp huyện, thành phố nơi có công trình, doanh nghiệp”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh.

Đề xuất phương án đầu tư tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau
Dự án đường cao tốcCần Thơ – Cà Mau dài khoảng 125 km sẽ được chia thành 2 dự án thành phần, trong đó có 109,5 km sẽ được ưu tiên đầu tư trong...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư