Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Cách mạng nông nghiệp và dấu ấn của doanh nhân tiên phong
Hà Tâm - 13/10/2019 09:30
 
Ngày càng nhiều “đại gia” tài chính, bất động sản, công nghiệp… nhảy vào nông nghiệp với cách làm mới. Có nụ cười hạnh phúc, có cả giọt nước mắt đắng cay, sân chơi nông nghiệp không hề dễ dàng. Thế nhưng, nếu thiếu những doanh nhân tiên phong như vậy, cuộc cách mạng đổi mới ngành nông nghiệp sẽ rất khó thành công.
Trang trại FVF của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Đức Thanh
Trang trại FVF của Tập đoàn TH tại huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An). Ảnh: Đức Thanh

Ông lớn nhập cuộc, tiên phong làm nông kiểu mới

Không lâu nữa, những lô sữa mang thương hiệu TH true Milk lần đầu tiên được xuất khẩu sang Trung Quốc. TH là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu được sữa tươi sang thị trường tỷ dân theo đường chính ngạch, thêm một dấu ấn thành công của tập đoàn này sau hơn 10 năm đặt chân vào lĩnh vực nông nghiệp.

Khởi sự bằng nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương - người sáng lập Tập đoàn TH - đã làm nên một cuộc cách mạng trong ngành nông nghiệp, thay đổi toàn bộ cấu trúc thị trường sữa nước Việt Nam, thúc đẩy sự cạnh tranh trong thị trường này. Từ chỗ là một “tay mơ” trong ngành nông nghiệp, bà Thái Hương đã trở thành một trong những doanh nhân quyền lực nhất trong ngành này, chiếm gần 40% thị phần sữa tươi cả nước và đang nhắm tới doanh số tỷ USD.

Tại Hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nói vui: “Muốn nông nghiệp phát triển, năng suất cao, chúng ta cần 100 nhà làm nông nghiệp như bà Thái Hương”.

Không ồn ào như TH, song “ông trùm” ô tô Trường Hải (Thaco) cũng khiến thị trường vô cùng ngạc nhiên. Năm 2017, khi Thaco bắt đầu tuyên bố đầu tư vào nông nghiệp, không ai nghĩ, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco sẽ rót cả tỷ USD vào lĩnh vực này.

Khác với TH - đầu tư vào nông nghiệp bằng cách mạng công nghệ cao - Thaco lại tận dụng quỹ đất vàng của Hoàng Anh Gia Lai và phát triển theo chiến lược chuỗi khép kín.

Đến nay, không chỉ bắt tay với Tập đoàn Lộc Trời phát triển vùng nguyên liệu, rót hơn 22.000 tỷ đồng vào Công ty Nông nghiệp Hoàng Anh Gia Lai, Thaco còn thành lập Công ty cổ phần Sản xuất, chế biến và phân phối nông nghiệp (THADI) để kinh doanh nông sản, xây dựng nhà máy chế biến trái cây có công suất thiết kế 500.000 tấn/năm, xây dựng Nhà máy Sản xuất máy móc, thiết bị nông nghiệp, sắp sửa đầu tư vào lĩnh vực vật tư nông nghiệp, giống... Ngoài ra, hạ tầng logistics, đường, cầu cảng của doanh nghiệp này cũng đã sẵn sàng phục vụ thương mại nông sản.

Kể về lý do rót hàng chục ngàn tỷ đồng vào Hoàng Anh Gia Lai, ông Trần Bá Dương cho biết, bầu Đức (ông Đoàn Nguyên Đức) - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã gọi 2 cuộc điện thoại và viết một bức thư tay kể về tình cảnh khó khăn, khẩn thiết đề nghị Thaco vực dậy công ty này. Trong tâm thư, ông Đức còn khẳng định, nếu cứu được Hoàng Anh Gia Lai, không chừng Thaco còn gây dựng nên một đế chế nông nghiệp "vô tiền khoáng hậu" cho Việt Nam.

Thế nhưng, những bước đi chiến lược của Thaco cho thấy, chi hàng chục ngàn tỷ đồng vào lĩnh vực nông nghiệp không đơn thuần là hành động trượng nghĩa của của tỷ phú ô tô với doanh nhân tâm huyết Đoàn Nguyên Đức. Có lẽ, không chỉ được truyền lửa bởi nhiệt huyết với nông nghiệp của bầu Đức, ông Trần Bá Dương còn bị thuyết phục bởi tiềm năng quá lớn của thị trường này. Theo đó, đầu tư vào nông nghiệp, Thaco cũng nuôi tham vọng trở thành một tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam, một tập đoàn nông nghiệp hàng đầu khu vực.

Nhờ sự tiếp vốn của Thaco, đến thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai đã trả 50% tổng nợ, dự kiến năm nay xuất khẩu khoảng 300.000 tấn trái cây với doanh thu khoảng 200 triệu USD, hướng tới doanh thu 500 triệu USD vào năm 2020 và 1 tỷ USD năm 2021.

Ngoài TH, Thaco, đến nay, rất nhiều doanh nhân trong các lĩnh vực khác như công nghiệp, bất động sản, tài chính… đã đầu tư vào nông nghiệp. Đơn cử, Hòa Phát đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi; Vingroup sản xuất rau sạch; PAN Group đầu tư vào rau quả, thực phẩm; T&T và Gleximco cũng nhảy vào lĩnh vực nông sản. FPT, tập đoàn hàng đầu về công nghệ phần mềm cũng tuyên bố ý định lấn sân vào lĩnh vực nông nghiệp bằng cách cung ứng các ứng dụng số hóa cho lĩnh vực này.

Hầu hết các doanh nhân “tay ngang” khi tiên phong đầu tư vào nông nghiệp đều thoát khỏi cách sản xuất truyền thống, chuyển sang làm nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn, hoạt động theo chuỗi khép kín… Thế hệ doanh nhân này được kỳ vọng sẽ xóa bỏ một nền nông nghiệp giá rẻ, thay đổi hoàn toàn cung cách sản xuất hiện nay, góp phần nâng cao thương hiệu và chất lượng nông sản.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Xuân Cường phấn khởi nói: “Chưa bao giờ, trào lưu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp chất lượng cao và ứng dụng số hóa vào lĩnh vực này nhiều như hiện nay”.

Nước mắt và nụ cười của doanh nhân nông nghiệp

Đã có những thành công ban đầu, đã có những thương hiệu nông sản ghi được dấu ấn trên thị trường, song câu chuyện của những doanh nhân tiên phong đầu tư vào nông nghiệp cho thấy, việc đầu tư nông nghiệp chuyên nghiệp, công nghệ cao, quy mô lớn, chuỗi khép kín… là không hề đơn giản. Đã có nhiều doanh nhân, dù rất tâm huyết và đầu tư bài bản với nông nghiệp, song cũng phải chảy nước mắt đắng cay vì rủi ro trong lĩnh vực này là quá lớn.

Trước khi có thể nở nụ cười cùng Thaco trong tương lai, bầu Đức đã nhiều phen lao đao. Đầu tư vào cao su, cọ dầu khi giá của hai nguyên liệu này ở đỉnh. Đến kỳ thu hoạch, giá mủ cao su, dầu cọ xuống đáy, công ty của bầu Đức gần như bị hạ gục. Từ chỗ lãi hàng ngàn tỷ đồng, Hoàng Anh Gia Lai thua lỗ triền miên, ngân hàng liên tục ép nợ. Việc co hẹp hai loại cây này, chuyển hướng sang sản xuất trái cây như chuối, thanh long, chanh dây không đủ sức vực dậy Công ty vì núi nợ quá lớn. Khi đó, bầu Đức buộc phải cầu viện Thaco. Doanh nhân đầu tiên sở hữu máy bay riêng của Việt Nam từng xót xa chia sẻ với cổ đông: “Có lúc kiếm 50 tỷ đồng thôi mà kiếm mãi không ra, nghĩ lại thật cay đắng”.

Lợi thế cạnh tranh của Việt Nam là nông nghiệp. Thế nhưng, sân chơi này vô cùng khắc nghiệt. Ngoài các rủi ro thị trường như các ngành khác, doanh nhân đầu tư vào lĩnh vực này còn phải đối mặt với nhiều rủi ro vô cùng đặc thù, riêng có như dịch bệnh, thiên tai, thời tiết…

Chưa kể, đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn đòi hỏi suất đầu tư lớn, nhưng thời gian thu hồi vốn lại rất dài. Chính vì vậy, tham gia sân chơi này đòi hỏi những doanh nhân quả cảm với tinh thần thép.

Có lẽ, đây cũng chính là lý do, Việt Nam có rất ít doanh nghiệp tỷ USD trong lĩnh vực nông nghiệp. Một số doanh nhân tuy tuyên bố đầu tư vào nông nghiệp nhưng rất thận trọng. Vingroup, T&T, Hòa Phát… đều đầu tư vào nông nghiệp với mức độ vừa phải, vừa làm vừa nghe ngóng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, hiện nay, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn đang thua lỗ khi đầu tư vào nông nghiệp. Đơn cử, tại Hòa Phát, sau 3 năm đầu tư, bước vào năm 2018, doanh thu của doanh nghiệp này đã tăng trưởng đáng kể từ ngành chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, ông Trần Đình Long cho biết, mảng chăn nuôi lợn từ dự kiến lãi đã chuyển về hết lãi, thậm chí có nguy cơ lỗ nếu dịch bệnh tiếp tục căng thẳng.

Hay như TH, sau chục năm đầu tư với con số nhiều tỷ USD, song đến nay, bà chủ tập đoàn này vẫn chưa mơ tới lợi nhuận. Sau nhiều năm lỗ theo lộ trình đầu tư, đến cuối năm 2018, TH mới ghi nhận số lãi ít ỏi 450 tỷ đồng, nhưng gánh nặng nợ cũng đang còn rất lớn. Khi được hỏi, doanh nhân Thái Hương cho hay: “Có người hỏi dự án đã có lãi chưa, tôi khẳng định: ‘Nuôi được bò cho sữa tốt là đã có lãi, còn lãi vật chất sẽ đến từ từ”.

Một chuyên gia trong ngành sữa nhận xét, quyết định đầu tư vào nông nghiệp, vào sản xuất sữa tươi của bà Thái Hương là vô cùng dũng cảm. Bởi chỉ nhìn vào suất đầu tư, cũng có thể thấy, dự án này phải mất hơn chục năm mới có thể sinh lời.

Rủi ro, mạo hiểm lớn là như vậy, nhưng với những doanh nhân tâm huyết, lĩnh vực thử thách này vẫn vô cùng hấp dẫn. Nguy cơ lỗ lớn, song khả năng sinh lợi cũng rất cao.

Ngay cả bầu Đức, vốn từng rất lao đao vì nông nghiệp, song cũng khẳng định, khả năng sinh lời trong lĩnh vực này là rất lớn nếu kiểm soát được quy mô sản xuất, chất lượng sản phẩm và làm tốt công tác thị trường. Cả THADI lẫn Hoàng Anh Gia Lai đều rất lạc quan bởi thị trường nông sản toàn cầu đang rộng mở, nếu sản xuất đúng quy trình, đảm bảo chất lượng, nông sản làm ra “không đủ để bán”.

Trên thực tế, không ít tỷ phú nông dân đã xuất hiện trên khắp đất nước, không lý do gì một thế hệ doanh nhân tiên phong, mang khát vọng lớn, tài chính dồi dài, cách làm bài bản lại không thể thành công.

Phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2018 và Triển khai kế hoạch năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh mục tiêu là ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào Top 10 của thế giới.
Ninh Thuận: Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp trên 70% tổng thu nội địa
Ông Lưu Xuân Vĩnh – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận đã gởi thư chúc mừng đến cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp nhân kỷ niệm 15 năm ngày Doanh nhân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư