Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Các tỉnh Tây Nam bộ liên kết phục hồi kinh tế và phòng chống dịch
Huy Tự - 20/10/2021 15:58
 
Bảy tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau vừa tổ chức hội nghị trực tuyến liên kết phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL.
Liên kết vùng đang là động lực cho xu hương phát triển bền vững ĐBSCL

Có 6 lĩnh vực trọng tâm được lãnh đạo các địa phương nêu ra và cần tập trung để thực hiện hợp tác, gồm: y tế, nông nghiệp, thương mại - dịch vụ, thông tin - truyền thông, giao thông - vận tải, lao động - việc làm.

Theo đó, các địa phương đã bàn bạc và thống nhất phương án phân loại, phân tuyến điều trị từ cơ sở đến các bệnh viện tuyến cuối, hỗ trợ điều trị cho các địa bàn nhiều người mắc Covid-19, chia sẻ vắc-xin, sinh phẩm y tế... Các địa phương cũng có ý kiến về biện pháp phòng, chống dịch trong tổ chức sản xuất và vận chuyển hàng hóa nông sản của khu vực; kết nối nhà sản xuất, cung ứng với các đơn vị xúc tiến thương mại; đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử.

Về thương mại - dịch vụ, khu vực Nam sông Hậu thường xuyên tổ chức các sự kiện giao thương trực tuyến; tiến tới thiết lập một thực thể kinh tế mới để tạo ra thị trường hàng hóa đa dạng; phối hợp quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch. Trong lĩnh vực giao thông, các địa phương tạo luồng ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển dụng cụ, thiết bị y tế, hàng hóa, nhân sự phục vụ phòng chống dịch; hàng hóa nông - thủy sản; thiết bị, vật liệu xây dựng... Đồng thời chú trọng liên kết hợp tác phát triển các loại hình vận chuyển hành khách, hàng hóa, dịch vụ hậu cần logistics. Việc liên kết phối hợp giữa các tỉnh, thành phố là một trong những giải pháp mang tính chiến lược, khắc phục một phần tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương. Từ đó giúp phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào lợi ích chung của khu vực.

Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, cho biết thêm: sau hơn 2 tuần gỡ bỏ giãn cách xã hội, số doanh nghiệp ở ĐBSCL trở lại sản xuất đã đều hơn, nhưng tỉ lệ mới đạt được chừng 30-50%, chưa có tỉnh nào có số doanh nghiệp trở lại sản xuất hơn 50%. Về khó khăn, hiện nay việc di chuyển, vận chuyển và kết nối giữa các tỉnh chưa được thông suốt.

"Chúng tôi cũng băn khoăn và suy nghĩ tại sao một công dân, một doanh nghiệp ở địa phương đã được tiêm vắc-xin, ở vùng xanh, đã xác định không bệnh thì tại sao không dùng tiêu chí đó đi qua lại giữa các tỉnh? Các địa phương cần thống nhất nhau", ông Lam đề xuất.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang lâm Minh Thành cho rằng: Để có sự thống nhất cao trong chỉ đạo thực hiện liên kết phối hợp, tỉnh Kiên Giang đề xuất đối với lĩnh vực y tế, các địa phương cần chia sẻ thông tin về tình hình và cấp độ dịch giữa cấp tỉnh, cấp huyện và có thể xã giáp ranh trong khu vực, hợp tác chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.

Cần thống nhất các điều kiện chung, tạo thuận lợi cho nhân dân trong khu vực qua lại mua bán, trao đổi giao thương hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông, thủy sản. Đối với lĩnh vực lao động, việc làm, cần sự hợp tác, chia sẻ giữa các địa phương trong thu hút lao động, việc làm cho nhân dân trong khu vực - ông Thành nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực giao thông vận tải, Kiên Giang đề nghị trên cơ sở chia sẻ thông tin về cấp độ dịch, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các ngành, địa phương nhất là giao thông vận tải phối hợp hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải hoạt động theo quy định hướng dẫn tạm thời của Bộ Giao thông vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, đảm bảo lưu thông được thông suốt.

Đồng tình quan điểm trên, ông Phạm Văn Thiều - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng: Để triển khai thực hiện đạt hiệu quả chương trình liên kết, phối hợp các tỉnh, thành phố khu vực Nam sông Hậu trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế, nhất là lĩnh vực lao động - việc làm, thì sau khi Chương trình được ký kết, tỉnh Bạc Liêu sẽ chỉ đạo ngay cho các ngành chuyên môn và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực, thực hiện tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để nhận thức rõ mục đích, ý nghĩa của chương trình. Đồng thời, lãnh đạo các địa phương quan tâm sâu sát việc chỉ đạo các ngành chuyên môn để công tác liên kết, hợp tác được triển khai thực hiện thực chất, đạt hiệu quả cao.

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề xuất: “Chúng ta cần tập trung xây dựng các cụm liên kết ngành của tiềm năng như lúa gạo, thủy sản rau quả tươi, logistics... Khi cụm liên kết ngành phát triển mạnh kéo theo sự lớn mạnh của công nghiệp hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động, thu hút vốn đầu tư nước ngoài… Ngoài ra, các địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác lập quy hoạch cấp tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo kết nối đồng bộ trong tỉnh và cân đối hài hòa trong tổng thể của vùng từ đó tạo ra động lực phát triển cân bằng giữa các tỉnh và cả vùng”.

Kết luận buổi liên kết trực tuyến của vùng, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ thống nhất các ý kiến, đề xuất của các tỉnh, thành phố về các nội dung, lĩnh vực liên kết, phối hợp về phòng chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế xã hội.

Theo đó, về lĩnh vực y tế, thống nhất phương án tổ chức phân loại, phân tuyến điều trị từ tuyến cơ sở tới các bệnh viện tuyến cuối, cập nhật hoàn thiện, trao đổi thông tin về phác đồ điều trị theo hướng dẫn Bộ Y tế để chỉ đạo chuyên môn, điều phối, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện trên địa bàn đang điều trị người bệnh Covid-19; sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ giảm tình trạng quá tải cho các cơ sở y tế đang điều trị người bệnh Covid-19; sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh, thành phố đang có nhu cầu về vắc-xin phòng bệnh khi được sự thống nhất của Bộ Y tế.

Về lâu dài, trên cơ sở vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 7 địa phương tổ chức đánh giá kết quả phối hợp, điều chỉnh kịp thời; kiến nghị Chính phủ, bộ ngành Trung ương kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, vướng mắc trong việc thực hiện. Đồng thời, nghiên cứu tiếp tục để có hướng liên kết với các địa phương còn lại của vùng ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, ông Trường nhấn mạnh.

Doanh nghiệp ĐBSCL kiến nghị 6 nội dung cấp bách để duy trì sản xuất
Cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL kiến nghị Chính phủ, chính quyền địa phương về các chính sách cấp bách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư