Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Đồng ý thử nghiệm trên người thuốc điều trị Covid-19 "Made in VietNam"
D.Ngân - 10/08/2021 12:01
 
Thuốc điều trị Covid-19 VIPDERVIR có nguồn gốc dược liệu, có tác dụng ức chế phát triển virus SARS-CoV-2 khi thử nghiệm trên động vật.

Ngày 10/8, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm) đã phối hợp với Bộ Y tế tổ chức buổi họp báo trực tuyến công bố kết quả nghiên cứu thuốc điều trị Covid-19.

Các nhà nghiên cứu đang chịu áp lực đáng kể trong cuộc đua tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19, nhằm ngăn các ca Covid-19 trở nặng và giảm áp lực lên các cơ sở y tế.

Trước đó, ngày 7/8, Hội đồng Đạo đức (Bộ Y tế) đã thống nhất phê duyệt đề cương nghiên cứu lâm sàng thuốc từ dược liệu Việt Nam Vipdervir trên bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung tương.

Thuốc điều trị Covid-19 VIPDERVIR do nhóm nghiên cứu, đứng đầu là PGS.TS Lê Quang Huấn của Viện Công nghệ sinh học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp.

Thuốc VIPDERVIR có nguồn gốc hoàn toàn từ các dược liệu tại Việt Nam. Thuốc được đánh giá có khả năng ngăn cản sự bám dính của virus với tế bào chủ, làm mất khả năng xâm nhập của virus vào trong tế bào chủ. 

Thuốc cũng có khả năng ức chế khả năng nhân lên của vi rút trong tế bào, nghĩa là đối với những hạt virus đã xâm nhập vào bên trong tế bào chủ cũng sẽ mất khả năng tăng sinh. Thuốc còn có khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch để chúng nhận biết, phong tỏa và loại trừ các hạt virus.

GS.TS Lê Quang Huấn, Chủ nhiệm đề tài khẳng định, kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và khả năng ức chế phát triển SARS-CoV-2 cũng như tăng cường miễn dịch. Đây là cơ sở sở khoa học quan trọng để chúng tôi đề nghị tiếp tục nghiên cứu hiệu quả điều trị Covid-19 trên người bệnh ở giai đoạn lâm sàng.

Theo quy định, thuốc VIPDERVIR cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng để có thể đánh giá hiệu quả điều trị Covid-19 trước khi sử dụng đại trà. Ông Huấn cũng bày tỏ mong muốn làm thế nào để rút ngắn thời gian thử nghiệm lâm sàng, qua đó giúp thuốc sớm được đưa vào sử dụng trong điều kiện đặc biệt của đại dịch hiện nay.

Hiện thuốc cũng được nhóm nghiên cứu xây dựng quy trình tạo viên nén trên cơ sở các thảo dược Việt Nam (đáp ứng tiêu chuẩn Dược điển), đảm bảo khả năng sản xuất kịp thời phục vụ phòng, chống dịch.

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ đào tạo, Bộ Y tế đánh giá cao kết quả sản phẩm ở bước tiền lâm sàng, sau đó sẽ được đánh giá trên lâm sàng. 

Sau thử nghiệm lâm sàng sẽ có cơ quan thẩm định và cấp phép. Bộ Y tế hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành nghiên cứu lâm sàng. 

Để thử nghiệm trên người sẽ mất khoảng 2-3 tháng, sau đó là đánh giá giữa kỳ tổng hợp kết quả thử nghiệm. “Dự kiến cuối năm 2021 có thể cấp phép lưu hành thuốc khi có các kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu", ông Quang nói.

Cùng với thuốc điều trị VIPDERVIR, trước đó, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã nghiên cứu thành công phương pháp mới trong việc tổng hợp thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.

Favipiravir là thuốc có cơ chế hoạt động tương tự như Remdesivir nhưng được sử dụng ở đường uống và lần đầu tiên được sử dụng chống Sar-Cov-2 ở Vũ Hán. Loại thuốc này cũng được chấp thuận sử dụng ở Ý, Nhật, Nga và một số nước khác.

Các chuyên gia dịch tễ học khắp thế giới cho rằng, SARS-CoV-2 và các biến chủng của loại virus này sẽ không biến mất hoàn toàn, mà tồn tại giống như cúm mùa. Vì thế, việc phát triển các loại thuốc uống chữa Covid-19, giảm thiểu khả năng nhập viện cho người bệnh là rất cần thiết.

Các nhà nghiên cứu đang chịu áp lực đáng kể trong cuộc đua tìm ra phương pháp chữa trị Covid-19, nhằm ngăn chặn các ca Covid-19 trở nặng và giảm áp lực lên các cơ sở y tế.

Hiện thế giới có nhiều công trình nghiên cứu thuốc kháng virus để điều trị Covid-19. Trong đó, những ông lớn trong ngành dược như Merck và Pfizer đang tiến gần nhất tới đích với phương pháp điều trị kháng virus SARS-CoV-2 đường uống. Loại thuốc tiềm năng của Merck được gọi là Molnupiravir, vốn được phát triển cách đây vài năm với mục đích ban đầu để kháng virus cúm. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả đầy hứa hẹn của Molnupiravir đối với cả SARS-CoV-2 và virus gây Hội chứng hô hấp Trung Đông. Molnupiravir hiện đang được thử nghiệm trên người ở giai đoạn 3.

Chính phủ Mỹ gần đây đã đặt hàng trước 1,7 triệu liều Molnupiravir, với chi phí 1,2 tỷ USD. Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch, doanh nghiệp hy vọng loại thuốc này sẽ được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp cuối năm 2021.

Đến nay, đã có 5 hãng dược của Ấn Độ ký hợp đồng với Merck để thử nghiệm Molnupiravir dùng cho bệnh nhân Covid-19 ngoại trú.

Loại thuốc kháng virus SARS-CoV-2 tiềm năng thứ hai của Pfizer nghiên cứu có tên là PF-07321332. Đây là thuốc kháng virus đường uống đầu tiên được thử nghiệm lâm sàng trên người được thiết kế đặc biệt để nhắm mục tiêu là virus SARS-CoV-2.

So với một số loại thuốc dùng cho điều trị người mắc Covid-19 phải sử dụng ở bệnh viện, PF-07321332 được chế tạo để có thể đơn giản uống bên ngoài bệnh viện ngay từ khi mới mắc Covid-19.

Các thử nghiệm giai đoạn 1 với PF-07321332 bắt đầu vào đầu năm 2021. Pfizer chưa công bố kết quả chính thức nào của giai đoạn 1 nhưng gần đây thông báo giai đoạn thử nghiệm 2 sẽ bắt đầu vào tháng 8, cho thấy dữ liệu ban đầu khả quan. 

Một doanh nghiệp của Nhật Bản tên là Shionogi hiện đang trong giai đoạn 1 thử nghiệm một chất ức chế protease tương tự đối với virus SARS-CoV-2.

Được gọi là S-217622, đây là một loại thuốc kháng virus đường uống khác được hy vọng cũng là loại thuốc dễ uống trong giai đoạn đầu của người mắc Covid-19. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu tại Đại học Illinois Chicago (UIC-Mỹ) đang phát triển một loại thuốc tiềm năng điều trị Covid-19 với 6 triệu USD tài trợ từ Bộ Quốc phòng Mỹ. 

Gần đây nhất, ngày 20/7/2021, thuốc Ronapreve (gồm bộ đôi kháng thể đơn dòng Casirivimab và Imdevimab) do Công ty Dược phẩm Regeneron (Mỹ) hợp tác với Roche - hãng dược của Thụy Sĩ phát triển đã được Bộ Y tế Nhật Bản thông qua khẩn cấp, mở ra cơ hội mới để ngăn các ca Covid-19 trở nặng và giảm áp lực lên các cơ sở y tế.

Trước đó, loại thuốc này từng được cựu Tổng thống Mỹ Donal Trump sử dụng khi ông mắc Covid-19 vào năm 2020 và đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua để sử dụng khẩn cấp vào tháng 11/2020. Tại Ấn Độ, thuốc được bảo quản ở nhiệt độ 2 - 8 độ C; giá bán sau thuế là 800 USD/liều.

Ông Levi Garraway, Giám đốc y tế, Trưởng bộ phận Phát triển sản phẩm toàn cầu của Roche cho biết, Ronapreve đã được chứng minh có thể tăng tỷ lệ sống sót ở những người có nguy cơ cao, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân mắc Covid-19 không nhập viện. Thuốc có thể duy trì hoạt động chống lại các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta.

Ngoài Ronapreve, các nhà khoa học Israel mới đây thông báo đã tìm ra được 3 loại thuốc có sẵn trên thị trường, có triển vọng tốt trong điều trị bệnh nhân Covid-19, đó là Darapladib - chuyên điều trị chứng xơ vữa động mạch; Flumatinib - thuốc điều trị ung thư và một loại thuốc điều trị HIV.

Giáo sư Isaiah Arkin, chuyên gia sinh học tại Đại học Hebrew chia sẻ, trong thực nghiệm, các nhà khoa học đã đưa các loại thuốc trên vào virus SARS-CoV-2 và tế bào vi sinh trong các ống nghiệm. Kết quả cho thấy, thuốc có khả năng bảo vệ tế bào trước sức tấn công của virus, với mức độ hiệu quả gần như là 100%. Trong tình huống bình thường, khoảng 50% tế bào sẽ chết sau 2 ngày tiếp xúc, phơi nhiễm với virus.

Toàn cảnh những vắc-xin Covid-19 đang được sử dụng tại Việt Nam
Đến thời điểm hiện nay, có 6 loại vắc-xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư