Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Các loại thuốc điều trị Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam
D.Ngân - 16/08/2021 13:24
 
Bộ Y tế đã ban hành và nhiều lần cập nhật phác đồ điều trị Covid-19 tại Việt Nam, dựa trên tình hình thực tế của người bệnh. Trong đó, nhiều loại thuốc mới được đưa vào sử dụng.

Trên thế giới, thuốc điều trị Covid-19 đang được các chuyên gia, hãng dược ráo riết tìm kiếm. Nhiều ứng viên có kết quả thử nghiệm lâm sàng hứa hẹn trong việc giảm tải lượng virus, giúp bệnh nhân nhanh chóng hồi phục và xuất viện.

 Từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Tại Việt Nam, một số loại thuốc đã được Bộ Y tế chấp thuận và có hướng dẫn cụ thể khi điều trị bệnh nhân Covid-19 là Remdesivir, Molnupiravir và Xuyên tâm liên.

Remdesivir là thuốc kháng virus được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ 22/10/2020.

Với khả năng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm mạnh tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng, Remdesivir đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ..., đưa vào phác đồ điều trị từ tháng 5/2020.

Molnupiravir được Bộ Y tế chỉ định trong phác đồ chữa Covid-19 tại nhà. Đây cũng là dược phẩm được kỳ vọng là thuốc kháng virus đầu tiên bằng đường uống.

Từ ngày 16/8, Bộ Y tế phối hợp TP.HCM triển khai chương trình chăm sóc tại nhà (home-based care) có kiểm soát cho các trường hợp F0 ngoại trú. Trong đó, ngành Y tế sẽ sử dụng thuốc Molnupiravir.

TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên thí điểm chương trình điều trị tại nhà từ ngày 16/8, dành cho các F0 không triệu chứng, tình trạng vừa đến nhẹ.

Các F0 sẽ được lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; cung cấp hộp thuốc home-based care cùng một số sản phẩm nâng cao sức khỏe, đồng thời hỗ trợ tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Ngoài hai loại trên, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 đã quyết định sử dụng Xuyên tâm liên được dùng cho F0 thuộc giai đoạn nhẹ và vừa, dựa trên chỉ dẫn phác đồ điều trị kết hợp Đông và Tây y.

Việt Nam cân nhắc điều này khi các nước như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc…, có đánh giá hiệu quả khi sử dụng Xuyên tâm liên trong điều trị Covid-19.

Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, virus phổ rộng, xuyên tâm liên cũng có hiệu quả tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhiễm trùng ở các cơ quan khác, như viêm đường tiết niệu, viêm âm đạo, khí hư, viêm nhiễm đường ruột. 

Ngoài ra Xuyên tâm liên còn được sử dụng trong điều trị các bệnh về gan, sốt, tiêu chảy cấp tính, tăng huyết áp, thủy đậu, bệnh phong, sốt rét, đắp ngoài hoặc làm nước tắm chữa mụn nhọt, ghẻ lở…

Theo Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 275.044 ca nhiễm, đứng thứ 78/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 172/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 2.798 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4, từ ngày 27/4/2021 đến nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 271.037 ca, trong đó có 99.730 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Theo Bộ Y tế, nước ta có thêm 5.519 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 15/8. Tổng số ca được điều trị khỏi đến nay là 102.504 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 589 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 18 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tính đến 15/8 là 5.774, xếp thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính theo tỷ lệ tử vong trên một triệu dân, Việt Nam xếp vị trí 158/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu dân có 59 người tử vong do Covid-19).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư