Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Các nhiệm vụ đã về đích đều mang tính cấp bách
Nguyễn Lê - 21/05/2022 10:10
 
Thực hiện Nghị quyết 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đã hoàn thành những nhiệm vụ cấp bách nhất.
Xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội là một trong những nhiệm vụ mang tính cấp bách đã được hoàn thành. Trong ảnh: Thi công một đoạn tuyến thuộc Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Hoàn thành 4/10 nhiệm vụ

Tại Kỳ họp thứ hai (tháng 11/2021), Quốc hội đã chất vấn trực tiếp 4 bộ trưởng, trong đó có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Sau đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 41/2021/QH15 (Nghị quyết 41) nêu rõ yêu cầu hậu chất vấn với từng lĩnh vực.

Vì thế, kết quả “trả bài” hậu chất vấn Kỳ họp thứ ba sẽ được các vị đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Theo Nghị quyết 41 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong 16 nhiệm vụ thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì thực hiện 10 nhiệm vụ; Bộ Tư pháp chủ trì 1 nhiệm vụ và 5 nhiệm vụ giao chung các bộ, ngành địa phương thực hiện.

16 nhiệm vụ này tập trung vào các nhóm nội dung như: tổ chức thực hiện Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm hoàn thiện các quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch các cấp, quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long theo quy định của Luật Quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, từ sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 41 đến hết ngày 30/4/2022, các nhiệm vụ trên đã được các đơn vị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên, tập trung triển khai đồng bộ; đã hoàn thành cơ bản 4/10 nhiệm vụ chủ trì; tích cực, đẩy mạnh thực hiện 6 nhiệm vụ còn lại và phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ chung.

Theo đó, các nhiệm vụ đã về đích đều mang tính cấp bách. Như, xây dựng Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng dự án một luật sửa 9 luật, trình phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Một nhiệm vụ nữa cũng đã hoàn thành là hoàn thiện Nghị định thay thế Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 về quản lý và sử dụng vốn QDA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Riêng với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có 4 văn bản báo cáo Thủ tướng, đồng thời báo cáo Thường trực Chính phủ tại cuộc họp ngày 26/4/2022 về danh mục, mức vốn dự kiến bố trí cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình. Bộ cũng đã trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công của Chương trình và Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội và Dự án Xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Trong khuôn khổ triển khai Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao cùng các bộ, ngành và địa phương thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình quản lý rủi ro, đảm bảo cho việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêu cực và tham nhũng.

Kết quả, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, giải pháp, như kiểm soát chặt chẽ tổng số dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025; kiểm soát chặt chẽ dự án quá hạn, ứng trước, phân bổ kế hoạch vốn hằng năm theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên ngành, lĩnh vực và phục vụ trực tiếp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, tiến độ thực hiện dự án...

Rõ địa chỉ chưa giải ngân vốn đầu tư công

Sau chất vấn tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội đã yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, đánh giá thực trạng, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu, có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân và quyết toán vốn đầu tư.

Ở Kỳ họp thứ ba, trong bối cảnh hàng loạt công trình quốc gia chuẩn bị được quyết định chủ trương đầu tư đều dùng nguồn vốn đầu tư công, nhiệm vụ này sẽ càng trở nên nặng nề. Trong khi đó, yêu cầu từ Quốc hội là năm 2022, phân bổ và giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt 100% dự toán Quốc hội giao.

Năm 2022, tổng mức vốn đã được Quốc hội quyết định là 518.105,895 tỷ đồng, trong đó, vốn trong nước là 483.305,895 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 34.800 tỷ đồng, vốn còn lại chưa giao khoảng 8.000 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia.

Kết quả được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đến hết ngày 25/4/2022, tổng vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 479.527,271 tỷ đồng, đạt 92,6%.

Số chưa phân bổ là 38.578,624 tỷ đồng, bằng khoảng 7,4% kế hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, là khá lớn, nguyên nhân chủ yếu là do một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đang hoàn thiện thủ tục đầu tư cho các dự án vừa được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, thực trạng giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 4 tháng năm 2022 cơ bản tương tự các năm trước (đạt 18,48% kế hoạch), tỷ lệ giải ngân những tháng đầu năm thấp, xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, tuy nhiên, người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư nhận định, nguyên nhân giải ngân chậm vẫn là do công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập. Các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét. Công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Một số chủ đầu tư chưa tích cực thực hiện các thủ tục thanh toán, quyết toán, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả.

Rất đáng chú ý là có đến 17 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.

Trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đã đề nghị nêu cụ thể danh tính 17 bộ, ngành này và lý do chưa giải ngân, đồng thời đưa ra giải pháp, hướng xử lý.

Yêu cầu này đã có “đáp án” tại báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Theo đó, 17 cơ quan nói trên gồm: Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Dân tộc, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Đại học Quốc gia TP.HCM, Ban Quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Viêt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Liên hiệp Các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam.

Người đứng đầu chịu trách nhiệm giải trình

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đã kiến nghị Chính phủ một số giải pháp.

Một trong số đó là yêu cầu người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải xác định việc giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2022, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; làm tốt công tác quy hoạch khai thác mỏ và quản lý các mỏ vật liệu, rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn..., chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư của các dự án được giao quản lý.
Có thể họp ngoài giờ hành chính

Sốt ruột trước tiến độ phân bổ bổ sung kế hoạch ngân sách trung ương năm 2022 cho các bộ, ngành, địa phương, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông - Vận tải báo cáo Chính phủ và Thủ tướng khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

“Trình lúc nào chúng tôi sẽ bàn với nhau để sắp xếp lịch họp, kể cả trong thời gian đang họp Quốc hội, tranh thủ thời gian ngoài giờ hành chính”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ tinh thần đồng hành với Chính phủ.
Con đường phục hồi kinh tế gặp thách thức không nhỏ
Nền kinh tế đang phục hồi tích cực, song tiến trình này hiện chịu những thách thức không nhỏ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư