Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 05 tháng 11 năm 2024,
Cà phê Ông Bầu tham vọng mở 10.000 quán
Bảo Giang - 01/07/2020 17:35
 
Lợi thế của cà phê Ông Bầu chính là sở hữu nhiều gương mặt tuyển thủ bóng đá danh tiếng, với lượng hâm mộ lớn.

Sáng 1/7/2020, 3 ông bầu gồm ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Nguyễn Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm Long An và ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty NutiFood đã sánh vai nhau trong buổi ra mắt quán cà phê Ông Bầu thứ 100 tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh Niên, TP.HCM

03 ông bầu Nguyễn Quốc Thắng; Đoàn Nguyên Đức và Trần Thanh Hải cùng sánh vai trong buổi ra mắt quán thứ 100 của thương hiệu cà phê Ông Bầu
Các ông bầu Nguyễn Quốc Thắng, Đoàn Nguyên Đức và Trần Thanh Hải cùng sánh vai trong buổi ra mắt quán thứ 100 của thương hiệu cà phê Ông Bầu

Ông Bầu tự tin?

Việc xuất hiện 3 ông “bầu” danh tiếng của bóng đá Việt Nam tất nhiên kéo theo sự xuất hiện của nhiều tuyển thủ quốc gia cùng có mặt như tiền vệ Xuân Trường, Minh Vương, Văn Thanh, Hồng Duy, cựu thủ môn của đội tuyển bóng đá nữ Kiều Trinh và đặc biệt là cả HLV Park Hang-seo.

Chia sẻ tại buổi ra mắt, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch NutiFood cho biết quán cà phê Ông Bầu đầu tiên xuất hiện vào tháng 2/2020 ngay trước khởi phát dịch Covid-19, nhưng chỉ trong 4 tháng, hệ thống đã phát triển được 100 quán trên quy mô cả nước và “hiện nay chúng tôi đang có trong tay hơn 500 yêu cầu được nhượng quyền phát triển mạng lưới thương hiệu cà phê Ông Bầu”.

Theo chia sẻ của các ông bầu, mỗi ly cà phê quán bán ra sẽ được trích 1.000 đồng cho Quỹ Phát triển tài năng trẻ bóng đá Việt Nam.

“Với 10.000 quán, trung bình mỗi quán bán 100 ly cà phê/ngày, thì mỗi ngày chúng tôi đã góp 1 tỷ đồng vào Quỹ Phát triển tài năng trẻ bóng đá Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Thắng chia sẻ.

Mốc 100 quán trong 4 tháng có thể xem là một thành công, nhưng để lên con số 10.000 quán có nhiều câu hỏi được đặt ra.

Theo đại diện NutiFood, điểm mạnh đầu tiên của cà phê Ông Bầu chính là thương hiệu Ông Bầu đang hoặc đã từng sở hữu nhiều gương mặt tuyển thủ bóng đá, với lượng hâm mộ rất lớn chính là một lợi thế khách hàng trong kinh doanh.

Một lợi thế khác nữa là chính các ông bầu cũng là một sức hút, nhưng chỉ có tính thu hút trong khởi điểm.

Theo chia sẻ của ông Trần Thanh Hải, thương hiệu cà phê Ông Bầu sẽ nhắm đến các khách hàng thuộc phân khúc bình dân với giá bán bình quân 16.000 - 30.000 đồng/ly. Ngoài cà phê, quán còn bán các loại nước giải khát phục vụ nhu cầu đa dạng của giới trẻ.

Một điểm nữa cũng được xem là lợi thế chí là nguồn nguyên liệu ổn định và hương vị cà phê được kiểm soát tốt về chất lượng. Theo ông Trần Thanh Hải, sản phẩm Ông Bầu được hình thành nhờ nguồn nguyên liệu từ nông trường CADA, vùng trồng cà phê nổi tiếng tại Đắk Lắk đã được người Pháp chọn lựa để trồng những cây cà phê Robusta đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1922. Nông trại này có sản lượng hơn 11.000 tấn cà phê/năm, gần 90% dùng để xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ...

Nhiều thách thức trước mắt

Theo một bản báo cáo công bố cuối 2019 của Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD/năm. Trong đó, 5 chuỗi cà phê lớn nhất mới chỉ chiếm 15,3 % thị phần, gồm Highlands Coffee, Starbucks, The Cofee House, Phúc Long và Trung Nguyên. Như vậy, 85% còn lại sẽ là miếng bánh lớn để Ông Bầu có đủ sức mở rộng độ phủ.

Trả lời câu hỏi thách thức lớn nhất của cà phê Ông Bầu là gì? Ông Võ Quốc Thắng cho biết chính là làm sao tìm ra mô hình kinh doanh khởi nghiệp hiệu quả tạo công ăn việc làm cho người lao động, xây dựng được thói quen uống cà phê thật và mô hình đó tự tạo được nguồn đóng góp ngược lại cho xã hội.

“Thử nghiệm trên rất nhiều mô hình, chúng tôi tìm ra được mô hình kinh doanh hiệu quả của ông Bầu là tổ chức theo mô hình quầy bar di động với chi phí đầu tư thấp từ 70 triệu đồng, đặt đúng vị trí sẽ dễ dàng có doanh số trung bình 1 ngày ít nhất từ 800.000 -1.200.000 đồng. Người lao động lấy công làm lãi sẽ có thu nhập tốt, người tiêu dùng thì được uống cà phê thật và mô hình này cũng đóng góp ít nhất vào Quỹ Phát triển Tài năng Việt được 30.000 - 40.000 đồng một ngày”.

Không trả lời câu hỏi cà phê Ông Bầu sẽ xác định ai là đối thủ cạnh tranh chính, nhưng trên cơ sở xác định giá và theo phân tích của các chuyên gia đối thủ chính của cà phê Ông Bầu sẽ nằm trong phân khúc trung bình thấp, các thương hiệu đang “tung hoành” phân khúc này gồm Milano (hiện đang sở hữu hơn 1.400 cửa hàng), Passion, Bike Coffe, Viva Star...

Đó là chưa kể còn hai đối thủ rất tiềm năng khác đang có kế hoạch mở rộng tương tự là chuỗi Hi-café của Vinamilk và mô hình take-away Nescafé Hub của Nestlé. Cả hai mô hình này đều được Vinamilk và Nestlé thử nghiệm tại TP.HCM và Hà Nội để thăm dò phản ứng khách hàng và sẽ mở rộng trong năm tới.

Nói cách khác, thách thức thành công của Ông Bầu sẽ còn rất lớn và đang chực chờ phía trước.

Dấu hỏi về tham vọng chuỗi cà phê của Vinamilk
Ngành bán lẻ chuỗi cà phê ở Việt Nam vốn đã sôi động, lại thêm nhộn nhịp khi công ty sữa lớn nhất Việt Nam là Vinamilk công bố ý định thâm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư