Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Cà Mau tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
D.P - 07/11/2019 17:42
 
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau vừa ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chỉ thị nêu rõ, thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và thu hút đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực; chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh được cải thiện; việc đối thoại, giải quyết tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp được quan tâm thực hiện; công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vẫn còn nhiều hạn chế; số lượng dự án đầu tư vào tỉnh còn ít, tiến độ thực hiện chậm; cải cách thủ tục hành chính có lúc, có nơi chưa hiệu quả; quy hoạch một số ngành, lĩnh vực thiếu đồng bộ; cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, theo dõi, giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các dự án có mặt chưa tốt; vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu trong giải quyết công việc đối với người dân và doanh nghiệp; hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp đầu tư chưa đồng bộ; chỉ số PCI của tỉnh đạt thấp.

.

Cà Mau tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực mạnh đầu tư vào tỉnh.

Do đó, để tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nội dung trọng tâm sau.

Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 01/01/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở phải xem công tác cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, quan trọng trong công tác chỉ đạo điều hành, là mục tiêu quan trọng trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu của việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức với người dân, doanh nghiệp, theo hướng thân thiện, đồng hành, chia sẻ.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm rà soát, cắt giảm mạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà, phức tạp; nghiên cứu, điều chỉnh các cơ chế, chính sách, thủ tục chưa phù hợp, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp nhằm tạo môi trường đầu tư thật sự thuận lợi, thông thoáng, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tiềm lực mạnh đầu tư vào tỉnh.

Tổ chức rà soát, xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm các cơ quan liên quan đối với kết quả thực hiện các chỉ số thành phần PCI của tỉnh, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để cải thiện và nâng thứ hạng về chỉ số PCI của tỉnh; phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong nhóm trung bình khá của cả nước vào năm 2020.

Khẩn trương hoàn thành quy hoạch tỉnh; tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các loại quy hoạch sử dụng đất, chú ý quy hoạch xây dựng phải đảm bảo đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, gắn với thực hiện công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp trên nhiều kênh khác nhau, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp cận. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch để phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện tốt các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp; quan tâm xây dựng hệ thống hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, thường xuyên phối hợp khảo sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu lao động cho doanh nghiệp, nhất là lao động có tay nghề cao.

Phát huy vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp, các hội ngành nghề trong tham gia đóng góp xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra sau cấp giấy chứng nhận đầu tư; thường xuyên tổ chức kiểm tra, rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án đầu tư. Đồng thời, kiên quyết xử lý các dự án vi phạm tiến độ theo quy định của pháp luật; bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thật sự thông thoáng, bình đẳng, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, tập trung lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và các kênh thông tin phù hợp để xúc tiến đầu tư, tăng cường quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Tăng cường công tác thanh tra hành chính, thanh tra công vụ; xử lý nghiêm các biểu hiện tắc trách, nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và cơ quan chức năng của cơ quan, đơn vị về việc thực hiện các chủ trương của Trung ương, của tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, công tác phòng, chống tham nhũng, về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.

Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy căn cứ Chỉ thị này và tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị chỉ đạo UBND các cấp, các sở, ngành chức năng xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp các ban đảng Tỉnh ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát và đôn đốc việc triển khai thực hiện Chỉ thị; định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đề án xuất khẩu lao động – Giải bài toán việc làm cho người lao động Cà Mau
Thực hiện “Đề án đưa lao động tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2018 – 2020”, tỉnh Cà Mau đã tập trung đẩy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư