Chủ Nhật, Ngày 20 tháng 07 năm 2025,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Các ngân hàng rầm rộ báo lãi; Cởi trói cho vàng có khiến cầu đầu tư tăng vọt?
H.T - 20/07/2025 09:45
 
Tín dụng tăng mạnh, ngân hàng bão lãi lớn nửa đầu năm, cởi trói cho thị trường vàng, cuộc đua thị phần tín dụng sẽ ra sao khi bỏ room tín dụng... là tiêu điểm ngân hàng tuần qua.

Hội đồng Vàng thế giới: Vàng nửa cuối năm có thể tăng tới 15%, khả năng giảm giá khó xảy ra

Trong Báo cáo GoldMid-Year Outlook 2025 vừa công bố ngày 15/7/2025, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho biết, nửa đầu năm nay, vàng đã tăng 26% tính theo USD. USD yếu, lãi suất đi ngang và môi trường kinh tế, địa chính trị đầy bất ổn đã thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đầu tư vào vàng.

Nhận định về triển vọng giá vàng nửa cuối năm, WGC đưa ra 3 kịch bản.

Theo kịch bản cơ sở, giá vàng sẽ đi ngang nửa cuối năm, khả năng tăng giá cao nhất 5% trong giả định các dự báo kinh tế và thị trường hiện nay là chính xác, điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định.

Trong kịch bản kinh tế suy yếu, áp lực lạm phát đình trệ gia tăng, căng thẳng địa chính trị leo thang, nhu cầu trú ẩn vào vàng gia tăng, giá vàng sẽ tăng 10-15% nửa cuối năm.

Ngược lại, trong kịch bản nếu các xung đột toàn cầu được giải quyết, giá vàng sẽ giảm 12-17%. Tuy nhiên, WGC nhận định, khả năng này khó có thể xảy ra với bối cảnh hiện nay. 

Khảo sát của WGC với 73 ngân hàng trung ương cho thấy, khoảng 95% tin rằng các nước sẽ tiếp tục gia tăng nắm giữ vàng trong năm tới. Trong đó, nguồn vàng nội địa đang được xem là lựa chọn chiến lược để đạt mục tiêu này.

Thay vì chọn nhập khẩu, vốn tiêu tốn lượng lớn ngoại tệ, nhiều nước đang chuyển hướng sang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nội địa. Theo WGC,  hiện có 19 trong số 36 ngân hàng trung ương được khảo sát đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ nhỏ và mỏ thủ công trong nước, bằng đồng nội tệ. Ngoài ra, 4 ngân hàng khác đang cân nhắc triển khai phương án này. 

Các chuyên gia WGC cho rằng, cách tiếp cận này vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp giảm áp lực lên dự trữ ngoại hối, giúp tăng dự trữ quốc gia mà không phải chi ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ ngành khai thác vàng nội địa phát triển. Ngoài ra, tạo công ăn việc làm trong nước và tăng nguồn thu cho ngân sách.

Theo báo cáo của WGC, mặc dù các quốc gia như Philippines và Ecuador đã thực hiện điều này trong nhiều năm, nhưng ngày càng nhiều ngân hàng trung ương khác đã bắt đầu tăng cường hoặc đang xem xét việc mua vàng trực tiếp tại thị trường địa phương. Số ngân hàng trung ương được khảo sát đang mua vàng trực tiếp từ các mỏ trong nước tăng đáng kể so với năm ngoái (số ngân hàng trung ương được khảo sát năm 2024 áp dụng hình thức mua vàng nội địa chỉ là 14/57).

Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng ngân hàng trung ương tại WGC, ông Shaokai Fan cho biết: “Chúng tôi đang thấy xu hướng ngày càng rõ rệt tại các quốc gia châu Phi và Mỹ Latinh, nơi các mỏ vàng quy mô nhỏ phát triển mạnh nhờ giá vàng cao và ngân hàng trung ương tận dụng nguồn cung này để tích trữ. Các ngân hàng trung ương của Colombia, Tanzania, Ghana, Zambia, Mông Cổ và Philippines hiện đang sử dụng nguồn vàng từ mỏ nội địa để xây dựng dự trữ quốc gia”.

Riêng tại Ghana, Cơ quan Quản lý Vàng Quốc gia đã ký kết thỏa thuận với nhiều doanh nghiệp khai thác, yêu cầu bán 20% sản lượng cho ngân hàng trung ương. Tương tự, từ tháng 9/2024, Chính phủ Tanzania cũng ban hành quy định bắt buộc các công ty khai thác và xuất khẩu vàng phải giữ lại ít nhất 20% sản lượng để bán cho ngân hàng trung ương nước này.

Cởi trói” cho thị trường vàng

Hạn chót về thời điểm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải trình Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng lên Thủ tướng Chính phủ đã qua (15/7). Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng kỳ vọng nghị định sửa đổi sẽ sớm được ban hành, “cởi trói” cho thị trường vàng.

Cung tăng có thúc đẩy nhu cầu đầu tư?

Một trong những sửa đổi quan trọng mà Dự thảo Nghị định đưa ra là xóa bỏ độc quyền vàng miếng, độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu. Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đáp ứng điều kiện đều được phép nhập khẩu và sản xuất vàng miếng.

Theo giải trình của NHNN, hạn mức nhập khẩu vàng hàng năm sẽ được cơ quan này cân đối dựa trên tình hình kinh tế vĩ mô, mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, dự trữ ngoại hối quốc gia và tình hình xuất nhập khẩu vàng miếng, vàng nguyên liệu.

Chia sẻ với phóng viên, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại là cần thiết. Thực tế, nhập khẩu vàng không chỉ để phục vụ nhu cầu sản xuất vàng miếng, mà còn phục vụ sản xuất vàng trang sức, hướng tới xuất khẩu.

“Cách đây 20 năm, xuất khẩu trang sức của Thái Lan đã đạt trên 2 tỷ USD và năm 2023 đạt gần 9 tỷ USD. Trình độ, năng lực của doanh nghiệp, thợ kim hoàn Việt Nam không thua kém. Tuy nhiên, bấy lâu nay, ngành vàng trang sức của Việt Nam luôn trong cảnh không được nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất, vì vậy, cho nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất là vô cùng cần thiết”, ông Phong nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thị trường tài chính và bất động sản toàn cầu khẳng định, tăng cung vàng sẽ “cởi trói” cho doanh nghiệp.

Việc tăng cung vàng có thể sẽ khiến người dân đổ tiền nhiều hơn vào vàng, thậm chí tạo ra cơn sốt ở những thời điểm giá vàng thế giới tăng mạnh. Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Hiếu, việc bỏ độc quyền và cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu trở lại sẽ giúp thị trường cạnh tranh, ổn định hơn. Ngoài ra, cung vàng tăng cũng sẽ giúp giá vàng trong nước hạ nhiệt, giảm chênh lệch với giá vàng thế giới. Đồng thời, khi vàng không còn khan hiếm, tâm lý đầu cơ, tích trữ của nhiều người sẽ giảm.

Dự thảo Nghị định sửa đổi cũng tăng cường tính minh bạch trong giao dịch vàng (xác định danh tính người mua vàng; giao dịch từ 20 triệu đồng trở lên phải chuyển khoản; bắt buộc ghi nhận số sê-ri vàng miếng trên chứng từ...). Điều này sẽ giúp xác minh nguồn gốc vàng giao dịch, hạn chế tình trạng rửa tiền, tham nhũng qua vàng.

Thận trọng với sàn vàng

Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, Hiệp hội Kinh doanh vàng kiến nghị NHNN nghiên cứu, xây dựng hành lang pháp lý và lộ trình cho phép triển khai thêm các sản phẩm để hỗ trợ thanh khoản thị trường như vàng kỳ hạn, chứng chỉ vàng, sàn giao dịch vàng quốc gia…

Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, việc lập sàn giao dịch vàng quốc gia sẽ làm giảm rất nhanh chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới. Với quốc gia có lượng tiêu thụ vàng lớn như Việt Nam, việc này là cần thiết.

Tuy vậy, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc lập sàn vàng phải cực kỳ cẩn trọng, vì Việt Nam đã có bài học đắt giá. Nếu không kiểm soát tốt, sàn vàng có thể dẫn tới tình trạng đầu cơ quá mức, gây mất ổn định vĩ mô, đặc biệt là khó kiểm soát tỷ giá.

Về phần mình, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận định, sàn vàng sẽ giúp các giao dịch minh bạch hơn, giá được cập nhật theo thời gian thực, phù hợp với biến động giá vàng thế giới. Tuy nhiên, nếu lập sàn vàng thì chỉ nên là sàn vàng hàng hóa, không nên cho phép giao dịch vàng chứng chỉ vì rủi ro cao.

Được biết, trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, cơ quan soạn thảo không đề cập đến sàn vàng. NHNN cho hay, sau khi nghị định được ban hành, NHNN sẽ rà soát, sửa đổi bổ sung những quy định liên quan để tạo cơ sở cho các ngân hàng thương mại cung ứng sản phẩm phái sinh về vàng.

Các doanh nghiệp khi sử dụng công cụ phái sinh sẽ thực hiện hạch toán theo quy định của Bộ Tài chính tại Thông tư 210/2009/TT-BTC, hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính tại Việt Nam.

NHNN cũng sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét việc bổ sung vàng vào danh mục hàng hóa được phép giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hóa, theo quy định tại Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung). Hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản cũng sẽ được nghiên cứu, hướng dẫn cùng với việc hình thành Sở Giao dịch vàng tập trung.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đề nghị NHNN nghiên cứu hình thức huy động/cho vay bằng vàng. Một số ngân hàng như Agribank, BIDV đề xuất cho phép tổ chức tín dụng được phát hành Chứng nhận sở hữu vàng cho khách hàng mà chưa cần thực hiện giao dịch vàng vật chất. Việc giao nhận vàng có thể thực hiện trong tương lai theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng và được quy định rõ trên ấn chỉ/giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, NHNN sẽ không cho phép huy động và cho vay vàng vì điều này đồng nghĩa với việc “vàng hóa” nền kinh tế.

Riêng đối với dịch vụ giữ hộ vàng, NHNN cho biết, đã tiếp thu ý kiến và sẽ nghiên cứu ban hành hướng dẫn, bao gồm việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2016/TT-NHNN ngày 26/2/2016 về dịch vụ bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn của tổ chức tín dụng.

Tín dụng khởi sắc, các nhà băng báo lãi ấn tượng 

Nhiều ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với những gam màu sáng, nhờ tín dụng tăng trưởng tác động tích cực lên lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa được công bố, Kienlongbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 565 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của ngân hàng kể từ quý I/2021. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt 921 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2024 và thực hiện được gần 67% kế hoạch kinh doanh năm 2025 (1.379 tỷ đồng).

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của Kienlongbank đến từ việc gia tăng nguồn thu và cắt giảm chi phí hoạt động. Tính đến cuối quý II, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 97.630 tỷ đồng, tăng 5,9% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.547 tỷ đồng, tăng 13,2%. Số dư nợ xấu của Kienlongbank tại thời điểm 30/6/2025 là 1.366 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ giảm từ 2,02% hồi đầu năm xuống 1,96%. Đến cuối quý II, tiền gửi khách hàng của Kienlongbank đạt 73.174 tỷ đồng, tăng 15,2% so với hồi đầu năm, là mức tăng trưởng 6 tháng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank cũng nhiều gam màu sáng, với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt trên 4.100 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ.

Sở dĩ lợi nhuận 6 tháng đầu năm của TPBank tích cực là nhờ tăng trưởng tín dụng đạt gần 11,7%, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực bán lẻ, bất động sản có kiểm soát và tài chính tiêu dùng - những mảng mang lại biên lãi ròng cao.

Nam A Bank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2025. Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2024. Kết quả trên góp phần giúp ROE của Nam A Bank duy trì mức gần 20%, ROA đạt 1,5%.

Tổng tài sản Nam A Bank cán mốc gần 315.000 tỷ đồng vào cuối tháng 6/2025, tăng trưởng hơn 30% so với đầu năm, đánh dấu bước tiến về quy mô hoạt động của ngân hàng này trong 32 năm hoạt động.

Trước đó, 3 ngân hàng khối quốc doanh là VietinBank, Agribank và Vietcombank cũng công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 6 tháng đầu năm.

VietinBank cho biết, ngân hàng đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, dư nợ tín dụng tăng trưởng ước đạt 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động tăng ước đạt hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều tổ chức phân tích đánh giá cao về khả năng tăng trưởng của VietinBank trong thời gian tới.

Với Agribank, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm của toàn hệ thống đạt khá so với cùng kỳ năm trước, cao nhất sau 4 năm triển khai phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. Theo đó, 6 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động của Agribank đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2024. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 61% dư nợ nền kinh tế.

Tương tự, Vietcombank cũng hoàn thành xuất sắc, toàn diện các chỉ tiêu kinh doanh, giữ vững vị thế là ngân hàng dẫn đầu về chất lượng, hiệu quả hoạt động; cơ cấu kinh doanh chuyển dịch theo hướng an toàn, hiệu quả, bền vững với nhiều kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2025. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, tổng tài sản của Ngân hàng ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024; tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng hơn 5% so với cuối năm 2024. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông tin, tính tới ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng gần 10%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2024 với lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế rất lớn.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để kinh tế đạt mức tăng trưởng 8% trong năm nay và tăng hai chữ số trong các năm tiếp theo, thì tín dụng là động lực không thể thiếu. Tín dụng dự báo nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn mục tiêu đề ra là 16% cho năm 2025. Lạm phát sẽ kiểm soát được mục tiêu đề ra nên khả năng tín dụng đưa ra nền kinh tế trong năm nay sẽ lớn. Tuy nhiên, theo ông Quang, NHNN cũng kiểm soát chặt để cân bằng giữa mục tiêu lạm phát và việc đẩy vốn ra nền kinh tế, vì thế sẽ cân nhắc trong việc nới room tín dụng cho các ngân hàng để có thêm dư địa cho vay.

Giới phân tích nhận định, không khó để đạt mục tiêu tín dụng 16% cho năm 2025, do đó lợi nhuận nhà băng sẽ được tác động tích cực. Nợ xấu phần nào được đẩy nhanh khi Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được luật hóa, ngân hàng sẽ có cơ hội giảm dự phòng rủi ro, thu hẹp khoảng cách lợi nhuận, dù biên lãi ròng giảm.

Phó thống đốc: Ngành ngân hàng "khát" nhân sự về an ninh công nghệ thông tin

Bức tranh ngành ngân hàng đang thay đổi hoàn toàn buộc nhân sự ngành ngân hàng cũng phải thay đổi toàn diện. Ước tính, có khoảng 60% nhân sự ngân hàng cần được đào tạo lại.

Phát biểu tại Diễn đàn "Nhân lực ngành ngân hàng trước làn sóng công nghệ" diễn ra sáng 16/7, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, ngành ngân hàng đang đứng trước sự thay đổi toàn diện do cách mạng 4.0. Theo đó, hiện trên 90% giao dịch của khách hàng thực hiện qua kênh số, các dịch vụ ngân hàng thực hiện tự động, khối lượng giao dịch giờ lên đến hơn 100 triệu giao dịch/ngày...   

Với số lượng giao dịch, số lượng khách hàng tăng lên như vậy, nhân lực ngân hàng cũng phải thay đổi. Hầu hết các ngân hàng đã phải thành lập một khối chuyên trách, đó là khối dữ liệu, tương tự như là khối tín dụng.  

"Nhiều ngân hàng đang coi rủi ro về công nghệ thông tin tương tự như rủi ro về tín dụng. Chưa bao giờ ngành ngân hàng khát nhân lực về an ninh công nghệ thông tin như hiện nay. Chúng ta thấy bức tranh ngành ngân hàng đã thay đổi hoàn toàn, nhân lực ngân hàng phải thay đổi rất nhanh để thích ghi với thay đổi này", Phó thống đốc nhận định.   

PGS.TS Phạm Thị Hoàng Anh, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết thêm, nhu cầu nhân sự số của ngành ngân hàng đang tăng rất mạnh.
"Thời điểm này, nguồn cung về công nghệ thông tin chưa đủ cầu. Ngành ngân hàng thiếu hụt nguồn cung nhân lực có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin. Đây là nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của ngân hàng. Nhu cầu nhân lực tăng lên rất mạnh: Nếu như năm 2018, ngành ngân hàng cần 320.000 nhân lực về công nghệ; thì đến năm 2026 là 750.000 người", TS. Hoàng Anh cho biết.
Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng
Phó thống đốc Phạm Tiến Dũng.
Về góc độc ngân hàng, ông Lưu Danh Đức, Phó tổng giám đốc LPBank thừa nhân, các ngân hàng đang chịu sức ép về thiếu nguồn nhân lực công nghệ ngân hàng, sự cạnh tranh khiến việc tuyển dụng rất khó. 
Theo các chuyên gia công nghệ, khoảng 60% nhân sự ngân hàng đang cần đào tạo lại. Trong khi đó, đào tạo nhân lực ngân hàng hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu. 
Bà Ngô Lan, Giám đốc Navigos Search phía Bắc cho biết, hiện nay, yêu cầu đối với các ngân hàng về tuyển dụng nhân sự rất cao nếu không đáp ứng được sẽ bị sa thải. Nguyên nhân lớn nhất tác động đến làn sóng sa thải nhân viên ngân hàng chính là công nghệ.
"Tất nhiên, AI chưa thể thay thế được con người hoàn toàn, nhưng có thể đảm nhận rất nhiều tác vụ của nhân viên ngân hàng. Từ đó, có thể thấy rằng, nhu cầu về nhân lực không còn nhiều. Nếu như vậy thì hiện nay các ngân hàng chú trọng đến điều gì? Đó là công nghệ và kiểm soát rủi ro", bà Lan cho biết.
Theo Navigos, các ngân hàng dù sa thải nhưng họ vẫn tăng tuyển dụng song chủ yếu tuyển dụng ở nhóm kinh doanh bán hàng, nhóm tiếp thị và nhóm công nghệ.   
Riêng về nhân lực công nghệ, theo các chuyên gia, nguồn cung về nhân sự mảng này tại Việt Nam rất thiếu. Dù Việt Nam không thiếu kỹ sư công nghệ nhưng khó nhất với ngân hàng là đa phần kỹ sư công nghệ lại không có kiến thức về kinh doanh, không đáp ứng được nhu cầu của ngân hàng. Một số ngân hàng tính tới tuyển dụng chuyên gia ngoại nhưng các chuyên gia này lại đòi hỏi mức lương rất cao khiến ngân hàng nội khó đáp ứng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam phải đẩy nhanh tốc độ đào tạo trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain…, chứ không phải “rón rén” như hiện nay. Nếu chần chừ số hoá, AI… thì giấc mơ chuyển mình trong kỷ nguyên mới của đất nước không thể trở thành hiện thực. 

Vốn cho doanh nghiệp bất động sản: Trái phiếu co hẹp, tín dụng phình to

Nửa đầu năm nay, phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản chậm lại, trong khi tín dụng kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng mạnh.

Gần 3,2 triệu tỷ đồng đổ vào bất động sản 

ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 6/2025, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt 17,2 triệu tỷ đồng, trong đó riêng tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm 18,47%, tức khoảng 3,18 triệu tỷ đồng, chủ yếu rót cho chủ đầu tư, trong khi cầu vay mua nhà phục hồi chậm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá nhà quá đắt đỏ khiến người mua chùn tay, thị trường bất động sản trở thành “sân chơi” của nhà đầu cơ - chủ đầu tư và ngân hàng. Đây là nguyên nhân khiến tín dụng chảy chủ yếu vào doanh nghiệp bất động sản, thay vì cho vay mua nhà như giai đoạn trước.

Theo phân tích của các chuyên gia, tín dụng kinh doanh bất động sản tăng mạnh do nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường bất động sản phục hồi khiến ngân hàng mạnh dạn cho vay hơn, thủ tục dễ dàng hơn.

Thứ hai, pháp lý được tháo gỡ khiến nhiều chủ đầu tư tiếp cận vốn dễ hơn.

Thứ ba, thị trường trái phiếu chưa thoát khỏi khó khăn, điều kiện phát hành thắt chặt, lãi suất cao, trong khi lãi vay ngân hàng hợp lý và điều kiện vay thông thoáng hơn trước, khiến chủ đầu tư có xu hướng chuyển sang kênh tín dụng.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings nêu con số, nửa đầu năm nay, phát hành trái phiếu tăng tới 72,3% so với cùng kỳ, song 75% trong tổng giá trị phát hành thuộc về lĩnh vực ngân hàng. Trái phiếu bất động sản chỉ khoảng 33.000 tỷ đồng, thấp hơn cả năm ngoái.

Chuyên gia này cho rằng, sở dĩ tín dụng bất động sản tăng cao là do thời gian qua, nhiều dự án được tháo gỡ pháp lý, từ đó dễ tiếp cận tín dụng hơn. Doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu mới tuy chậm, nhưng lại cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn. Nguyên nhân là lãi suất trái phiếu trước đây phát hành cao, nên chủ đầu tư đua đáo hạn để giảm gánh nặng lãi.

Mặc dù đà tăng giá của chung cư tại Hà Nội đã chậm hơn, nhưng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều chung cư mới mở bán có giá 120-150 triệu đồng/m2. Giá nhà quá cao cản trở cầu tín dụng của người mua có nhu cầu ở thực.

Hiện tại, lãi vay mua nhà tại các ngân hàng thương mại là 6-7%/năm trong năm đầu và thả nổi những năm tiếp theo (xoay quanh 10%/năm). Đây vẫn là gánh nặng với người mua nhà, trong khi đó, gói cho vay nhà ở xã hội 145.000 tỷ đồng đang “ế” vì thiếu nguồn cung.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết, kể từ khi triển khai chương trình đến nay, NHNN đã 6 lần thông báo giảm lãi suất cho vay từ mức 8,7%/năm với các chủ đầu tư và 8,2% với người mua nhà, xuống còn tương ứng 6,4%/năm với chủ đầu tư và 5,9%/năm với người mua nhà. Tuy nhiên, hiện doanh số giải ngân mới đạt 4.094 tỷ đồng. Nguyên nhân chính khiến chương trình giải ngân chậm là do thiếu nguồn cung. Bên cạnh đó, NHNN cũng ghi nhận 28/103 dự án nhà ở hiện nay được chủ đầu tư cho biết không có nhu cầu vay vốn.

Vốn sẽ tiếp tục chảy mạnh vào bất động sản, hạ tầng

Trong báo cáo mới đây, chuyên gia phân tích của SSI Research cho rằng, động lực tăng tín dụng trong nửa cuối năm 2025 và năm 2026 sẽ phụ thuộc vào bất động sản và hạ tầng. Đây cũng là hai lĩnh vực nhận được sự quan tâm chính sách ngày càng lớn, phù hợp với nỗ lực của Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu trong nước và duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu hiện nay.

Theo nhóm nghiên cứu, thị trường bất động sản Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu phục hồi sớm từ năm 2024, được thúc đẩy bởi sự tiến triển về pháp lý và nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh (tăng 91% so với cùng kỳ). Giá bất động sản tại các trung tâm thành phố lớn, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, đã phục hồi. Thị trường địa phương cũng đang thu hút sự chú ý, nhờ việc sáp nhập tỉnh và các dự án phát triển hạ tầng. Lãi vay thấp sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý người mua và hỗ trợ thanh khoản thị trường trong ngắn hạn.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo một ngân hàng TMCP tư nhân cho biết, nửa đầu năm nay, cho vay bất động sản là lĩnh vực tăng trưởng mạnh nhất trong cơ cấu danh mục của ngân hàng này.

Trong khi đó, với các ngân hàng thương mại nhà nước, tín dụng hạ tầng lại tăng trưởng rất tốt. Chủ tịch HĐQT Vietcombank, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin, tính đến ngày 30/6/2025, tín dụng toàn hệ thống Vietcombank đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024.

“Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng đã tài trợ độc lập hoặc làm đầu mối thu xếp tín dụng cho nhiều dự án quan trọng. Thời gian tới, Vietcombank sẽ tiếp tục tài trợ mới với giá trị cấp tín dụng cao cho nhiều dự án trọng điểm, dự án lớn có vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội tại các địa phương và toàn quốc”, ông Tùng chia sẻ.

Chính phủ đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2025. Một loạt dự án đầu tư công quy mô lớn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2025 mà còn trong trung hạn.

Mặc dù tín dụng đang tăng mạnh (tính tới cuối tháng 6/2025, tín dụng toàn hệ thống tăng nhanh gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái), đặc biệt là tín dụng bất động sản, song các chuyên gia đánh giá, thanh khoản và lãi suất vẫn giữ được ổn định. Việc thiếu thanh khoản, tăng lãi suất chỉ diễn ra cục bộ, không phải trên phạm vi rộng.

Một trong những nguyên nhân nữa khiến các ngân hàng mạnh dạn hơn trong cho vay là Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10/2025, trao quyền cho các ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.

Cuộc đua thị phần “nóng” hơn khi bỏ room tín dụng

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ban hành “bộ phanh” khắt khe về quản trị rủi ro nếu bỏ room tín dụng, với lộ trình tùy thuộc vào khả năng đáp ứng bộ tiêu chí của mỗi nhà băng, đồng nghĩa với bức tranh thị phần tín dụng ngân hàng sẽ có sự thay đổi.

Ngân hàng nào được hưởng lợi khi bỏ room tín dụng?

Liên quan tới chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc gỡ bỏ công cụ hành chính “room tín dụng”, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, việc bỏ room tín dụng giúp Việt Nam tiệm cận chuẩn quốc tế, phù hợp mục tiêu nâng hạng thị trường tài chính. “Quan trọng hơn, bỏ room tín dụng buộc các ngân hàng thương mại phải tăng trách nhiệm và năng lực tự chủ. Theo đó, thay vì ‘xin room’, ngân hàng thương mại phải tự quyết việc tăng tín dụng dựa trên sức khỏe tài chính và khả năng quản trị rủi ro”, ông Ngọc nhận định.

Đối với ngân hàng thương mại, việc bỏ room tín dụng sẽ giúp họ chủ động hơn khi lập kế hoạch tín dụng, tối ưu hóa lợi nhuận, đặc biệt trong mùa cao điểm nhu cầu vốn cuối năm. Thị trường chứng khoán cũng kỳ vọng hưởng lợi gián tiếp khi dòng vốn tín dụng linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Tuy vậy, để tránh lặp lại “vết xe đổ”, các chuyên gia cho rằng, cần có “bộ phanh” hiệu quả. Nếu không, khi room tín dụng được gỡ bỏ, tín dụng sẽ ồ ạt chảy vào bất động sản, ngân hàng đua lãi suất, nợ xấu tăng cao, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng nhanh, nhưng phải bền vững của Chính phủ.

Theo TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Khoa Kinh tế học (Đại học Kinh tế quốc dân), NHNN chỉ có thể bỏ room tín dụng sau khi hoàn thiện và công khai một hệ thống tiêu chí đảm bảo an toàn hệ thống dựa trên bộ tiêu chuẩn quốc tế về quản lý rủi ro ngân hàng và an toàn vốn (Basel III). Theo đó, ngân hàng nào đáp ứng 100% các tiêu chí, thì có thể được gỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng. Các ngân hàng chưa đáp ứng điều kiện, sẽ bị kiểm soát tín dụng ở hạn mức phù hợp.

Thực tế, từ đầu năm nay, NHNN đã bỏ room tín dụng cho một nhóm ngân hàng (ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, Ngân hàng Hợp tác xã và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng). Hiện tại, cơ chế room tín dụng chỉ còn duy trì với nhóm ngân hàng thương mại trong nước.

Ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank cho rằng, việc bỏ room tín dụng là xu thế tất yếu. Hiện NHNN đã có quy định khá đồng bộ về quản trị rủi ro và đang sửa đổi một số quy định để các ngân hàng tiệm cận tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế (như Basel III). Đây là các công cụ mà NHNN có thể áp dụng, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng vốn tương ứng, nếu muốn tăng cung ứng vốn cho nền kinh tế. 

Nhiều khả năng, NHNN chưa thể bỏ ngay room tín dụng trong năm nay. Tuy nhiên, khi khả năng này xảy ra, bức tranh thị phần tín dụng của các ngân hàng sẽ có sự thay đổi. “Gỡ bỏ cơ chế hạn mức tín dụng sẽ có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, do họ có khả năng mở rộng cho vay tốt hơn”, chuyên gia phân tích SSI Research đánh giá.

Giữ “phanh” an toàn khi bỏ “barrie” tín dụng

Lâu nay, room tín dụng là công cụ hiệu quả giúp NHNN dễ dàng kiểm soát cung tiền ra nền kinh tế. Hạn chế lớn nhất của công cụ này là làm nảy sinh cơ chế xin - cho, gây ách tắc dòng vốn, làm méo mó thị trường và cản trở cơ hội kinh doanh của ngân hàng thương mại. Vì vậy, dù ủng hộ việc gỡ bỏ room tín dụng, song các chuyên gia cảnh báo, rủi ro sẽ tăng lên khi thị trường không còn “barrie” an toàn, buộc NHNN phải có công cụ giám sát hiệu quả.

Ông Phan Linh, CEO Công ty cổ phần TechProfit cho rằng, nếu bỏ room mà thiếu công cụ kiểm soát thay thế, các ngân hàng sẽ chạy đua cho vay để tối đa hóa lợi nhuận, vốn dễ chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán. Khi đó, áp lực lạm phát, tỷ giá có thể quay lại, bong bóng tài sản dễ hình thành. “Bỏ room tín dụng là xu thế đúng, nhưng phải đi kèm kỷ luật quản trị và giám sát đủ mạnh. Nếu không, rủi ro quay lại thời tín dụng nóng là hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Linh cảnh báo.

Theo nguồn tin từ SSI Research, NHNN đã ban hành dự thảo thông tư về CAR, cập nhật các quy định mới tại chuẩn mực Basel III (2017) và đang lấy ý kiến từ các ngân hàng.

Tuy vậy, với thực trạng sức khỏe hệ thống ngân hàng đang phân hóa mạnh như hiện nay, đưa ra bộ “phanh” như thế nào để đảm bảo thị trường không bị ách tắc mà vẫn có thể khuyến khích được ngân hàng lành mạnh là vấn đề khó.

Chưa kể, ngay cả khi áp dụng tiêu chuẩn Basel II, Basel III, việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng nếu thiếu công cụ “room”, sẽ rất khó khăn, nhất là khi hệ thống còn nhiều ngân hàng yếu kém.

Trao đổi với báo chí đầu tuần này, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, cơ chế room tín dụng dược NHNN áp dụng từ năm 2012, khi tín dụng toàn ngành tăng trưởng nóng (có năm tăng 54%), một số tổ chức tín dụng đứng trên bờ vực phá sản, lãi suất trên thị trường tăng cao, các ngân hàng rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Đến nay, những hệ lụy của quá khứ tăng trưởng nóng vẫn còn tồn tại. Do đó, việc bỏ room tín dụng phải phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. “Thời gian tới, NHNN sẽ nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách để có tiền đề bỏ hoàn toàn room tín dụng”, ông Quang cho biết.

Trong khi đó, theo các chuyên gia quốc tế, để thực hiện chính sách tiền tệ đa mục tiêu như hiện nay, muốn gỡ bỏ room tín dụng mà không để xảy ra các hệ lụy như đua lãi suất huy động, tăng trưởng tín dụng nóng…, thì NHNN phải có tính chủ động cao, đặc biệt trong điều hành lãi suất.

Áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản trong năm 2025
Dù thị trường bất động sản đang có những chuyển biến tích cực, nhưng một số chuyên gia vẫn lo ngại về rủi ro chậm trả nợ trái phiếu của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư